Nhưng trong khi các nhà khoa học hoàn thiện những sáng tạo chết người của họ thì các nhà lãnh đạo Đồng minh lại lưỡng lự về cách thức hoặc liệu có nên sử dụng vũ khí sinh học hay không. Bất chấp thất bại ở đảo Gruinard, việc lập kế hoạch cho “Chiến dịch Ăn chay” vẫn tiếp tục, mặc dù nó chỉ được thực hiện để trả đũa một cuộc tấn công bệnh than của Đức vào Anh.
Sau đó, trước Chiến dịch Overlord – cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào châu Âu năm 1944, một kế hoạch mới đã được đề xuất nhằm thả bệnh than và dịch bệnh rinderpest xuống các thành phố Aix-la Chapelle, Wilhelmshaven, Stuttgart, Frankfurt, Hamburg và Berlin của Đức. Nhưng kế hoạch này cũng bị gác lại vì sợ bị trả thù và chỉ được coi như một biện pháp trả đũa.
Cùng lúc đó, tình báo của lực lượng Đồng minh bắt đầu biết về hai loại vũ khí bí mật tiên tiến đang được người Đức phát triển: bom bay V-1 và tên lửa đạn đạo V2. Cả hai đều có tầm bắn tới London từ các địa điểm phóng ở Pháp và Hà Lan đang bị Đức chiếm đóng, nhưng chỉ có độ chính xác 8 km và trọng tải 1 tấn. Điều này sẽ khiến đầu đạn nổ hoặc đầu đạn hóa học trở nên vô dụng, chỉ để lại một loại đầu đạn có thể phát huy hiệu quả là vũ khí sinh học.
Để đáp lại, các nhà khoa học Đồng minh bắt đầu sản xuất một lượng lớn độc tố botulinum – hay còn gọi là botox – một chất độc mạnh đến mức một gam có thể giết chết một triệu người. Giống như bệnh than, sự lựa chọn này dựa trên thực tế là quân Đồng minh có thuốc giải độc botox còn người Đức thì không.
Nhưng cuối cùng tất cả những kế hoạch đó đều không diễn ra khi các cuộc tấn công sử dụng vũ khí thông thường cuối cùng đã buộc Đức Quốc xã phải đầu hàng vào ngày 8/5/1945. Và khi quân Đồng minh tiếp quản nước Đức, kiểm tra sự chuẩn bị cho trận chiến của Đức Quốc xã, họ đã bị sốc trước những gì tìm thấy. Hóa ra trên thực tế, Đức không có chương trình vũ khí sinh học nào được đề cập.
Và mặc dù các nhà khoa học Đức đã phát triển các loại khí độc thần kinh Sarin và Tabun, các nhà lãnh đạo quân sự đã quyết định không sử dụng chúng vì sợ bị quân Đồng minh trả thù. Ngay cả những “vũ khí V” được ca ngợi cũng chỉ mang theo đầu đạn nổ mạnh chứ không phải đầu đạn sinh học như nhiều người lo ngại.
Thì ra, ngay cả Đức Quốc xã cũng nhận thấy viễn cảnh chiến tranh hóa học và sinh học quá khủng khiếp để có thể triển khai.
Nhưng ngay cả khi quân Đồng minh chọn sử dụng vũ khí sinh học, Canada cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ trong nỗ lực chung. Trong số 500.000 quả bom mà Anh đặt hàng, chỉ có 5.000 quả được sản xuất bởi các cơ sở Grosse Île và Suffield cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Tuy nhiên, chỉ riêng lượng bom này đã dùng tới 439 lít bào tử hoặc 70 tỷ liều – đủ để giết chết 30 lần dân số thế giới vào thời điểm đó.
Nhưng đến năm 1944, việc sản xuất bệnh than tại căn cứ Fort Detrick của Mỹ đã phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng lấn át các cơ sở của Canada, khiến Mỹ phải cắt đứt quan hệ đối tác với Canada. Nghiên cứu tại Grosse Île tiếp tục cho đến năm 1956, khi trạm cuối cùng bị đóng cửa và ngừng hoạt động. Năm 1957 nơi đây trở thành một trung tâm nghiên cứu thú y.
