Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang Võ Văn Chiến cho biết, tỉnh có 3 vùng sinh thái tự nhiên, rất thuận lợi để phát triển du lịch gồm: vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt, vùng du lịch hệ sinh thái nước ngập phèn, vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn.
Việc khai thác hợp lý du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp tham quan di tích lịch sử văn hóa sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tiền Giang phát triển một cách bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời kỳ hội nhập.
Mỗi vùng sinh thái đều mang đặc điểm riêng nên thu hút khách du lịch, giúp lượng khách du lịch quốc tế đến Tiền Giang tăng nhanh. Trong 11 tháng năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang đạt 1.530 nghìn lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có 530 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 15,1% so với cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 1.070 tỉ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ, đạt 85,6% kế hoạch. Riêng trong tháng 11/2024, Tiền Giang đón được 165 nghìn lượt khách du lịch, tăng 19,8% so với cùng kỳ; trong đó có 55 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 12,7% so với cùng kỳ; doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 90 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Với bờ biển dài 32 km nằm ở phía Đông, tỉnh Tiền Giang có lợi thế khi hình thành vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn cùng những nét văn hóa, lịch sử đặc trưng của vùng biển. Khách du lịch có cơ hội ngắm bình minh yên bình ở bãi biển Tân Thành với những chòi giữ nghêu trên các sân nuôi nghêu mênh mông, trải dài tầm mắt; hay ngắm những cánh quạt điện gió trên mặt biển…
Một điều lý thú là du khách có thể tham quan di tích văn hóa lịch sử Lăng mộ Hoàng Gia ở xã Long Hưng (thị xã Gò Công) để tìm hiểu và biết thêm về nơi phát tích của Thái hậu đức độ Từ Dũ; hoặc cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định khi tham quan khu di tích Lăng mộ của ông ở thị xã Gò Công, cùng đền thờ ở xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông), nơi ông tuẫn tiết…
Tại thành phố Mỹ Tho, Khu du lịch sinh thái Thới Sơn (xã Thới Sơn), hiện là trung tâm đón khách du lịch của tỉnh Tiền Giang, mỗi năm đón hơn 700 nghìn lượt khách, trong đó 45% là khách quốc tế. Khi đến Thới Sơn, du khách xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp hoặc đi bộ trên những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái sum suê. Sau khi tham quan những điểm làm kẹo dừa, nấu rượu truyền thống, du khách có thể ngồi trong những nhà vườn uống trà mật ong, nghe đàn ca tài tử.
Khu du lịch Thới Sơn đã được quy hoạch và đang triển khai xây dựng với diện tích 77 ha, gồm các khu đón tiếp đường bộ, khu cắm trại dã ngoại, khu làng xã Nam Bộ, khu nghỉ dưỡng… sẽ tạo sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Lê Thị Bé Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang trao đổi, thành phố tiếp tục tạo điều kiện khuyến khích, thu hút đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chỉ tiêu của du khách, tăng hiệu quả kinh tế cho hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, khi tham quan vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt ở phía Tây tỉnh Tiền Giang, khách du lịch sẽ choáng ngợp trước những vườn cây trái bạt ngàn, xanh tươi bốn mùa trên các cù lao với vùng dân cư nằm dọc sông Tiền của các huyện Cái Bè, Cai Lậy,… Điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước là làng cổ Đông Hòa Hiệp ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè.
Theo ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè, làng cổ Đông Hòa Hiệp thu hút du khách khám phá những nét kiến trúc cùng hoa văn cổ xưa của Nam Bộ được thể hiện qua những bức hoành, liễn gỗ, kèo cột được chạm khắc công phu mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam Bộ, với niên đại trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ ở đây nằm đan xen những vườn cây ăn trái sum suê, tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng. Ước tính trung bình mỗi năm, làng đón khoảng 100 nghìn lượt du khách đến tham quan, trong đó hơn 75% là khách quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang còn có một vùng sinh thái ngập phèn đặc trưng độc đáo của vùng Đồng Tháp Mười tại huyện Tân Phước. Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười có diện tích ở khu trung tâm là 100 ha, vùng đệm xung quanh là 1.800 ha rừng tràm ở xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước).
Đây là khu bảo tồn sinh thái ngập phèn độc đáo ở Nam Bộ, với những loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm như: tràm vó, sao, súng, bàng, lác, giang sen, cò, trăn, rùa, ong mật..., vừa phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học, vừa là nơi tham quan nghỉ dưỡng.
Cùng với đó, diện tích đất trồng khóm lớn với hơn 15.000 ha tại đây cũng tạo nên cảnh sắc đặc trưng cho vùng đất từng là "rốn lũ, rốn phèn" với tập quán canh tác đặc sắc của người dân. Huyện Tân Phước còn có các làng nghề gắn liền với các cây trồng tại địa phương như: Làng nghề Bàng buông xã Tân Hòa Thành, các cơ sở sản xuất kẹo, mứt khóm...
Bên cạnh các lợi thế tự nhiên, huyện Tân Phước còn có nhiều di tích văn hóa - lịch sử có khả năng kết nối du lịch về nguồn như: Bến đò Phú Mỹ, Đình Phú Mỹ, Đình Dương Hòa, Miếu Bà Chúa Xứ Cống Tượng. Về du lịch tâm linh, huyện Tân Phước có 2 cơ sở tôn giáo gồm Chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự), Thiền viện Trúc lâm Chánh giác, được xem như điểm nhấn quan trọng, thu hút du khách đến tham quan, lễ Phật và du lịch. Những năm gần đây, khách đến tham quan, chiêm bái, lễ Phật tại các điểm du lịch tâm linh lên đến khoảng 200 nghìn lượt mỗi năm; năm 2023, lượng khách du lịch đến huyện Tân Phước đạt 250 nghìn lượt.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách phát triển du lịch trong tình hình mới với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành cùng các doanh nghiệp lữ hành trong, ngoài tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch phục hồi du lịch cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả; phối hợp các doanh nghiệp lữ hành đồng loạt cùng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có sự đầu tư nghiên cứu phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại trên lĩnh vực du lịch, hướng tới các thị trường du lịch và đối tượng du khách tiềm năng.