Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Rừng Sác(Cần Giờ). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Nhưng để giữ chân du khách lưu trú dài ngày, “đắm mình” tìm hiểu và khám phá bản sắc đặc trưng riêng của người dân địa phương một cách bài bản, sâu sắc nhất thì ngành du lịch thành phố vẫn còn nhiều việc cần làm.
"Thực đơn"... cũ và ngán
Thực tế hiện nay, mỗi khi có khách từ vùng miền khác hay khách là người nước ngoài đến thăm viếng, người Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng như các tour du lịch đều đưa họ đi đến những địa điểm tham quan truyền thống như: Chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, Bưu điện thành phố, Địa đạo Củ Chi… Trong tâm thức của những người sinh ra và lớn lên tại thành phố, mặc nhiên đây là những địa điểm đã được “ấn định” sẵn, không thể bỏ qua.
Bà Trần Toàn Ngọc (quận Phú Nhuận) cho biết: Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh thấm thoát đã 60 năm, bao nhiêu lần được bạn bè, người thân từ phương xa đến thăm viếng, là bấy nhiêu lần tôi đều dẫn họ đến thăm Chợ Bến Thành. Đành rằng, ai đến cũng đều rất thích thú, song dẫn đi nhiều lần rồi, đến khi hỏi còn chỗ nào đi nữa không… thì “bí quá", tôi đành dẫn đi quán cà phê “buôn chuyện” cho hết thời gian.
Tương tự, qua tìm hiểu các tour giới thiệu tham quan quanh Thành phố Hồ Chí Minh của các công ty du lịch, lữ hành, ai cũng dễ nhận thấy những điểm đến quen thuộc nêu trên. Khách nước ngoài đến Thành phố Hồ Chí Minh lưu trú, chỉ cần 1- 2 ngày là đã có thể khám phá hết những điểm tham quan tại thành phố. Thời gian còn lại, hầu hết dành để mua sắm, trung chuyển và lưu trú đến những tỉnh, thành phố khác.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương chia sẻ: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là điểm tham quan hàng đầu của du khách nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân chính là do sự tò mò, hiếu kỳ.
Nhưng để tìm một nơi để trải nghiệm nền văn hóa, nghệ thuật cực kỳ đa dạng, phong phú của dân tộc Việt Nam tại thành phố, vẫn rất khó có thể tìm ra nơi nào để du khách quốc tế được cảm nhận văn hóa mà trầm trồ, thán phục. Đây chính là khoảng trống mà du lịch thành phố vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng.
Những nhà quản lý ngành du lịch thành phố cũng thừa nhận, thành phố vẫn chưa có điểm biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn, cố định (trong khi hầu hết các nước trong khu vực ASEAN đều có trung tâm biểu diễn quy mô trên 1.000 khách), cũng như chưa có các chương trình nghệ thuật chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu giải trí cho du khách trong thời gian lưu lại thành phố.
Hoạt động giải trí hiện nay không hấp dẫn, chủ yếu phân tán hay nặng về khai thác, thương mại qua các hình thức bar, Beer Club, Karaoke… và đôi lúc có biến tướng; chưa có sản phẩm giải trí phù hợp với một thành phố hiện đại, năng động, mang tầm quốc tế.
Nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Theo các doanh nghiệp lữ hành, đa số du khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh đều mong muốn có thêm những trải nghiệm văn hóa đặc sắc. Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm đưa nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc Việt Nam đến khán giả trong và ngoài nước, ông Huỳnh Anh Tuấn tự hào chia sẻ: Mỗi tháng, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng phục vụ bình quân khoảng 12.000 du khách hay Nhà hát Nón Lá chuyên về biểu diễn nghệ thuật dân tộc được rất nhiều người nước ngoài ghé thăm rất thích thú, ít nhiều đã cho thấy hướng đi “chiếm” trọn trái tim của du khách quốc tế của tôi đến nay là đúng, rất lạc quan.
Mới đây, ông Huỳnh Anh Tuấn đã kết hợp với Khách sạn REX tiêu chuẩn 5 sao xây dựng Nhà hát REX Sen Vàng ngay giữa lòng khách sạn với sức chứa 150 chỗ ngồi, phục vụ du khách hàng đêm. Đây được xem là sân khấu múa rối nước ngoài trời đầu tiên trong lòng khách sạn 5 sao, biểu diễn thường xuyên các tiết mục dân gian Việt Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Khách du lịch quốc tế tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, khách sạn REX là điểm lưu trú thường xuyên được lãnh đạo thành phố lựa chọn để tiếp lãnh đạo các nước đến thăm. Vì vậy, việc đặt nhà hát ngay tại khách sạn REX sẽ góp phần giới thiệu nghệ thuật đặc sắc của dân tộc đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa thông qua nghệ thuật ngay tại nơi khách lưu trú.
Những năm gần đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Du lịch thành phố đã đẩy mạnh giới thiệu những sản phẩm du lịch mới đến du khách; đồng thời chú trọng đến khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố, trong năm 2016, Sở đã làm việc với Ủy ban nhân dân quận 5 về phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như “Phố lồng đèn”, "Tuần lễ Đông Y” nhằm định hướng phát triển du lịch cho quận 5.
Thời gian tới, Sở Du lịch đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp đầu tư xây dựng các điểm biểu diễn nghệ thuật, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, ngang tầm vị trí hàng đầu của cả nước; tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy các chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch; đồng thời rà soát tiềm năng du lịch của các công trình di sản kiến trúc văn hóa để xây dựng kế hoạch và giải pháp phát triển du lịch di sản trên địa bàn thành phố.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ngành du lịch vừa là hoạt động nghệ thuật, đồng thời cũng là hoạt động kinh doanh nên rất cần sự sáng tạo. Tại thành phố Hồ Chí Minh, “thực đơn” du lịch phục vụ cho du khách quốc tế cần phong phú, đa dạng hơn nữa.
Xu hướng phát triển du lịch toàn cầu là theo hướng bền vững có trách nhiệm, cần thiết gắn với trách nhiệm bảo tồn di tích văn hóa của thế hệ đi trước và hướng đến lợi ích cộng đồng, của người dân.
Nhận thấy rõ vẫn còn nhiều tiềm năng du lịch mà Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa khai thác hết, UBND thành phố cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng, ngành du lịch tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch văn hóa kết hợp thể thao, các nhóm biểu diễn nghệ thuật, ảo thuật đường phố biểu diễn cho du khách trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, du lịch nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có sản phẩm phù hợp…
Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, tất cả các sản phẩm du lịch mới cần mang tính đặc trưng địa phương, phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm hiệu quả, thu hút được du khách trong và ngoài nước, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và cộng đồng theo hướng phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm của thế giới.