Trong giới học thuật Việt Nam, Cao Xuân Hạo là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu với nhiều đầu sách và bài báo khoa học công phu về các vấn đề của tiếng Việt.Đối với nhiều thế hệ người đọc Việt Nam, ông là dịch giả được biết đến dưới nhiều tựa sách văn học kinh điển của thế giới như: Chiến tranh và hòa bình, Đèn không hắt bóng, Tội ác và trừng phạt...
Giáo sư Cao Xuân Hạo sinh ngày 30-7-1930, cách đây 85 năm.
Một tài năng bẩm sinhNhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo. Ảnh: wikipedia
|
Giáo sư Cao Xuân Hạo sinh tại Huế, nguyên quán tại làng Thịnh Mỹ, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là con cả của cụ Cao Xuân Huy, nhà Hán học và nghiên cứu triết học nổi tiếng. Cụ Huy là con trai cụ Phó bảng Cao Xuân Tiếu; chánh chủ khảo các kỳ thi Hương cuối thế kỷ 19 và cụ Tiếu là con trai cụ Cao Xuân Dục, Thượng thư bộ Học, nhà nghiên cứu triết học.
Sinh ra trong một gia đình văn hóa nổi tiếng, tài năng của Cao Xuân Hạo gần như là một tài năng bẩm sinh. Nhưng sự rèn luyện, lao động công phu, kiên trì là điều không thể thiếu để ông trở thành một Giáo sư, dịch giả, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Cao Xuân Hạo.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập Vệ quốc quân. Hòa bình lập lại, ông theo học khoa văn và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông chuyên tâm nghiên cứu tiếng Việt, chuyên sâu ngữ âm học. Ông giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga đến trình độ “tinh diệu nhập thần”; tiếng Hán ông học ít hơn, nhưng cũng đủ cho nghiên cứu so sánh với tiếng Việt.
Nhà ngôn ngữ học xuất chúngLĩnh vực chuyên sâu của Giáo sư Cao Xuân Hạo là tiếng Việt, chủ yếu là ngữ âm học, ngữ pháp học… Ông là người đầu tiên và có lẽ là duy nhất chỉ ra rằng hệ thống ngữ âm tiếng Việt không thể mặc vừa chiếc áo mà lý thuyết ngữ âm học Châu Âu đã thửa cho. Phát hiện ấy của ông quả là một cú sốc đối với giới chuyên môn Âu-Mỹ, đến nỗi nhà ngữ học tên tuổi người Pháp Jean-Pierre Chambon đã phải thốt lên những lời nồng nhiệt: "Có lẽ chính cái hướng được Cao Xuân Hạo chỉ ra - chứ không phải hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến - mới đúng là cái hướng mà ta phải đi theo để tìm đến một cuộc cách mạng Copernic thực sự cho ngữ học thời nay".
Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một lần đi điền dã. Ảnh: sggp.org.vn |
Điều lý thú là ông làm được điều đó không phải chỉ đơn thuần vì đã thấu hiểu cặn kẽ mọi thành tựu lớn lao của ngữ học hiện đại (nhờ khổ công học tập), mà còn chính vì đã bám rất chắc vào mảnh đất tiếng Việt, hoàn toàn nhập thân vào tâm thức của người bản ngữ, quan sát cái thực tế nói năng sinh động của người Việt (sau khi dịch hàng vạn trang không chỉ riêng các tác giả kinh điển như Puskin, Tolstoy,... mà cả những cây bút đương đại như Remarque, Aitmatov, Wantanabe) và lấy đó làm nơi kiểm nghiệm lý luận của ngữ học hiện thời.
Khác với rất nhiều nhà Việt ngữ học cứ cố gò bằng được tiếng Việt cho vừa cái khuôn lý luận hiện có, ông đã can đảm sửa đổi các chuẩn tắc vốn được giới ngữ học thừa nhận. Rất nhiều công trình lớn nhỏ của ông đều được viết theo tinh thần chống lại quan điểm "lấy Châu Âu làm trung tâm" (europeo- centrism) ấy.
Và chính cái tinh thần phê phán đối với ngữ học hiện đại phương Tây ấy đã khiến ông đặc biệt trân trọng và đánh giá công bằng các thành tựu của ông cha ta: Trong khi nhiều người làm ngôn ngữ ở ta chê Trương Vĩnh Ký là cổ lỗ thì ông đã coi nhà học giả đó là một trong những người đi tiên phong trong việc xây dựng nền ngữ pháp cách, một trong những thành phần chủ chốt của ngữ pháp chức năng hiện đại và là một trong những người đầu tiên trên thế giới đã xác định được tư cách danh từ của các từ ngữ bị gán cho cái tên là "loại từ" (như cái, con, chiếc, bài, tấm, bức, trang, v.v).
Ông có những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học nổi tiếng như: “Âm vị học và tuyến tính”, “Tiếng Việt-sơ thảo ngữ pháp chức năng”, “Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm”, “Ngữ pháp ngữ nghĩa”, “Sổ tay lỗi hành văn”…
Dịch giả tài hoaCao Xuân Hạo là một dịch giả văn chương nổi tiếng. Tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm văn học như: “Người con gái viên đại úy”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Chuyện núi đồi và thảo nguyên”, “Trên những nẻo đường chiến tranh”, “Truyện ngắn Goócki”, “Con đường đau khổ”, “Tội ác và trừng phạt”, “Đèn không hắt bóng”, “Papillon người tù khổ sai”, “Khải hoàn môn”...
Ông đã dịch mọi bản dịch với phần tiếng Việt trau chuốt, thoát ý. Nắm vững nhiều ngoại ngữ và đặc biệt mẫn cảm với tiếng mẹ đẻ một cách tuyệt vời, Cao Xuân Hạo đã việt hóa các bản dịch tới mức độc giả cảm nhận chẳng khác gì đọc tác phẩm của người Việt. Nhà thơ Thanh Thảo từng nhận xét: “Lối dịch văn học của Cao Xuân Hạo vừa sáng vừa chuẩn nhưng vừa mờ ảo. Đó là điều không hề dễ dàng với bất cứ dịch giả nào, không hề “phản” cũng không hề hạ thấp chất văn trong nguyên tác mà lại rất thăng hoa chất văn trong Việt ngữ. Có được thành công ấy, vì Cao Xuân Hạo trong sâu thẳm tâm hồn mình là một nghệ sĩ, một nghệ sĩ ngôn từ, nghệ sĩ của tiếng Việt”.
Một thống kê cho biết ông từng dịch 20.000 trang sách văn học của các nhà văn Nga, Đức, Pháp, Nhật và các nước khác.
Năm 1985, ông được giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam.
Cao Xuân Hạo là một nhà giáo được đồng nghiệp quý mến, được học trò kính trọng và ngưỡng mộ. Ông đã có nhiều thế hệ học trò tài năng.
Giáo sư Cao Xuân Hạo qua đời ngày 16-10-2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 77 tuổi. Kể từ đây, giới học thuật Việt Nam mất đi một nhân vật tầm vóc để tranh luận về ngôn ngữ học ngang hàng với giới nghiên cứu ngôn ngữ học quốc tế.