Chiến dịch táo bạo của Mossad bắt cóc chủ mưu thảm họa Holocaust - Kỳ cuối

Hơn 100 người đã ra làm chứng trong phiên tòa kéo dài 14 tuần, kết thúc bằng việc công bố bản án tử hình vào ngày 11/12/1961. Eichmann kháng cáo bất thành, hắn bị treo cổ vào ngày 31/5/1962.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên tòa xét xử Adolf Eichmann. Nghi phạm được đưa vào trong một khoang kín bằng kính chống đạn. Ảnh: Getty Images

LÊN GIÁ TREO CỔ

Eichmann bị giam giữ 9 tháng trước khi bị đưa ra xét xử vì tội ác chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người vào ngày 11/4/1961.

Cảnh sát Israel đã thành lập một đơn vị đặc biệt mang tên “Cục 06” nhằm mục đích thu thập các tài liệu liên quan; lựa chọn nhân chứng và chuẩn bị lời khai; vạch ra đường lối truy tố; và thảo luận các vấn đề pháp lý khác nhau. 1.600 tài liệu đã được lựa chọn, hầu hết đều có chữ ký của Eichmann. Tương tự như vậy, một danh sách 108 nhân chứng sống sót cũng như các nhân chứng chuyên môn là các nhà sử học và học giả khác cũng được chuẩn bị sẵn sàng.

Phiên tòa được tổ chức tại trung tâm cộng đồng Beit Ha'am ở Jerusalem. Ba thẩm phán được chọn làm chủ tọa là: Binyamin Halevi, Chánh án Tòa án quận Jerusalem; Yitzhak Raveh, Chánh án Tòa án quận Tel Aviv; và Thẩm phán Tòa án Tối cao Moshe Landau. Bộ trưởng Tư pháp Gideon Hausner là công tố viên, Gavriel Bach và Ykov Bar-Or là trợ lý của ông. Eichmann được bảo vệ bởi luật sư bào chữa - Tiến sĩ Robert Servatius và trợ lý Dieter Wachtenbruch.

Tờ Jerusalem Post đưa tin vào ngày 11/4/1961: Lúc 8h57 sáng, cánh cửa ẩn trong bức tường phía sau khoang kính chống đạn lặng lẽ mở ra và Eichmann được dẫn vào… Một gợn sóng chạy khắp phòng xử án khi tất cả người dự nhận ra rằng Eichmann đã xuất hiện. Mọi người đều quay ra nhìn hắn.

Phiên tòa, với việc kể lại những tội ác khủng khiếp mà Đức Quốc xã gây ra đối với người Do Thái, đã gây ra phản ứng hỗn loạn trong công chúng Israel và toàn thể người Do Thái. Những ký ức bị kìm nén lại ùa về trong phòng xử án. Mọi người la hét, khóc lóc muốn tấn công và giết chết Eichmann, kẻ đang xuất hiện trước tòa bên trong khoang kính chống đạn. Toàn bộ chi tiết về việc Eichmann chỉ đạo “Giải pháp Cuối cùng” (nhằm tàn sát hàng triệu người Do Thái) đã được phơi bày. Hắn cầu xin sự thông cảm và thương xót từ người Do Thái, giải thích rằng hắn đã hành động “theo mệnh lệnh”, rằng hắn chỉ là một “chiếc răng cưa”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh ngày nay của khu vực từng là trại tập trung khét tiếng Auschwitz ở Ba Lan. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, bên công tố đã chứng minh rằng Eichmann đóng vai trò quan trọng trong cuộc đàn áp người Do Thái và chịu trách nhiệm cá nhân về việc trục xuất hàng trăm nghìn người Do Thái đến trại tử thần Auschwitz và các trại khác. Đặc biệt hắn đã ra lệnh đó trái với mong muốn của cấp trên ngay cả vào thời điểm rõ ràng Đức đã thua trong cuộc chiến.

Hơn 100 người đã ra làm chứng trong phiên tòa kéo dài 14 tuần, kết thúc bằng việc công bố bản án vào ngày 11/12. Eichmann bị kết án về 15 tội ác chống lại người Do Thái, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và là thành viên của một tổ chức tội phạm.

Bộ trưởng Tư pháp Gideon Hausner đề nghị án tử hình đối với Eichmann vào ngày 13/12/1961. Ông nói Eichmann không đáng được thương xót “vì trong hắn không có mảy may lương tâm. Hắn muốn tất cả nạn nhân của mình phải chết.”

Còn Eichmann nói trước tòa: “Tôi thật bất hạnh khi dính líu đến những điều kinh hoàng này. Nhưng chúng được thực hiện không theo ý muốn của tôi. Tôi chưa bao giờ muốn giết bất cứ ai. Chỉ có lãnh đạo nhà nước mới có tội trong những vụ giết người hàng loạt này.”

