Những giấy tờ nào cần cập nhật khi đổi sang căn cước công dân gắn chip?

Bạn đọc hỏi: Khi đổi chứng minh nhân dân (CMND) sang căn cước công dân (CCCD) gắn chip, tôi có phải thay đổi hay cập nhật thông tin liên quan đến các giấy tờ liên quan khác không?

Chú thích ảnh
Nơi tiếp nhận và hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ cấp CCCD tại Công an quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức.

Cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi thực hiện các giao dịch tại ngân hàng, người dân bắt buộc xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh như CMND/CCCD/hộ chiếu còn hạn...

Vì thế, khi đổi CMND sang CCCD, đặc biệt đổi CMND 9 số sang CCCD sẽ bị đổi số, các thông tin của người dân tại ngân hàng sẽ không khớp với giấy tờ tùy thân. Người dân phải xuất trình thêm giấy xác nhận số CMND cũ hoặc CMND cũ đã cắt góc để ngân hàng đối chiếu thông tin, xác nhận đúng chủ tài khoản nhằm thực hiện các giao dịch (đặc biệt là rút tiền).

Nếu hai giấy tờ trên bị mất, ngân hàng sẽ phải từ chối giao dịch do không xác nhận được nhân thân của chủ tài khoản.

Vì thế, để tránh gặp phiền phức khi mỗi lần đến ngân hàng làm việc đều phải mang giấy xác nhận CMND hoặc CMND đã cắt góc, người dân nên tiến hành cập nhật ngay thông tin về CCCD mới của mình.

Thủ tục cập nhật thông tin tại ngân hàng khá đơn giản, công dân mang theo giấy xác nhận số CMND 9 số hoặc CMND đã cắt góc, thẻ CCCD mới được cấp đến ngân hàng mà mình mở tài khoản, điền tờ khai là sẽ được giải quyết.

Một số lưu ý: Người đang sử dụng số CMND 12 số, CCCD mã vạch khi đổi qua CCCD gắn chíp thì không cần thực hiện thủ tục đổi/cập nhật nêu trên do không việc đổi sang CCCD gắn chíp không làm thay đổi sổ định danh của cá nhân (Trừ trường hợp trước đó có đổi từ CMND 9 số qua CMND12 số/CCCD mã vạch mà đến hiện tại vẫn chưa cập nhật thông tin).

Sửa đổi thông tin trên hộ chiếu

Khi người dân đổi CMND 9 số sang CCCD gắn chip, số thẻ CMND sẽ bị thay đổi, chuyển từ 9 số sang 12 số. Người dân được cấp giấy xác nhận CMND cũ khi làm thủ tục này.

Giấy xác nhận CMND này được sử dụng khi thực hiện các giao dịch trong nước. Tuy nhiên, đối với việc nhập cảnh, xuất cảnh, có thể bị cán bộ hải quan các nước làm khó nếu thấy thông tin trên CCCD và hộ chiếu không khớp nhau.

Vì thế, ngay sau khi được cấp CCCD và giấy xác nhận CMND cũ, người dân cần tiến hành đi sửa đổi các thông tin trên hộ chiếu.

Việc sửa thông tin trên hộ chiếu khi thay đổi số CMND được hướng dẫn cụ thể tại Điều 6, 7, 8 Thông tư 29/2016/TT-BCA.

Sửa thông tin sổ bảo hiểm xã hội

Theo Quyết định 1035/QĐ-BHXH về mẫu sổ bảo hiểm xã hội, trang 2 sổ bảo hiểm xã hội có ghi thông tin số CMND/hộ chiếu/ thẻ căn cước của người tham gia. Trường hợp người tham gia vừa có CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước thì ghi theo thứ tự ưu tiên CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước.

Mặt khác, theo Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH, việc đổi hoặc điều chỉnh nội dung trên sổ bảo hiểm xã hội thực hiện trong các trường hợp sau:

- Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do mất, hỏng

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ bảo hiểm xã hội...

Tuy nhiên, trước đó, Công văn 35/BHXH-CST do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ BHXH và CMND có nêu:

Nếu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung như số CMND, ngày cấp, nơi cấp Giấy CMND, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH.

Số CMND hay số Căn cước công dân là một trong những tiêu thức quản lý đối tượng của cơ quan BHXH. Chính vì vậy, người lao động cần làm thủ tục điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để cơ quan bảo hiểm xã hội cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.

Cập nhật thông tin sổ đỏ

Theo khoản 14 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định:

“Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp đồng thời với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất”.

Theo quy định trên thì thay đổi số CMND sang CCCD được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất chứ không bắt buộc.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp khi số CCCD đang sử dụng khác với số ghi trong Giấy chứng nhận vẫn bị làm khó khi chuyển nhượng, tặng cho. Mặc dù, trong trường hợp này, người sử dụng đất có quyền yêu cầu cơ quan thực hiện trả lời bằng văn bản về lý do từ chối thực hiện, nếu không sẽ khiếu nại hoặc khởi kiện nhưng việc cập nhật số CCCD mới trên sổ đỏ sẽ tránh làm mất thời gian khi khiếu nại, khởi kiện...

Thông báo với cơ quan thuế

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế (CMND, CCCD...) thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Tuy nhiên, cá nhân không kinh doanh đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân chậm thay đổi thông tin về CMND khi được cấp thẻ CCCD lại không thuộc trường hợp bị xử phạt theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Vì thế, người dân có thể thông báo hoặc không thông báo với cơ quan thuế khi đổi CMND sang CCCD gắn chip.

Do đó, từ thực tế nhu cầu giao dịch các giấy tờ trên, khi nhận CCCD gắn chip, bạn tiến hành cập nhật thông tin CCCD gắn chip để thuận tiện cho giao dịch.

XL/Báo Tin tức
Phát hành bộ tem ‘Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19’
Phát hành bộ tem ‘Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19’

Để tiếp tục lan toả, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, cộng đồng phòng, chống dịch, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem về chủ đề “Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN