CANADA - 'CÁI TÊN LẠ' TRÊN BẢN ĐỒ WMD
Grosse Île nằm cách Quebec City chừng 50km về phía đông, là một trong 21 hòn đảo nằm giữa sông St. Lawrence. Mặc dù tên của nó có nghĩa là “Đảo Lớn” theo tiếng Pháp, Grosse Île chỉ rộng khoảng 2 km2, với một số tòa nhà nhỏ từ những ngày còn là trạm kiểm dịch dành cho những người nhập cư Ireland đến Canada. Được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1974, ngày nay hòn đảo mở cửa đón khách du lịch cũng như tiếp các đoàn tham quan bảo tàng có hướng dẫn viên và các hoạt động khác. Tuy nhiên, hòn đảo nhỏ tưởng chừng như bình dị này lại ẩn chứa một bí mật đen tối. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, một nhóm các nhà khoa học Canada đã sử dụng Grosse Île làm phòng thí nghiệm bí mật để nghiên cứu và sản xuất loại vũ khí mang một số căn bệnh nguy hiểm nhất mà nhân loại biết đến - vũ khí sinh học - mà nếu được sử dụng có thể đẩy loài người đến "ngày tận thế".
Theo trang Todayifountout, khi nói đến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) người ta khó có thể nghĩ đến Canada. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới thứ hai, Canada lại là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thúc đẩy phát triển chiến tranh hóa học và sinh học. Và nhà vô địch không ngờ tới của sáng kiến này lại là một người có liên quan đến việc cứu sống hàng triệu người hơn là kết liễu họ: Sir Frederick Banting.
Năm 1923, Banting được trao giải Nobel Sinh lý học và Y học nhờ công trình phát hiện ra insulin, được sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường. Thận trọng quan sát sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Quốc xã và xu hướng chiến tranh liên tiếp của Châu Âu, vào cuối những năm 1930, Banting trở nên lo ngại sâu sắc về khả năng Đức sử dụng chiến tranh hóa học và vi trùng trong cuộc xung đột sắp tới. Đức đã đi tiên phong trong chiến tranh hóa học trong Thế chiến thứ nhất, và đã lần đầu tiên triển khai khí clo chống lại quân đội Canada và Pháp trong Trận Ypres vào tháng 4/1915. Các nhà vi trùng học của Đức thuộc nhóm những người giỏi nhất thế giới. Khoảng 1,3 triệu người thương vong - trong đó có 90.000 người chết - do khí độc gây ra trong Thế chiến I.
Các loại khí mới hơn, mạnh hơn được phát triển kể từ đó còn giết chết hàng triệu người khác, và thậm chí vũ khí sinh học còn có thể giết nhiều người hơn thế.
Banting bị ám ảnh bởi việc ngăn chặn cỗ máy chiến tranh của Đức Quốc xã đến mức vào năm 1939, ông đã viết trong nhật ký của mình: “Chúng ta cần phải giết 2 hoặc 4 triệu thanh niên Đức không thương tiếc - không cảm xúc. Nhiệm vụ của chúng ta là tiêu diệt chúng.”
Ngay sau khi Đức xâm lược Ba Lan vào tháng 9/1939, Banting đã gặp các quan chức cấp cao của Chính phủ Canada và thuyết phục họ ủng hộ một chương trình vũ khí hóa học và sinh học chuyên sâu hơn. Nghiên cứu hạn chế về tác nhân chiến tranh vi khuẩn đã được tiến hành ở các trường đại học Canada từ năm 1937, nhưng các chương trình này bị thiếu kinh phí nghiêm trọng. Chuyển sang khu vực tư nhân, Banting đã huy động được nửa triệu USD - một số tiền lớn chưa từng có vào thời điểm đó dành cho lĩnh vực này - từ Samuel Bronfman, người đứng đầu Nhà máy chưng cất Seagrams; và John David Eaton, chủ sở hữu các cửa hàng bách hóa Eaton’s. Khi việc bơm tiền mặt vào nghiên cứu vũ khí sinh học ở Canada được đẩy mạnh, một cơ quan đặc biệt có tên Ủy ban M-1000 đã được thành lập để chỉ đạo hoạt động này. Nhưng Banting lại không thể chứng kiến thành quả của sáng kiến của mình, ông chết trong một vụ tai nạn máy bay ở Newfoundland vào tháng 2/1941 khi đang bay đến gặp các chuyên gia vũ khí sinh học của Anh.
Vào tháng 12/1941, dự án trở nên cấp bách hơn khi Nhật Bản tham chiến cùng phe Trục. Tokyo thậm chí còn tiến bộ hơn trong việc sử dụng chiến tranh sinh học, khi thành lập Đơn vị 731 khét tiếng ở Mãn Châu để thử nghiệm vũ khí sinh học trên tù binh và thường dân Trung Quốc còn sống. Các đối tượng thử nghiệm thường bị mổ xẻ khi còn sống mà không gây mê. Phát xít Nhật cũng triển khai cả vũ khí bệnh than, dịch tả và bệnh dịch hạch tấn công các làng Trung Quốc, giết chết hơn 400.000 thường dân.
Ủy ban M-1000 của Canada đã xem xét hàng chục tác nhân chiến tranh vi khuẩn tiềm năng để phát triển, bao gồm bệnh dịch hạch, bệnh sốt phát ban, bệnh tularemia (bệnh sốt thỏ), bệnh psittacosis, ngộ độc, bệnh nhiễm khuẩn salmonella, bệnh tuyến và bệnh ngựa châu Phi. Nhưng ngay từ đầu, hai tác nhân nguy hiểm nhất đã gây chú ý, đó là: Rinderpest, một căn bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc, và bệnh than. Bệnh than đặc biệt thích hợp với chiến tranh sinh học vì nó tạo thành các bào tử cứng, đàn hồi và có thể chịu được nhiệt độ cực cao. Điều này cho phép các bào tử bệnh than được gói gọn trong những quả bom thả từ trên không và phát tán bằng chất nổ. Bệnh than có thể được điều trị bằng Penicillin, loại thuốc mà quân Đồng minh sẽ sớm có nguồn cung cấp lớn, không giống như bên phía Đức.
Nhưng những đặc tính khiến bệnh than dễ dàng được sử dụng làm vũ khí cũng khiến nó trở nên cực kỳ dai dẳng – một thực tế mà các nhà khoa học Anh sau đó đã nhận ra. Năm 1942, tình hình cuộc chiến trở nên xấu đi đối với quân Đồng minh. Quân đội Anh bị đẩy ra khỏi lục địa châu Âu, tàu ngầm Đức đánh chìm hàng loạt tàu ngoài khơi nước Mỹ, Tập đoàn quân số 8 bị đẩy ra khỏi Bắc Phi, và quân Đức ngày càng tiến sâu hơn vào lãnh thổ Liên Xô.
Loại vũ khí duy nhất mà quân Đồng minh có để chống lại phe Trục là máy bay ném bom của Không quân Hoàng gia Anh (RAF), và để tối đa hóa sức mạnh hủy diệt của mình, người Anh bắt đầu lên kế hoạch cho một chiến dịch chiến tranh sinh học quy mô lớn chống lại Đức Quốc xã. Có mã danh là Chiến dịch Ăn chay, kế hoạch này vạch ra ý tưởng các máy bay ném bom của RAF sẽ thả hàng triệu bánh thức ăn nhiễm bệnh than xuống khắp nước Đức. Những thứ này sẽ bị gia súc và các vật nuôi khác ăn, làm ô nhiễm thịt của chúng và gây ra bệnh tật và nạn đói lan rộng. Kết quả là đời sống dân sự bị gián đoạn và được cho là sẽ khiến Đức Quốc xã sụp đổ trong vòng vài tháng.
Để thử nghiệm loại vũ khí này, các nhà khoa học tại trung tâm chiến tranh sinh học ở Porton Down đã mua lại hòn đảo Gruinard xa xôi ở phía Bắc Scotland. Một đàn cừu đã được vận chuyển ra đảo, nhưng một sự cố xảy ra đã khiến bom bệnh than và thiết bị trộn bánh bệnh than đã phát nổ. Hậu quả thật ớn lạnh: trong vòng ba ngày, toàn bộ đàn cừu đều chết. Xác chúng được chôn bằng cách chất đống dưới một vách đá và cho nổ đá đè lên trên, nhưng một xác chết duy nhất đã trôi dạt vào đất liền. Sự cố này đã gây ra một đợt bùng phát bệnh than giết chết hơn 100 gia súc và vật nuôi. Rất may, các nhà khoa học ở Porton Down đã có thể ngăn chặn đợt bùng phát trước khi nó lây lan sang con người. Do bí mật thời chiến, phải mất hàng thập kỷ sau người dân địa phương mới phát hiện ra thứ đã giết chết vật nuôi của họ.
Đảo Gruniard được phát hiện đã bị nhiễm độc nặng nề, và sau khi nỗ lực khử trùng đất bằng lửa và formaldehyde, các nhà khoa học đã đình chỉ tất cả các thí nghiệm tiếp theo và phong tỏa hòn đảo vô thời hạn.
Xem Kỳ 2: Đơn hàng nửa triệu quả bom bệnh than