Với lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, các chiến sĩ đặc công rừng Sác không hề nao núng trước “mưa bom, bão đạn” của kẻ địch, để từ đó những chiến công vang dội được lưu danh sử sách. Một trong những chiến công đó là đánh chìm chiến hạm “khủng long” trọng tải 10.000 tấn của Mỹ trên sông Lòng Tàu, ngày 23/8/1966. Cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 15 km theo đường chim bay, Rừng Sác là một căn cứ kháng chiến oai hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Ảnh tư liệu về đặc công Rừng Sác. Nguồn: tuoitre.vn |
Rừng Sác được ví là nơi “rừng sâu nước độc” bởi bạt ngàn là rừng, xen lẫn và bao quanh là hàng chục con sông lớn, nhỏ, trong đó con sông Lòng Tàu có một vị trí chiến lược. Đây là tuyến đường để các tàu lớn nhỏ của địch từ Biển Đông vận chuyện hàng hóa, vũ khí đạn dược về nội thành và là vành đai bảo vệ cửa ngõ Đông Nam Sài Gòn.
Nhận thấy tầm quan trọng của địa thế rừng Sác, sau khi thị sát, Tướng West Molen - đã xác định đây là vị trí huyết mạch rồi cho nâng cấp hệ thống phòng thủ, biệt khu lên thành Đặc khu quân sự rừng Sác và yêu cầu các đơn vị địch phải bằng mọi giá bảo vệ vị trí này.
Còn với ta lại càng quan trọng hơn bội lần vì muốn thắng giặc phải cắt được nguồn tiếp tế.
Ngày 15/4/1966, Đặc khu Quân sự Rừng Sác (Đoàn 10) ra đời với sứ mệnh đánh chìm tàu địch ngăn nguồn viện trợ vào nội thành Sài Gòn, đánh phá các kho tàng bến bãi quan trọng.
Đoàn đặc công Rừng Sác là những thành viên ưu tú được đào tạo bài bản về cách sử dụng, “hóa giải” bom mìn. Đặc biệt, những người lính đặc công Rừng Sác ngoài tài thao lược về võ thuật đánh trận, thì họ được mệnh danh là “bậc thầy” về các loại chất nổ, bộc phá. Tất cả ở họ toát ra sự mưu trí, kiên cường.
Năm 1967, địch bắt đầu rải chất độc hóa học để diệt trụi rừng Sác với mục đích không còn chỗ cho Việt cộng ẩn nấp. Nhưng bom đạn của chúng không thể diệt nổi tấm lòng sắt đá của người dân đất Việt.
Vất vả khó khăn không ngăn được các chiến sĩ đặc công rừng Sác kiên cường bám trụ với khẩu hiệu: “Rừng Sác là nhà, sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm, bến cảng kho tàng là trận địa, có lệnh là đi, hoàn cảnh nào cũng đánh và đã đánh là thắng”.
Nhận nhiệm vụ tiêu diệt tàu Baton Rouge Victory trọng tải 10.000 tấn, vốn được mệnh danh là “kho nổi di động” chở vũ khí, lương thực của Mỹ tăng viện cho chiến trường miền Nam, trong suốt 3 tháng ròng, các chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã nghiên cứu, vạch kế hoạch đánh tàu bằng thủy lôi K.B đầy sáng tạo, trong hoàn cảnh quân ta thiếu nhiều phương tiện chuyên dụng. Hai trái thủy lôi chứa hơn 2.000 kg thuốc nổ đã được đưa vào vị trí tiếp giáp giữa sông Ngã Bảy và sông Lòng Tàu để đánh địch.
Các đại biểu dự buổi họp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống của Đoàn 10 bộ đội đặc công Rừng Sác- Đơn vị Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân (15/4/1966-15/4/2011) xem tư liệu báo chí dưới thời "chế độ ngụy" tường thuật một trong những trận đánh oai hùng của bộ đội đặc công Rừng Sác. Ảnh: Thế Anh- TTXVN |
Sáng ngày 23/8/1966, con tàu Victory lừng lững hiện ra trên sông Lòng Tàu, tiến vào sông Ngã Bảy. Đúng như dự đoán, khi tàu Victory lọt vào trận địa, 2 trái thủy lôi phát hỏa, gầm rung như sấm dậy. Lúc đó là 8 giờ 8 phút, chiếc tàu lớn nhất của địch chồm lên rồi quay ngang chìm nghỉm, kéo theo hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài cùng khối lượng lớn lương thực xuống đáy sông.
Địch điên cuồng bắn phá, đoàn 10 đặc công Rừng Sác đánh thêm một trận ngoan cường, làm tê liệt tuyến vận tải của địch trên sông Lòng Tàu. Trận đánh đã tạo nên cục diện mới cho ta trên chiến trường miền Nam.
Nếu chiến công đánh tàu Victory thể hiện sự sáng tạo trong cách đánh, thì trận đánh kho xăng dầu Nhà Bè ngày 3/12/1973 lại thể hiện tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Rừng Sác.
Kho xăng dầu Nhà Bè được bảo vệ đặc biệt với lực lượng liên phòng hỗn hợp trên cạn, trên không, dưới nước. Việc đột nhập vào kho xăng rộng lớn có sự bố phòng cẩn mật và khi đã điểm hỏa tấn công thì việc rút ra cũng vô cùng mạo hiểm. Vì thế, 8 chiến sĩ đặc công đoàn 10 Rừng Sác khi xuất quân đã làm lễ tuyên thệ cảm tử.
Bằng kỹ thuật điêu luyện, 8 chiến sĩ cảm tử bơi qua sông tiếp cận mục tiêu. Các anh lọt qua các lớp hàng rào và qua mặt lính canh, đặt thuốc nổ ở những bồn xăng lớn. 0 giờ 35 phút, kho xăng dầu Nhà Bè bốc nổ, lửa cháy rực trời, tiêu hủy hàng trăm triệu lít xăng. Trận đánh kho xăng dầu Nhà Bè đã gây chấn động trong nước và dư luận thế giới. Khu căn cứ Rừng Sác với sự “ngự trị” của bộ đội đặc công Việt Nam đã trở thành “tử địa” với kẻ thù.
Trong 9 năm, từ năm 1966 đến 1975, các chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã đánh hơn 1000 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tàu chiến và phương tiện chiến tranh.
Các cựu quân nhân Đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Ảnh: Thế Anh- TTXVN |
Vô số các chiến công đã được bộ đội đặc công rừng Sác thực hiện. Nhưng bên cạnh những chiến công ấy, biết bao xương máu đã đổ xuống cho ngày độc lập, 860 trong tổng số hơn 1000 chiến sỹ đặc công Rừng Sác đã ngã xuống vì ngày toàn thắng cuối cùng. Như Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước- người được mệnh danh là “pho sử sống” của đặc công rừng Sác đã từng viết trong bài thơ “Thương nhớ”:
“…Xương trắng nở hoa tận đáy sông
Mênh mông Rừng Sác nhuốm màu hồng
Năm trăm hài cốt chưa tìm thấy
Rừng đước bạt ngàn ngập chiến công”.
Những chiến công oanh liệt năm xưa đã dựng lên một tượng đài đặc công Rừng Sác bất tử, là thông điệp cho hôm nay và mai sau về sức sống, sức chiến đấu của con người và dân tộc Việt Nam.
Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN