Máy bay của Hãng Hàng không Nhật Bản (JAL) tại sân bay Haneda, Tokyo, Nhật Bản ngày 28/4/2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại cuộc họp thường niên mới diễn ra trong hai ngày 5-6/6 ở Cancun của Mexico, IATA dự báo doanh thu của ngành hàng không thế giới năm 2017 sẽ đạt 743 tỷ USD, cao hơn dự báo trước đó là 736 tỷ USD. Trong khi lợi nhuận sau thuế của ngành vận tải này ước tính sẽ vào khoảng 31,4 tỷ USD trong năm nay.
Dự báo của IATA nêu bật một “thời kỳ hoàng kim” cho ngành hàng không thế giới, mặc dù các hãng vận tải đang phải đối mặt với những khó khăn như chi phí tăng cao, các vấn đề an ninh và xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng lên cao tại một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Vương quốc Anh.
Một chủ đề “nóng” được chú ý trong cuộc họp của IATA là lệnh cấm mang các thiết bị điện tử cỡ lớn như máy vi tính xách tay và máy tính bảng lên khoang hành khách trong một số chuyến bay nhất định mà Mỹ và Vương quốc Anh đang áp dụng.
Ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc IATA, cho biết ngành hàng không thế giới sẽ bị thiệt hại tới 180 triệu USD/năm bởi lệnh cấm này. Và nếu lệnh cấm thiết bị điện tử đó được mở rộng áp dụng đối với cả các chuyến bay giữa Mỹ và châu Âu thì con số trên có thể lên tới 1,2 tỷ USD.
Các hãng hàng không của Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách dự báo của IATA với lợi nhuận ước khoảng 15,4 tỷ USD trong năm nay. Lợi nhuận của ngành hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu dự báo cùng đạt 7,4 tỷ USD, trong khi con số này của khu vực Trung Đông sẽ là 400 triệu USD. Tuy nhiên, các hãng vận tải đường không của châu Phi có thể sẽ phải đối mặt với mức lỗ ước tính 100 triệu USD.
Về vấn đề phát thải của ngành hàng không, Giám đốc của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), ông Olumuyiwa Benard Aliu đã hối thúc các nhà lãnh đạo trong ngành tuân thủ Kế hoạch cắt giảm phát thải khí có carbon trong lĩnh vực hàng không quốc tế (CORSIA), bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. IATA đã cam kết sẽ cùng các thành viên đoàn kết trong việc thực hiện CORSIA và đảm bảo mục tiêu ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cuộc họp của IATA đã diễn ra mà không có sự tham gia của Giám đốc điều hành (CEO) Akbar Al Baker của hãng hàng không Qatar Airways. ông Akbar Al Baker đã rời cuộc họp sau khi bốn nước Vùng Vịnh - gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) - thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố.
Một loạt các hãng hàng không Vùng Vịnh đã ngừng các chuyến bay tới Qatar sau khi căng thẳng ngoại giao diễn ra. Các cơ quan hàng không của Saudi Arabia và Bahrain còn cấm các máy bay từ Qatar quá cảnh và đáp cánh xuống sân bay thuộc nước mình. Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac đã kêu gọi các quốc gia mở lại biên giới càng nhanh càng tốt, vì vận tải hàng không là ngành quan trọng của kinh tế thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 4/6 giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dựa trên khả năng hoạt động giao thương tăng tốc bất chấp chính sách "hạn chế thương mại" của Mỹ.
Theo dự báo mới nhất của WB, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay và dự kiến đạt con số 2,9% vào năm 2018, cao hơn so với mức tăng 2,4% của năm 2016. Trước đó vào giữa tháng Tư vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã đưa ra những đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới, khi nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu lần đầu tiên trong vòng hai năm nay.
Bên cạnh việc ngành hàng không dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn hướng tới năm thứ tám liên tiếp đạt lợi nhuận, hoạt động du lịch trên thế giới cũng được dự báo sẽ giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2017 - Năm phát triển Du lịch bền vững do Liên hợp quốc (LHQ) chọn lựa.
Tổng Thư ký UNWTO, ông Taleb Rifai nhận định rằng mặc dù gặp phải rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, ngành du lịch thế giới đã thể hiện khả năng phục hồi tốt trong những năm gần đây. Hoạt động du lịch quốc tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống trên toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), nhu cầu du lịch quốc tế vẫn rất cao bất chấp những khó khăn, tổng lượng khách du lịch toàn cầu năm 2016 tăng 3,9% và đạt 1.235 triệu lượt, tăng 46 triệu lượt so với năm 2015 .
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu mức tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2016 với mức tăng 8%. Tại khu vực châu Mỹ, ngành du lịch tiếp tục đà tăng trưởng 4%. Khu vực châu Âu tuy ghi nhận mức tăng 2% cho năm 2016 nhưng các điểm đến lại không có sự tăng đồng đều. Cuối cùng, khu vực Trung Đông chứng kiến hoạt động du lịch suy giảm -4% do tình hình chính trị nhiều bất ổn.
Trong năm 2017, UNWTO dự báo lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 3-4%, với mức tăng tại châu Âu được dự đoán là 2-3%, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi ước tăng 5-6%, châu Mỹ tăng 4-5% và khu vực Trung Đông tăng 2-5% do tình hình bất ổn ngày càng gia tăng tại khu vực.
Với việc năm 2017 được chọn là Năm phát triển du lịch bền vững, Tổng Thư ký UNWTO Taleb Rifai cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục xúc tiến các hoạt động hợp tác chặt chẽ hơn trong việc tăng cường đóng góp của hoạt động du lịch trong phát triển kinh tế, hòa hợp xã hội, bảo tồn văn hóa, gìn giữ môi trường và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau.