Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch - Bài cuối: Trang bị kỹ năng làm du lịch cho nông dân

Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp phát triển đang thu hút nông dân tham gia các hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ, sản phẩm du lịch.

Chú thích ảnh
Người dân bản Mạ (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đã biết cách làm du lịch nhờ được tập huấn các kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Thực tế cho thấy, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập không chỉ dừng lại ở việc tập trung đào tạo sinh viên ngành du lịch và một số ngành có chuyên môn gần với lĩnh vực du lịch hoặc bổ sung, cập nhật kiến thức cho lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến du lịch. Tại nhiều địa phương trong cả nước, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp phát triển đang thu hút nông dân tham gia các hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Việc quan tâm bồi dưỡng kiến thức, trang bị kỹ năng làm du lịch đối với nguồn nhân lực mang tính đặc thù này là rất cần thiết.

Nguồn nhân lực đặc thù

Với chủ trương phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao, tăng sự trải nghiệm cho du khách dựa trên lợi thế tài nguyên du lịch của từng địa phương, những năm gần đây, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đã phát triển mạnh. Qua đó giúp nông dân nâng cao thu nhập so với sản xuất nông nghiệp thuần túy trước đây. Bên cạnh tài nguyên du lịch từ chính hoạt động sản xuất nông nghiệp, bản sắc văn hóa, 65,6% dân số sống ở khu vực nông thôn Việt Nam chính một trong những nguồn lực để phát triển mạnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, tạo điều kiện để nông dân gia tăng thu nhập.

Tuy nhiên, để có thể phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp hiệu quả, nông dân cần được trang bị thêm những kỹ năng cần thiết như nghệ thuật kinh doanh, giao tiếp ứng xử, giới thiệu, thuyết minh…

Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp tại nhiều vùng nông thôn nước ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút du khách đến không chỉ một lần. Song theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn còn tồn tại tình trạng làm du lịch một cách manh mún, nhỏ lẻ, các dịch vụ, sản phẩm trải nghiệm chưa đa dạng, thái độ đón tiếp du khách chưa phù hợp… Nông dân vẫn chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên chưa có các kỹ năng phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm và không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch. Những tồn tại này có thể khắc phục nếu những nông dân làm du lịch được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm du lịch, phát triển kinh tế dịch vụ. 

Chú thích ảnh
Nhân viên Homestay A Phủ, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) chuẩn bị bữa ăn cho du khách. Ảnh Quang Đán/TTXVN

Đề cập về sự cần thiết trang bị những kỹ năng về làm dịch vụ du lịch, từ việc chào hỏi, tiếp đón du khách cho đến giới thiệu sản phẩm du lịch, lãnh đạo một địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, hiện nay, có tình trạng nhà nhà, người người làm du lịch cộng đồng, homestay. Tuy nhiên, có nơi, nông dân chưa được bồi dưỡng kiến thức làm du lịch, kỹ năng giao tiếp với du khách nên khi tiếp đón du khách, nhất là khách quốc tế có khi khiến du khách phật ý chỉ vì sự nhiệt tình thái quá, những câu hỏi tò mò về tuổi tác…

Hướng đào tạo hiệu quả

Đồng Tháp là một trong 6 tỉnh thuộc cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (gồm Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Tiền Giang). Những năm gần đây, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp sinh thái ở Đồng Tháp với những trải nghiệm đặc sắc về một vùng quê thanh bình, sum suê hoa trái miệt vườn đã tạo ấn tượng đẹp cho du khách, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch đất Sen hồng.

Trong năm 2019, địa phương này đã thu hút 3,9 triệu lượt khách, đứng đầu 6 tỉnh cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ lễ tân, thuyết minh viên, kỹ năng giao tiếp cho nhân lực ngành du lịch; xây dựng tour mẫu; tập huấn kiến thức về phát triển du lịch có trách nhiệm; tập huấn kiến thức cơ bản về đón tiếp, phục vụ khách du lịch cho hộ kinh doanh du lịch tại một số địa phương, giúp các hộ dân hiểu sâu hơn cách làm du lịch cộng đồng…

Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân tham gia hoạt động du lịch, giúp họ gia tăng thu nhập là hướng đi đúng mà địa phương đang thực hiện. Trang bị kỹ năng làm du lịch cho nông dân không phải bằng những vấn đề quá rộng lớn, bài giảng hoành tráng mà cần tư vấn, tổ chức tập huấn, hướng dẫn để họ hiểu hơn, trân trọng hơn và khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa bản địa, sản vật phong phú ở địa phương nhằm thu hút, tạo sự hài lòng cho du khách.

Người làm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp sinh thái cũng cần lưu ý, cân nhắc từ những điều tưởng như đơn giản như có những món ăn, đặc sản chúng ta cho là ngon, thú vị nhưng với du khách lại có thể là không ngon, không phù hợp. Có những cái chúng ta cho là đẹp, là hay nhưng có thể du khách lại không có cùng cảm nhận như vậy. Do đó phải chọn lọc những gì đặc sắc nhất, phù hợp nhất để giới thiệu đến du khách.

Chú thích ảnh
Du lịch cộng đồng Cồn Sơn - Một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Cần Thơ. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN

Thành phố Cần Thơ thuộc cụm liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long (gồm Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và Cà Mau).  Thành phố  này có  những sản phẩm du lịch chủ lực như: Du lịch sông nước, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết: Chú trọng việc trang bị, bồi dưỡng kiến thức, tạo thuận lợi cho nông dân phát triển loại hình du lịch cộng đồng, các địa phương của thành phố “đặt hàng” Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ tổ chức lớp bồi dưỡng ngắn hạn, trang bị kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phương pháp tiếp thị, giới thiệu sản phẩm du lịch, kỹ năng quản lý điểm đến… Nhờ đó, du lịch Cần Thơ đã trở thành điểm đến được nhiều du khách chọn lựa trong hành trình du lịch của mình. Năm 2019, thành phố Cần Thơ đón 8,8 triệu lượt du khách, tăng 4,6 % so với năm 2018.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, du khách đến từ quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình chị đã chọn một homestay ở huyện  Phong Điền, thành phố Cần Thơ làm điểm đến nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Được trải nghiệm các hoạt động như làm ruộng, trồng rau, giăng lưới, tát mương bắt cá, thưởng thức bánh dân gian… với sự hướng dẫn nhiệt tình, thân thiện của nhân viên tại điểm du lịch, các cháu nhỏ trong gia đình chị rất thích thú.

Còn với bản thân chị Vân Anh, thưởng thức những bữa cơm tại điểm du lịch cộng đồng được trình bày đẹp mắt, do chính nông dân làm du lịch giới thiệu về các loại rau, trái cây… của miền Tây Nam Bộ và chứng kiến quá trình chế biến món ăn sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh chị thấy rất hài lòng.

Thanh Trà (TTXVN)
Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch - Bài 2: Những đột phá trong đào tạo
Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch - Bài 2: Những đột phá trong đào tạo

Để phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, một trong những giải pháp quan trọng được nhiều cơ sở đào tạo xác định là: Đào tạo gắn liền với thực tế, gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động, đề cao việc học lý thuyết đi đôi với thực hành đối với học sinh, sinh viên ngành du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN