Dù chỉ là trường hợp cá biệt song đã làm ảnh hưởng tới môi trường du lịch Thủ đô, nhất là khi thành phố đang nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về trường hợp hai du khách người nước ngoài đi xe xích lô từ Hàng Da tới hồ Hoàn Kiếm nhưng phải trả tới 600 nghìn đồng. Khi các vị khách này đưa 1,5 triệu đồng thì được người lái xích lô trả lại 900 nghìn đồng tiền âm phủ nhưng họ không biết.
Trước đó, đôi vợ chồng du khách người Hà Lan bắt taxi từ phố cổ Hà Nội đến Bảo tàng Dân tộc học, quận Cầu Giấy, dài khoảng 7 km nhưng bị tài xế tính giá 870 nghìn đồng. Rất may, hai người này nhớ biển số xe nên cơ quan chức năng đã tìm ra tung tích tài xế để xử lý vụ việc.
Ngoài ra, có trường hợp một nữ du khách Nga bị ép mua túi bánh rán với giá 700 nghìn đồng cũng tại phố cổ Hà Nội nhưng do không chụp được hình ảnh người bán hàng nên khó khăn trong xử lý...
Có thể thấy, những đối tượng chèo kéo, chặt chém, lừa khách thường hoạt động ở các điểm tập trung đông khách du lịch, đặc biệt là khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội. Ngoài một số lái xe taxi, xích lô hay chặt chém du khách, các đối tượng còn lại thường là người bán hàng rong, đánh giày, bán đồ lưu niệm, thậm chí cả đối tượng trộm cắp.
Dạo một vòng phố cổ Hà Nội không khó gặp cảnh những người bán hàng rong bám theo khách du lịch chèo kéo, ép mua hàng. Người dân nhiều lần chứng kiến những việc phản cảm nhưng dường như họ ít phản ứng. Bởi các đối tượng này hoạt động theo nhóm, nếu bị phản ứng có thể sẽ quay lại đe dọa, hành hung.
Tình trạng này không phải gần đây mới diễn ra mà lặp đi lặp lại nhiều năm. Mặc dù ngành Du lịch Thủ đô thường xuyên phối hợp với cơ quan Công an, thanh tra giao thông, chính quyền các quận, huyện kiểm tra, kiểm soát, xử lý nhưng chỉ giảm một phần nào.
Hơn nữa, lực lượng kiểm tra, xử lý mỏng, không thể bao quát hết các địa bàn trong khi những đối tượng này thường xuyên trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Nhất là thời điểm ngoài giờ hành chính, các đối tượng hoạt động càng mạnh hơn.
Sở Du lịch Hà Nội cũng thành lập Bộ phận hỗ trợ khách du lịch và thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh của du khách. Năm 2017, Bộ phận hỗ trợ khách du lịch đã hỗ trợ giải quyết một trường hợp khách du lịch bị tài xế taxi chặt chém khi sử dụng dịch vụ.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng khẳng định: Sở tiếp tục chú trọng công tác thanh tra đảm bảo môi trường du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục hoạt động hỗ trợ khách du lịch, duy trì đường dây nóng 0941.336.677 để tiếp nhận, xử lý và giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của khách du lịch.
Không chỉ Sở Du lịch Hà Nội, chính quyền các quận, huyện, cơ quan Công an và lực lượng thanh tra giao thông cần đồng loạt vào cuộc tích cực nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những hành vi phản cảm này.