Tuy nhiên, câu chuyện không hoàn toàn kết thúc ở đó. Vào ngày 24/3/1970, George Ignatieff, Đại sứ tại Hội nghị Liên hợp quốc của Ủy ban Giải trừ quân bị Canada, có bài phát biểu trong đó ông tuyên bố: “Canada chưa bao giờ và hiện không sở hữu bất kỳ vũ khí sinh học hoặc chất độc nào”.
Đó là một lời nói dối trắng trợn, vì các tài liệu của chính phủ được giải mật cuối cùng đã tiết lộ tất cả chỉ hai năm sau đó.
Mặc dù câu chuyện chính thức của chính phủ Canada là việc nghiên cứu vũ khí hóa học và sinh học đã kết thúc sau Thế chiến thứ hai, thì trên thực tế, nó vẫn tiếp tục âm thầm trong nhiều thập kỷ sau đó. Vào năm 1951 và 1952, các cuộc thử nghiệm rộng rãi với khí độc thần kinh Sarin đã được tiến hành tại Suffield, trong khi từ năm 1962 đến 1973, Canada tham gia Dự án 112, một chương trình của Bộ Quốc phòng Mỹ trong đó các tác nhân sinh học mô phỏng được rải khắp các thành phố của Mỹ và Canada.
Trong khi đó, cơ sở Suffield đã tích lũy một kho vũ khí hóa học và sinh học khổng lồ bao gồm 637 tấn khí mù tạt, 30 tấn khí độc thần kinh Sarin và VX, 200 tấn phosgene, 2.800 pound độc tố botulinum và 200 pound ricin – phần lớn trong số đó không bị loại bỏ cho đến tận năm 1989.
Năm 1974 một di sản nguy hiểm khác của dự án chiến tranh sinh học của Canada đã được đưa ra ánh sáng. Vào năm đó, Chính phủ Canada, không biết về vai trò bí mật thời chiến của hòn đảo, đã chỉ định Grosse Île là Di tích Lịch sử Quốc gia và bắt đầu phát triển nó cho mục đích du lịch. Năm 1988, sau khi hàng nghìn du khách đến thăm hòn đảo, câu chuyện về việc sử dụng đảo Grosse Île làm nhà máy sản xuất bệnh than cuối cùng cũng vỡ lở. Và mặc dù các nhà khoa học làm việc tại trạm vào năm 1956 tuyên bố đã khử nhiễm hoàn toàn hòn đảo bằng formaldehyde, không có hồ sơ nào được tìm thấy xác nhận điều này. Tệ hơn nữa, một số nguồn tin chỉ ra rằng các khay nuôi bệnh than chỉ bị ném xuống biển St. Lawrence hoặc thậm chí quăng vào các bụi rậm, có nghĩa là toàn bộ hòn đảo có thể bị nhiễm các bào tử chết người.
Hành động nhanh chóng, Chính phủ Canada đã đóng cửa Grosse Île và chuyển quyền quản lý nơi này cho Bộ Môi trường Canada, cơ quan đã khử nhiễm kỹ lưỡng địa điểm này trước khi giao lại cho Cơ quan Công viên Canada.
Nhiều chi tiết về Grosse Île và chương trình vũ khí sinh học của Canada có thể không bao giờ được biết đến, vì hầu hết hồ sơ lưu trữ đều vô tình bị thất lạc vào đầu những năm 1990. Nhưng những gì được biết vẫn là một chương đen tối và đáng lo ngại trong lịch sử Canada, một chương đi ngược lại hình ảnh thân thiện phổ biến của quốc gia này.
Nhưng vẫn có một lý do để hy vọng, vì bất chấp sự tàn bạo đặc trưng cho cuộc xung đột chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại, hầu hết các quốc gia tham chiến đều đủ khôn ngoan để biết rằng chiến tranh sinh học là một nỗi kinh hoàng quá khủng khiếp, ngay cả đối với một lực lượng như Đức quốc xã.