Chiều 30/11/2017, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về đề án tái cơ cấu ngành du lịch. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn báo cáo với Phó Thủ tướng về những vấn đề lớn được đặt ra trong Đề án, như: Phát triển các dòng sản phẩm du lịch; quy hoạch, quản lý môi trường điểm đến; nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật; cơ cấu các loại hình doanh nghiệp. Đây là những vấn đề được đưa ra dựa trên thực trạng của du lịch Việt Nam hiện nay; cụ thể như: Cơ cấu sản phẩm du lịch tiếp cận theo chuỗi giá trị còn "khập khiễng"; các sản phẩm thương mại, nông nghiệp chưa được định hướng phát triển thành sản phẩm đầu vào để hình thành sản phẩm du lịch; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thị trường khách quốc tế thiếu cân đối chủ yếu là thị trường Đông Bắc Á chiếm 55% và Đông Nam Á chiếm 16% trong khi thị trường xa, chỉ tiêu cao chiếm tỷ trọng thấp.
Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 96% nhưng các doanh nghiệp lớn lại có tiềm lực lớn, đón, phục vụ số lượng lớn thị trường. Chỉ 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu đã đón 10% tổng lượng khách; các khách sạn 5 sao phục vụ hơn 20% tổng số nhu cầu buồng phòng... Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn chưa hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch cùng phát triển vững mạnh. Cơ cấu lao động trong lĩnh vực du lịch chủ yếu là dưới sơ cấp (gần 1/2), sơ cấp, trung cấp, cao đẳng gần 1/2, đại học và sau đại học chỉ chiếm 7,4%; 60% có trình độ ngoại ngữ... chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch heo hướng chuyên nghiệp, có năng lực cạnh tranh. Nhiều nơi du lịch phát triển tự phát, thiếu tính bền vững, thiếu tính quy luật của thị trường...
Phó Tổng Giám đốc Công ty Hàng không Ngôi sao Việt Lương Hoài Nam cho rằng, cốt lõi đầu tiên trong tái cơ cấu ngành du lịch là phát triển các sản phẩm du lịch. Các sản phẩm du lịch ở Việt Nam đang ở tình trạng không có quá nhiều hoặc thừa. Vì vậy, điều cần quan tâm không phải là tái cơ cấu các dòng sản phẩm du lịch mà cần nghiên cứu xem sẽ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng như thế nào. Ví dụ, ngành du lịch rất thiếu những bảo tàng, công viên chuyên đề đặc sắc khiến du khách không biết đi đâu chơi, tham quan ở đâu.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đề xuất: Đề án cần nêu được một số điểm "nóng", vấn đề "nóng" và có lộ trình tập trung giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, Đề án nên có định hướng hình thành những sản phẩm du lịch quốc gia gắn với khu du lịch trọng điểm, từ đó có kế hoạch đầu tư dài hạn, bài bản.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Để phát triển bền vững, tái cơ cấu ngành du lịch phải được triển khai với tư duy mới, thiết thực. Đó là giải quyết căn bản từng vấn đề, như: Quảng bá du lịch, giao thông, thủ tục xuất nhập cảnh, quản lý điểm đến, bảo đảm môi trường du lịch an toàn, vệ sinh thực phẩm. Theo Phó Thủ tướng, tái cơ cấu phải xuất phát từ sản phẩm du lịch, tiếp đến là thị trường, nhân lực, đầu tư hạ tầng, quản lý các điểm đến…
Phó Thủ tướng gợi mở: Tái cơ cấu du lịch phải thật chi tiết, cụ thể với tinh thần Trung ương làm chính sách, có thanh, kiểm tra, các địa phương triển khai cụ thể. Đề án cần xác định thời gian, lộ trình cụ thể cũng như các khu vực du lịch trọng điểm. Trong phát triển sản phẩm du lịch cần xác định rõ ai sẽ làm; nguồn lực đầu tư từ ngân sách, từ doanh nghiệp được huy động, sử dụng ra sao.
Tổng cục Du lịch cần khẩn trương tiếp thu ý kiến của chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, hoàn thiện Đề án với tinh thần cụ thể, chi tiết, tránh quy định chung chung; đặc biệt cần có danh sách một số việc cần làm triệt để, căn bản nhằm giải quyết những điểm "nóng" đang gây bức xúc cho du khách và doanh nghiệp làm du lịch - Phó Thủ tướng lưu ý.