Xây dựng nhà Gươl trong trường vùng cao

Nhằm đưa văn hóa truyền thống của đồng bào đến gần với các em học sinh, nhiều Trường Phổ thông Dân tộc bán trú của huyện Nam Giang (Quảng Nam) nơi có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống đang triển khai xây dựng những ngôi nhà Gươl ngay trong khuôn viên nhà trường để làm nơi tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho các em.

Huyện Nam Giang có khoảng 30 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở. Nằm ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi có cơ sở vật chất tương đối khang trang với những lớp học và khu nhà bán trú được xây dựng kiên cố. Nổi bật giữa khuôn viên vườn cây của trường là một ngôi nhà Gươl truyền thống do chính phụ huynh và các thầy cô giáo dựng lên cách đây vài năm. Chúng tôi đến thăm ngôi trường vùng biên này đúng vào thời điểm có tiết sinh hoạt ngoại khóa tại ngôi nhà Gươl, các em học sinh tiểu học với những bộ quần áo nhiều màu sắc rực rỡ của dân tộc Cơ Tu, Tà riềng, Ve đang cười nói rất vui vẻ khi tham gia trò chơi “Đèn xanh đèn đỏ” để tìm hiểu về Luật An toàn giao thông dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Tổng phụ trách Đội nhà trường. Em Alăng Thị Cẩm Anh, học sinh lớp 5 cho biết: Chúng em học bán trú tại trường từ thứ 2 đến thứ 6 mới trở về nhà của mình nên nhiều lúc rất nhớ cha mẹ và bản làng. Từ khi có ngôi nhà Gươl trong trường, chúng em rất thích ra đây chơi những lúc ngoài giờ lên lớp và cũng cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn trước.

Một buổi sinh hoạt văn hóa tại ngôi nhà Gươl của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở cụm xã ChaVàl - Zuôih.


Cô giáo Kring Lưu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi cho biết: Các em học sinh ở đây phải đi học bán trú xa gia đình khi còn rất nhỏ, việc dựng ngôi nhà Gươl giúp cho các em vơi đi nỗi nhớ nhà, đồng thời cũng là không gian gần gũi để các em học sinh vui chơi sinh hoạt ngoài giờ. Nhà trường thường tổ chức lễ kết nạp đội viên mới, tổ chức sinh nhật cho các em học sinh… ngay tại ngôi nhà Gươl này, qua đó góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện với các em. Ngôi nhà Gươl từ lâu đã trở thành một không gian gắn bó không chỉ đối với các em học sinh người dân tộc thiểu số mà cả những thầy cô giáo trẻ từ dưới xuôi lên gieo con chữ cho các em.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi vui chơi ở ngôi nhà Gươl.


Theo anh Brao Ngưu, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi, khi các thầy cô giáo đề xuất ý tưởng dựng một ngôi nhà Gươl trong trường đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của phụ huynh. Ban cha mẹ học sinh của trường đã phân công cho phụ huynh các lớp phụ trách tập kết những nguyên vật liệu khác nhau và chỉ trong vòng vài ngày, với sự tham gia tích cực của phụ huynh, ngôi nhà Gươl truyền thống đã hoàn thành trong niềm vui lớn của thầy và trò. Hàng năm, Ban cha mẹ học sinh của trường đều tiến hành tu bổ và thay thế những phần bị hư hỏng do thời tiết để ngôi nhà Gươl luôn vững chãi, làm nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống cho con em học sinh của mình.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở cụm xã ChaVàl- Zuôih múa điệu Tung tung da dá trước ngôi nhà Gươl của trường.


Còn tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở cụm xã ChaVàl - Zuôih, ngôi nhà Gươl của trường vừa mới được xây dựng hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam trong tháng 11 vừa qua như một món quà ý nghĩa mà cha mẹ phụ huynh các em dành tặng nhà trường. Thầy Trần Quý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có hơn 120 em học sinh bán trú, thời gian sinh hoạt của các em chủ yếu ở trường nên việc xây dựng nhà Gươl trong khuôn viên nhà trường như một “cầu nối” để duy trì bản sắc văn hóa địa phương trong môi trường giáo dục.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dê và Đắc Tôi rất vui khi được tham gia các trò chơi trong ngôi nhà Gươl của trường.


Hàng tháng, nhà trường đều tổ chức một buổi sinh hoạt cộng đồng tại nhà Gươl, mời các già làng uy tín trong những thôn bản ở gần trường đến để kể những câu chuyện cổ của đồng bào, hướng dẫn các em học sinh cách đánh cồng chiêng hoặc múa Tung tung da dá… Gần đây nhất nhà trường phối hợp với nhân dân các thôn bản xung quanh tổ chức lễ hội mừng lúa mới ngay tại ngôi nhà Gươl của trường với nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi như thi múa, thi làm các món ăn truyền thống của các dân tộc anh em.

Ông Zơ Râm Đing, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Giang cho biết: Việc phụ huynh học sinh phối hợp với các thầy cô giáo các Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xây dựng những ngôi nhà Gươl trong khuôn viên nhà trường là việc làm mang nhiều ý nghĩa không chỉ góp phần phát huy giá trị văn hóa của địa phương mà còn thể hiện công tác xã hội hóa chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của chính đồng bào các dân tộc nơi đây. Cách làm này đang được nhiều trường học trên địa bàn huyện Nam Giang thi đua nhân rộng, xem đó như một nét riêng đối với các ngôi trường vùng cao.

Bài và ảnh: Đỗ Trưởng
Phát triển du lịch vùng ĐBSCL: Khai phóng tiềm năng du lịch
Phát triển du lịch vùng ĐBSCL: Khai phóng tiềm năng du lịch

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thế mạnh về du lịch cảnh quan sông nước tự nhiên và đồng bằng. Bên cạnh đó là tiềm năng về du lịch tâm linh, du lịch khám phá và du lịch nghỉ dưỡng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN