100 năm Chiến tranh thế giới thứ nhất

Cách đây 100 năm, ngày 4/8/1914, Đức xâm lược Bỉ, đánh dấu sự khởi đầu của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Kéo dài trong 4 năm, từ tháng 8/1914 đến tháng 11/1918, đây là một trong những cuộc chiến tranh quyết liệt, quy mô to lớn nhất trong lịch sử nhân loại, với sức tàn phá khủng khiếp về vật chất và ảnh hưởng sâu sắc về tinh thần.

 

Nguyên nhân và hậu quả

 

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất là kết quả của sự phát triển kinh tế chính trị của chủ nghĩa tư bản thế giới vào những năm đầu thế kỷ XX. Từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển tới giai đoạn mới - giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Sự tranh giành thị trường và thuộc địa giữa các nước đế quốc tất yếu dẫn đến chiến tranh để chia lại đất đai trên thế giới.

 

Ngoài mục đích phân chia lại thị trường, các nước đế quốc gây chiến để đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân trong các nước đế quốc, và đàn áp phong cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc.


Những hình ảnh về cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.


Và chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã xảy ra giữa hai khối liên minh quân sự được hình thành sau thế kỷ XIX: một bên là liên minh ba cường quốc, gồm: đế quốc Anh - Pháp - Nga, hay được gọi là khối hiệp ước Entente ba bên, sau này còn thêm Mỹ và một số nước khác tham gia; bên kia là phe Liên minh ba nước, hay còn gọi là Liên minh trung tâm, gồm đế quốc Đức, đế chế Áo - Hung.

 

Lợi dụng sự việc Đại công tước Franz Ferdinand của Áo - Hung bị một phần tử dân tộc chủ nghĩa người Serbia ám sát tại Sarajevo ngày 28-6-1914, Hoàng đế Wilhelm II của Đức, con người có khát vọng chiến tranh, đã hứa chi viện cho Áo-Hung để cùng trừng phạt Serbia. Sau đó, ngày 28/7/1914, Áo-Hung đã tuyên chiến với Serbia. Đêm hôm đó, quân Áo nã pháo vào thủ đô Belgrade, làm hơn 5.000 người dân bị thiệt mạng.

 

Sa hoàng Nga Nikolai II lập tức phát động binh lính. Đức gửi tối hậu thư cho Nga - Pháp yêu cầu đình chỉ việc chi viện, nhưng đều bị Nga - Pháp cự tuyệt. Ngày 1/8/1914, Đức tuyên chiến với Nga, và ngày 3/8 đã tuyên chiến với Pháp. Ngày 4/8/1914, Đức vượt biên giới tấn công Bỉ, đánh dấu sự khởi đầu của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

 


Cùng ngày Đức xâm lược Bỉ, Anh tuyên chiến với Đức. Ngày 6/8, Áo - Hung tuyên chiến với Nga. Sau đó, các nước Italy, Romania, Nhật, Mỹ lần lượt tham chiến. Cuộc chiến lan ra ở ba châu lục lớn, với 33 nước tham chiến.

 

Quân Mỹ tham chiến tại nước Pháp năm 1918.


Đây là lần đầu tiên thế giới biết đến một kiểu chiến tranh tổng lực, chiến tranh toàn diện. Chiến tranh diễn ra không những ác liệt trên bộ, trên không, trên biển, mà các bên còn thực hiện bao vây bóp nghẹt kinh tế của nhau, thử thách tiềm lực kinh tế và sức mạnh tinh thần của đối phương. Sau hơn 4 năm chiến tranh, ngày 11/11/1918, Đức và các nước cùng phe đã phải đầu hàng vô điều kiện.

 

Cuộc chiến làm 13,6 triệu người chết và khoảng 20 triệu người bị tàn phế. Nhiều thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy bị phá hủy. Thiệt hại vật chất lên tới 3 tỷ USD. Số tiền các nước tham chiến chi phí cho chiến tranh vào khoảng 85 tỉ USD.

 

Ngoài sự thiệt hại về người và vật chất, cuộc chiến tranh này còn gây tổn thương về tâm lý cho nhiều thế hệ tại châu Âu. Cuộc chiến cũng làm cho châu Âu tụt hậu và vai trò lãnh đạo mà châu Âu đảm đương trong hơn 300 năm đã dần dần chuyển sang bên kia đại dương cho nước Mỹ.

 

Những bài học

 

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã kết thúc được 100 năm; cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mà theo một số nhà nghiên cứu đó chỉ là sự tiếp nối của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đã kết thúc 69 năm, song những bài học của hai cuộc chiến đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử:

 

Một là, thế giới đã đi vào giai đoạn phát triển kinh tế, văn hoá, chính trị có trình độ cao. Ở mức trình độ đó, thế giới không thể còn chỗ cho chủ nghĩa đế quốc và các loại chủ nghĩa nước lớn trắng trợn. Với các quan hệ quốc tế chặt chẽ và quyền lợi đan xen thì chủ nghĩa ích kỷ ở phạm vi quốc gia và quốc tế tất yếu dẫn đến xung đột đối kháng, và chiến tranh thì đều thiệt hại cho tất cả các bên. Chính vì vậy, ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các nước đã đồng lòng tổ chức ra Hội quốc liên (nay là Liên hợp quốc) để điều hoà các quan hệ quốc tế trên cơ sở các bên cùng chấp nhận được.

 

Lính Áo trên chiến trường.


Hai là, trong điều kiện các mối quan hệ chặt chẽ của thế giới, của công nghệ cao, của qui mô toàn cầu, với tốc độ tàn phá khủng khiếp của chiến tranh thì “không ai có thể có lợi trong cuộc chiến tranh nếu nổ ra, thậm chí là chiến tranh khu vực”.

 

Ba là, yếu tố dân tộc quốc gia có động lực rất lớn và các quyền lợi chính đáng của nó phải được tôn trọng. Tình hình quốc tế không thể yên ổn nếu dựa trên cơ sở không tôn trọng tình cảm, quyền lợi chính đáng của quốc gia, dân tộc. Một dân tộc bị dồn vào thế cùng đường sẽ phản ứng rất quyết liệt gây hậu họa cho hoà bình thế giới.

 

Hiện nay, tuy đã có nhiều cuộc chiến tranh khu vực nổ ra và đã có lúc thế giới bên bờ vực chiến tranh, nhưng về cơ bản hoà bình thế giới vẫn được giữ vững và chưa thấy có dấu hiệu của một đại chiến mới. Điều đó cho thấy ít nhiều thì nhân loại cũng đã rút được các bài học chính trị của hai cuộc đại chiến, đã biết hoá giải các mâu thuẫn bằng hoà bình.

 

Về cơ bản hoà bình thế giới vẫn được giữ vững, nhưng hiện nay ở một số khu vực, một số nước trên thế giới, máu của người dân vẫn đổ, những đồng tiền đóng thuế của họ vẫn bị quăng vào những việc làm hết sức phi lý - đó là chiến tranh. Hãy để “bóng ma của chiến tranh”trong một tương lai gần chỉ còn là “dĩ vãng” đối với nhân loại.

 

 

 

Thông tin Tư liệu/TTXVN

Nhìn lại cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất
Nhìn lại cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất

Vùng Vịnh luôn là điểm nóng của thế giới bởi nơi đây là một “túi dầu” khổng lồ. Nguồn lợi dầu mỏ này đã dẫn đến tranh chấp giữa hai nước láng giềng Iraq và Kuwait.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN