Tháng 9/1967, chuyến tàu khách Moskva-Bắc Kinh và Bắc Kinh-Biên giới miền Bắc Việt Nam, sau 2 tuần lưu lại thủ đô Trung Quốc, đã đưa 14 sĩ quan tên lửa trong đó có tôi đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi, Thiếu tá, từng là Phó chỉ huy bộ phận về kỹ thuật tên lửa của Trung đoàn tên lửa phòng không cận vệ 236 Phòng không Quân khu Moskva, được giao làm trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật của các trung đoàn tên lửa phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhiệm vụ của tôi là giám sát và hỗ trợ các đơn vị sử dụng tên lửa, thiết bị tiếp nhiên liệu, lắp ráp chúng, kiểm tra cơ chế nâng, thành phần nhiên liệu, xe vận chuyển. Chúng tôi thuộc thành phần trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trực thuộc chỉ huy lực lượng tên lửa phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Vào thời điểm đó Liên Xô cung cấp cho Việt Nam các hệ thống tên lửa phòng không (SAM) S-75 Dvina, đã chứng tỏ là vũ khí tuyệt vời trong cuộc chiến chống máy bay Mỹ.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao S-75 Dvina được Liên Xô cung cấp cho Việt Nam. |
Các cuộc không kích ném bom bắn phá miền Bắc của Mỹ thường có sự tham gia của cùng lúc hàng trăm máy bay ném bom và tiêm kích. Mục tiêu của chúng là phá hủy nền tảng kinh tế miền Bắc, buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải khuất phục.
Ví dụ, tháng 10/1967, Không quân Mỹ đã tiến hành 4.830 lượt xuất kích, ném bom 158 mục tiêu, tháng 11 - 3.100 lượt xuất kích, ném bom 90 mục tiêu. Máy bay trinh sát Mỹ hoạt động hàng ngày. Ban ngày là loại máy bay SR-71, còn ban đêm là máy bay hải quân A-6. Bị ném bom đặc biệt dữ dội là Hà Nội và các khu vực ngoại ô, cảng Hải Phòng và các cầu cảng, đường sắt và các tuyến đường bộ chiến lược Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội với biên giới phía Nam Trung Quốc - các tuyến đường cung cấp hàng hóa quân sự và kinh tế cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mùa thu năm 1967, những cuộc oanh tạc diễn ra thường xuyên vào các vùng ngoại ô thủ đô - khu vực Kim Liên và Đại học Bách Khoa, do Liên Xô giúp xây dựng, Bộ chỉ huy Lực lượng Không quân và Phòng không Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khách sạn, nơi các chuyên gia chúng tôi trú ngụ. Do mối đe dọa lớn tới mạng sống của các chuyên gia Liên Xô, theo quyết định của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi được sơ tán tới thị trấn nằm trong rừng cách Hà Nội 20-25 km (khu B).
Nhiệm vụ phá hủy các mục tiêu đặt ra với phi công Mỹ phần lớn đã được thực hiện, song kèm theo là những tổn thất nặng nề. Với mục đích giảm hiệu quả sử dụng SAM của Việt Nam, Mỹ đã áp dụng nhiều phương án tác chiến khác nhau: Như gây nhiễu chủ động và thụ động, sử dụng tên lửa không đối đất dẫn đường Shrike tấn công các trạm dẫn đường tên lửa (SNR), ném bom vị trí các đơn vị kỹ thuật.
Tuy nhiên, với sự cố vấn của chuyên gia quân sự Liên Xô, chiến sĩ tên lửa Việt Nam đã bắt đầu sử dụng hiệu quả vũ khí của mình, và tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho không quân Mỹ. Ví dụ, chỉ trong tháng 10/1967, sau 212 trận đánh họ đã phá hủy 88 và làm hư hỏng 39 máy bay đối phương. Tỷ lệ trúng mục tiêu của tên lửa là 3,86. Chỉ huy Việt Nam ngày nào cũng công bố số lượng máy bay địch bị bắn rơi. Với mục đích này, tại các thành phố, trên các tấm bảng đặc biệt sau mỗi trận đánh đều ghi tất cả các dữ liệu được cập nhật.
Tuy nhiên Mỹ tiếp tục cải thiện cách thức đối phó với SAM. Một trong số đó là phát triển và ứng dụng nhiễu chủ động theo kênh sóng vô tuyến phát hiện mục tiêu của tên lửa. Trên thực tế, "trái tim" của tên lửa là trạm FR-15 gồm 2 kênh: Vô tuyến điều khiển và vô tuyến phát hiện mục tiêu. Kênh vô tuyến phát hiện mục tiêu liên tục "thông báo" tín hiệu phản hồi tín hiệu phát của SNR, phối hợp với tên lửa, và thông qua đó đưa ra lệnh điều khiển tên lửa.
Ngay từ giai đoạn tháng 9-10, trong một tình huống chiến đấu, trên màn hình SNR của chúng tôi đã phát hiện những trường hợp cá biệt xuất hiện nhiễu chủ động yếu theo kênh vô tuyến phát hiện mục tiêu từ phía kẻ thù. Tuy nhiên sau đó, hiện tượng này đã không được quan tâm đúng mức, vì các chuyên gia - đại diện cho các viện thiết kế lớn - cho rằng có thể sử dụng các nhiễu như vậy trên lý thuyết, song khả năng sử dụng thực tế là rất nhỏ. Và quả thực, đến tháng 12, những loại nhiễu như vậy không còn xuất hiện.
Tuy nhiên, sự việc đã thay đổi hoàn toàn vào ngày 15/12/1967. Hôm đó, một nhóm đông máy bay Mỹ nối đuôi nhau thực hiện cuộc đột kích vào Hà Nội và các khu vực ngoại ô. Ngay sau khi chúng lọt vào tầm bắn của các sư đoàn, như thường lệ, chúng tôi bắn tên lửa. Tổng cộng 29 tên lửa được phóng đi, 11 trong số đó đã rơi. Trạm điều khiển không xác định được các máy bay bởi Mỹ lần đầu tiên sử dụng ồ ạt chiến thuật mới - gây nhiễu theo kênh phát hiện mục tiêu của tên lửa. Kênh vô tuyến này đã bị chặn hoàn toàn và kết quả là SNR bị "mù" - chúng không nhìn thấy tên lửa của mình. Trong khi đó kênh thứ 2 - điều khiển tên lửa không thể điều khiển đường bay tên lửa và xác định tọa độ của chúng nên các tên lửa không thể điều khiển.
Kẻ địch hoàn thành vụ ném bom, không bị thiệt hại và quay trở về căn cứ an toàn. Trường hợp này tác động rất tiêu cực đến tinh thần chiến đấu của bộ đội tên lửa Việt Nam và người dân địa phương.
Tác giả - Đại tá Anatoly Petrovich Moiseev, Công dân danh dự thành phố Hà Nội. Sinh ngày 12/6/1926 tại tỉnh Oriol. Tham gia Hồng Quân tháng 4/1943. Từ tháng 9/1967 đến tháng 8/19 ông tham gia chiến đấu ở Việt Nam với cương vị trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô phụ trách các đơn vị cố vấn kỹ thuật phòng không cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông được tặng thưởng Huân chương "Chiến tranh Vệ quốc" hạng II., huân chương Sao Đỏ và 15 huy chương khác trong đó có huy chương "Thành tích chiến đấu", và huân chương "Hữu nghị" của Việt Nam. Ông mất ngày 25/5/2006 tại Moskva. |
XEM PHẦN CUỐI TẠI ĐÂY