Tranh gạo Làng Hồ chủ yếu là những bức tranh về thư pháp, sinh hoạt của người dân địa phương, văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, những mái nhà rông truyền thống hay dòng Đăk Bla uốn mình ôm trọn Kon Tum đại ngàn…
Phòng tranh Làng Hồ của họa sỹ Đăng Kiều. |
Họa sỹ Kiều Đăng - người sáng lập ra Phòng tranh gạo Làng Hồ chia sẻ: “Bức tranh gạo hình thành là cả niềm hạnh phúc của người thực hiện, như chính họ đang đón nhận đứa con tinh thần sắp chào đời. Tùy thuộc vào ý nghĩa của bức tranh đó mà mỗi bức tranh mang giá trị tinh thần khác nhau. Được cống hiến giá trị tinh thần cho khán giả là niềm vui của những con người làm nghệ thuật. Với Kiều Đăng, việc thổi hồn vào bức họa là khó nhất, bởi nét vẽ chân thực, sinh động mới cho ra bản vẽ đẹp. Điều quan trọng thứ hai đó là sự phối màu của gạo lên tranh, nó quyết định sự thành công của tác phẩm mình muốn mang đến cho khách hàng”.
Họa sỹ Kiều Đăng cho biết, để làm được một bức tranh gạo như ý, đầu tiên phải lên ý tưởng về bức tranh rồi phác họa ra giấy trước, sau đó mới vẽ ra giấy cứng hay ván ép (loại ván ép được xử lý chống ẩm). Quan trọng nhất là phần chọn gạo và rang gạo thành những tông màu khác nhau. Tùy theo thời gian rang, gạo sẽ có từ màu trắng, tăng tông màu dần lên cho đến màu đen. Rang gạo là công đoạn khó nhất (gạo không bị nở bung, gãy hay cháy, tay rang phải đều sao cho ra màu gạo tươi, đẹp). Công đoạn này do chính tay họa sỹ Kiều Đăng thực hiện.
Gạo được chia ra thành những hộp nhỏ theo màu, xếp xung quanh bức tranh đã phác họa. Họa sỹ Kiều Đăng đi gạo lên những nét vẽ trước đó của mình, vừa đi gạo vừa phải hình dung các khoảng sáng, tối để đưa màu gạo vào cho thích hợp. Sau khi hoàn thành bức tranh gạo, công đoạn cuối cùng là phun sơn PU để giữ màu cho bức tranh.
Một bức tranh gạo hoàn chỉnh phải được kết hợp giữa màu sắc và kích thước gạo. Không chỉ đi đúng màu gạo là được, người thực hiện còn phải biết lúc nào nên đi gạo đứng, lúc nào đặt gạo nằm, đặt xéo hay chỗ nào đi gạo nguyên hạt, đoạn nào nên đi gạo tấm… để cho ra một bức tranh gạo như ý đồ họa sỹ phác thảo.
Du khách khi đến phòng tranh Làng Hồ sẽ được tận mắt chứng kiến khoảng 10 bạn trẻ đang miệt mài đi gạo trên những bức tranh do họa sỹ Kiều Đăng vẽ. Ngoài việc sáng tác tranh, họa sỹ Kiều Đăng còn nhận dạy miễn phí cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật để các bạn có thêm thu nhập, chắp cánh cho những ước mơ.
Em Nguyễn Thị Thanh Thảo đã làm việc ở Phòng tranh gạo Làng Hồ được 3 năm. Được họa sỹ Kiều Đăng chỉ bảo tận tình, nay Thảo đã tự mình làm được những bức tranh gạo mang đậm nét văn hóa địa phương. Thảo tâm sự: “Chị Kiều Đăng nhận dạy miễn phí cho rất nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn như chúng em. Bây giờ đã có thể tự mình làm một bức tranh gạo hoàn chỉnh nhưng tụi em không muốn tách ra mở phòng tranh riêng. Tụi em muốn ở lại phụ chị Kiều Đăng phát triển thêm phòng tranh dành cho du khách muốn trải nghiệm các công đoạn làm tranh gạo gắn với lĩnh vực du lịch mà chị đang ấp ủ”.
Tranh gạo của Phòng tranh Làng Hồ được du khách nhiều nơi biết đến qua các tác phẩm được ký gửi tại những làng nghề của Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, một số tổ chức từ thiện của Mỹ cũng đã đặt hàng với số lượng lớn. Giá của những bức tranh gạo giao động từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy vào kích thước khách hàng đặt.
Họa sỹ Kiều Đăng cho biết, chị đang triển khai thực hiện dự án du lịch làng nghề tại làng Kon Ktu, thành phố Kon Tum. Kế hoạch của chị là sẽ mở thêm một phòng tranh gạo ngay tại làng du lịch Kon Ktu để du khách vừa có thể chiêm ngưỡng những bức tranh gạo do chị thực hiện, vừa có thể trải nghiệm, tự mình làm những bức tranh gạo theo ý du khách.
Theo họa sỹ Kiều Đăng, Phòng tranh gạo dành cho khách du lịch trải nghiệm tại làng du lịch Kon Ktu sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2017, để kịp phục vụ du khách mùa Noel 2017 và dịp Tết Nguyên Đán 2018.