Cách đây đúng 103 năm, ngày 5/6/1911, tại cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại.
Sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc.
Bằng sự hiểu biết của bản thân, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, đưa dân tộc được độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn nhiều lần.
Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN. |
Và ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt phi thường ấy.
Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu dân.
Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ không làm người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa.
Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc. Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười mở ra, Người đã khám phá ra chân lý “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Báo Le Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập trong những năm Người hoạt động ở Pháp.Ảnh: TTXVN |
Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở về Pháp, sống ở Paris, tham gia những hoạt động của Đảng xã hội Pháp, tham gia trong hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp và đặc biệt, khi tiếp cận được với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa thì đích Người cần tìm đã đạt được. Luận cương của Lênin đã chỉ ra những điều mà Người đang tìm, tức là chỉ có chủ nghĩa xã hội, chỉ có cách mạng vô sản mới là con đường giải phóng chúng ta.
Sau 30 năm, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác Lênin, thể hiện tính qui luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Đó chính là Đường cách mệnh cho dân tộc ta mà Người đã chọn. Thực tế lịch sử đã chứng minh, sự lựa chọn đó là sự lựa chọn lịch sử, sự lựa chọn duy nhất đúng, không thể có sự lựa chọn thứ hai.
Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian, đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, kết hợp với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của thời đại, với sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước và sự phấn đấu nỗ lực của toàn xã hội, chúng ta sẽ vững bước trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Tuy đã đi xa, nhưng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người luôn là di sản vô cùng quí báu và có ý nghĩa lớn đối với hoạt động thực tiễn của chúng ta ngày hôm nay.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN