Giống như nhiều lĩnh vực khác, đối với ngành du lịch, nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như dịch vụ du lịch. Đây cũng được coi là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương, rộng hơn là ngành du lịch của cả quốc gia.
Nhu cầu lớn
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam có bước tiến ngoạn mục, được ghi nhận trên bản đồ du lịch thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16% so với năm 2018; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6% so với năm 2018). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỉ đồng (tăng trên 16% so với năm 2018).
Cũng trong năm 2019, Việt Nam còn nhận được nhiều giải thưởng du lịch toàn cầu như: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019, điểm đến hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.
Theo các chuyên gia kinh tế và du lịch, trong những tháng đầu năm 2020, du lịch Việt Nam gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 song chắc chắn sau khi dịch bệnh kết thúc, ngành du lịch sẽ có bước phục hồi nhanh chóng. Chính vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập là rất cần thiết.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm, toàn ngành cần khoảng 40.000 lao động, song thực tế hiện nay lượng sinh viên ra trường lĩnh vực du lịch hằng năm chỉ đạt khoảng 15.000 người, hơn 12% trong số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tại nhiều địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh, nguồn nhân lực luôn là vấn đề “đau đầu” bởi lực lượng lao động, nhất là lao động trực tiếp thiếu trầm trọng, chưa kể đến chất lượng cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, hiện nhân lực ngành du lịch vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thành phố Hồ Chí Minh có lượng nhân lực phục vụ trong các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên rất cao. Mỗi năm thành phố có nhu cầu tăng thêm khoảng 12 - 15% lượng nhân lực hiện có, tuy nhiên nguồn cung chưa đáp ứng đủ. Cụ thể, tại thành phố có trên 60 cơ sở đào tạo ngành du lịch ở cả 3 bậc đại học, cao đẳng và trung cấp nghề. Tuy nhiên mới chỉ đáp ứng khoảng 60 % nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp lĩnh vực này.
Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương - địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nguồn nhân lực cũng thiếu trầm trọng. Từ góc nhìn của người làm công tác đào tạo, Thạc sĩ Dương Thanh Tú, Trường Đại học Văn Lang cho rằng: Mặc dù tốc độ phát triển du lịch của Bình Dương tăng nhanh mỗi năm, song nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực này lại chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng. Địa phương chưa có sự ổn định cao về nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt tại các cơ sở dịch vụ, lưu trú có quy mô nhỏ, nguồn nhân lực biến động thường xuyên.
Tương tự, với hầu hết các địa phương khu vực Tây Nam Bộ có ngành du lịch phát triển mạnh như Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, nhân lực du lịch, nhất là lực lượng lao động trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, đưa sản phẩm du lịch đến với du khách đều thiếu so với nhu cầu. Nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp du lịch cho rằng, nếu không sớm khắc phục, tình trạng thiếu nhân lực ngành du lịch sẽ trở thành một trong những “điểm nghẽn” cản trở phát triển du lịch bền vững ở mỗi địa phương cũng như trong toàn vùng.
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030, ngành du lịch sẽ tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp. Như vậy, thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục cần lượng lớn lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp dịch vụ lĩnh vực du lịch.
Nhiều lao động chưa đáp ứng yêu cầu
Hiện nay, trong khi nguồn nhân lực còn thiếu, chưa đủ đáp ứng yêu cầu về số lượng thì chất lượng nhân lực cũng là điều đáng bàn.
Để đáp ứng yêu cầu công việc, sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải mất thời gian, chi phí đào tạo nhằm đáp ứng thực tế công việc. Từ thực tế sử dụng lao động, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải - Vietravel cho biết: Các công ty lữ hành khi tuyển dụng lao động vào làm việc hầu như phải tổ chức đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng. Đây là một lãng phí rất lớn.
Còn theo ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu phát triển du lịch ở nhiều địa phương đang tăng nhanh, trong khi chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn nhiều hạn chế. Một trong những điểm yếu lớn nhất của nhân lực lao động trong ngành du lịch Việt Nam hiện nay là thiếu và yếu kỹ năng nghề. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ yếu là nhược điểm lớn cần khắc phục.
Nhìn nhận ở góc độ đào tạo, đồng thời cũng là một du khách trực tiếp đánh giá chất lượng phục vụ, cung cấp dịch vụ du lịch, Phó Giáo sư Hà Thị Ngọc Oanh, giảng viên Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, ngay từ khâu đào tạo nhân lực du lịch cần khắc phục để không xảy ra tình trạng có hướng dẫn viên du lịch còn chưa “thuộc bài”, chưa hiểu rõ về lịch sử một vùng đất, diễn biến một sự kiện, điểm hấp dẫn của một đặc sản địa phương để giới thiệu đến du khách. Có hướng dẫn viên chưa nắm vững đặc điểm tâm lý của từng đối tượng du khách để tạo sự hài lòng. Do đó trong quá trình đào tạo cần lưu ý người làm du lịch có kỹ năng hoạt náo, tạo không khí vui vẻ cho du khách nhưng cũng nên chú ý tới từng đối tượng du khách như người cao tuổi, trẻ em để có sự điều chỉnh phù hợp.
Bài 2: Những đột phá trong đào tạo