Chú thích ảnh
Với những tội ác khủng khiếp, Eichmann không xứng đáng được tha thứ. Ảnh: Wikimedia

Các luật sư của Eichmann kháng cáo lên Tòa án Tối cao, nhưng tòa đã tái khẳng định bản án tử hình vào ngày 29/5/1962. Eichmann lên giá treo cổ vào ngày 31/5/1962. Hắn xin khoan hồng, nhưng lời thỉnh cầu đã bị Tổng thống Yitzhak Ben Zvi bác bỏ.

Hãng tin UPI đưa tin vào ngày Eichmann bị hành quyết: “Khi bước những bước cuối cùng đến giá treo cổ tại nhà tù Ramle bên ngoài Tel Aviv, hắn nói với Robert Hull, một nhà truyền giáo Tin lành người Canada: 'Tôi đang bình tĩnh chấp nhận điều đó’”. Và ngay trước khi chết, hắn nói: “Tôi đã cố gắng tuân theo luật chiến tranh và lá cờ của mình”.

Sau khi bị xử tử, xác Eichmann được hỏa táng và một chiếc tàu cảnh sát đã rải tro cốt hắn trên Địa Trung Hải.

Chú thích ảnh
Adolf Eichmann trong thời gian bị giam giữ chờ xét xử. Ảnh: historychannel

Tờ Jerusalem Post cho rằng, phiên tòa xét xử Eichmann đã đánh dấu cột mốc đầu tiên của một quá trình kéo dài, một bước ngoặt trong việc hình thành nhận thức về Holocaust trong dư luận Israel và thế giới. Tiếng vang của phiên tòa cuối cùng đã thu hút sự chú ý và nhận thức của những người sống sót sau thảm họa Holocaust, những người đã do dự trước phiên tòa để kể những câu chuyện cá nhân của họ. Phiên tòa cũng đã mang lại sự thay đổi đáng kể trong thái độ của thanh niên Israel đối với Holocaust. Đối với họ và những người Do Thái trẻ khác, Holocaust là một vấn đề xa vời. Phiên tòa là một bước quan trọng trong việc truyền tải lời cảnh báo về Holocaust đến các sinh viên Israel và Do Thái. Phiên tòa xét xử Eichmann cũng đóng vai trò là chất xúc tác thúc đẩy các phiên tòa quan trọng khác đối với các phần tử Đức Quốc xã. 

Chú thích ảnh
Phòng trưng bày các hiện vật trong vụ bắt cóc Adolf Eichmann tại một bảo tàng ở Israel. Ảnh: CNN

21 ngày sau vụ hành quyết Eichmann, tình trạng bất ổn ở Argentina bùng lên vì vụ việc. Vào tháng 6/1962, những kẻ cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc thậm chí còn bắt cóc một cô gái Do Thái 19 tuổi, tra tấn cô và gây sẹo hình chữ thập ngoặc trên cơ thể nạn nhân.

Chính phủ Argentina cũng chịu áp lực bởi phe dân tộc chủ nghĩa đòi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, và đại sứ Israel thực sự đã bị trục xuất trong một thời gian ngắn. Bốn tháng sau, căng thẳng giữa hai nước giảm bớt và quan hệ trở lại bình thường.

Mossad không chính thức thừa nhận sự tham gia của mình trong vụ bắt cóc Eichmann cho đến tháng 2/2005. Người đã giúp Mossad xác định Eichmann, ông Gerhard Klammer, đã yêu cầu công tố viên Fritz Bauer cam kết không bao giờ tiết lộ rằng ông ta là nguồn cung cấp thông tin. Bauer giữ lời hứa và tên của Klammer vẫn được giữ bí mật cho đến khi gia đình ông cho phép tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung tiết lộ vào năm 2021, nghĩa là 32 năm sau khi Klammer qua đời và 50 năm sau phiên tòa xét xử Adolf Eichmann.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo jewishvirtuallibrary, historychannel)
Chiến dịch táo bạo của Mossad bắt cóc chủ mưu thảm họa Holocaust - Kỳ 3
Chiến dịch táo bạo của Mossad bắt cóc chủ mưu thảm họa Holocaust - Kỳ 3

Các đặc vụ Israel bay đến Argentina từ khắp nơi trên thế giới, bề ngoài là dự kỷ niệm 150 năm quốc khánh nước này. Họ thực hiện vụ bắt cóc Eichmann chỉ trong vài phút và bày mưu để đưa hắn rời Argentina mà chính quyền sở tại không hề hay biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN