VỤ BẮT CÓC BẤT THƯỜNG
“Un momentito, Señor” (“Chờ một chút, thưa ông”).
Đó là ba từ duy nhất bằng tiếng Tây Ban Nha mà sĩ quan tình báo Israel, Peter Malkin biết. Nhưng chúng đã giúp thay đổi tiến trình lịch sử.
Malkin đã thốt ra những lời đó với một công nhân nhà máy Mercedes-Benz hói đầu đang đi làm về vào ngày 11/5/1960. Và khi người đàn ông này miễn cưỡng chấp nhận, Malkin lập tức hành động. Với sự giúp đỡ của ba mật vụ khác, anh vật người đàn ông xuống đất rồi xốc lên một chiếc ô tô. Khi xe phóng đi, họ trói ông ta lại, ấn đầu xuống ở băng ghế sau.
Đây không phải là một vụ bắt cóc thông thường. Người đàn ông ngồi ở ghế sau là một trong những tội phạm chiến tranh khét tiếng nhất thế giới: Adolf Eichmann, một quan chức Đức Quốc xã đã giúp thiết kế kế hoạch thảm sát hàng loạt 6 triệu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Trong nhiều năm, hắn ta đã trốn tránh chính quyền và sống tương đối yên bình ở Argentina. Giờ đây, hắn đang bị Mossad, cơ quan mật vụ của Israel giam giữ - và những tội ác bí mật một thời của hắn sắp được công chúng biết đến.
Việc bắt giữ, thẩm vấn và xét xử Eichmann là một phần của một trong những sứ mạng bí mật tham vọng nhất trong lịch sử. Guy Walters, tác giả cuốn sách “Săn lùng cái ác: Những tên tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã đã trốn thoát và nhiệm vụ đưa chúng ra công lý”, cho biết: “Công tác hậu cần [cho việc bắt giữ] thật đáng kinh ngạc. Nó giống như một cốt truyện phim xảy ra ngoài đời thực. Và nó đã thức tỉnh thế giới về nạn diệt chủng Holocaust”.
Kiến trúc sư của “Giải pháp cuối cùng”
Khi Adolf Eichmann lần đầu tiên gia nhập đảng Quốc xã Áo vào năm 1932, ít ai có thể đoán được rằng hắn lại trở thành một kẻ giết người hàng loạt. Nhưng Eichmann vừa là một quan chức tận tuỵ, vừa là một kẻ bài Do Thái quyết liệt. Eichmann thăng tiến nhanh chóng qua các cấp bậc trong đảng. Năm 1934, Adolf Eichmann được bổ nhiệm vào bộ phận Do Thái của cơ quan an ninh thuộc Lực lượng SS – Đức Quốc xã. Từ đó trở đi, hắn tham gia sâu vào việc xây dựng và thực hiện “Giải pháp Cuối cùng cho vấn đề Do Thái”. Hắn nảy ra ý tưởng trục xuất người Do Thái, đưa vào các khu ổ chuột và tiến hành tập trung người Do Thái vào những khu vực biệt lập để tàn sát. Hắn rất tự hào về vai trò của mình trong cái chết của 6 triệu người Do Thái chủ yếu ở châu Âu.
Tuy nhiên, trong khi nhiều “kiến trúc sư” của Holocaust đã bị bắt, bị xét xử tại Nuremberg và bị xử tử sau chiến tranh, Eichmann vẫn thoát khỏi sự trừng phạt của công lý. Sau khi bị người Mỹ bắt giữ khi Thế chiến 2 kết thúc, hắn đã trốn thoát, thay đổi danh tính nhiều lần trên đường lẩn trốn khắp châu Âu thời hậu chiến. Tại Italy, Eichmann được các linh mục và giám mục Công giáo có cảm tình với Đức Quốc xã giúp đỡ, và hắn tìm cách đến được Buenos Aires, Argentina vào năm 1950.
Tại đây, Eichmann tạo cho mình một danh tính mới: Ricardo Klement, một người lao động nghèo khó. Gia đình hắn cũng đến Argentina ngay sau đó, sống những ngày tháng tương đối yên tĩnh khi Eichmann cố gắng tự trang trải cuộc sống bằng nhiều công việc khác nhau. Giữa năm 1952, Eichmann đưa vợ và hai con đến đến tỉnh Tucuman, xin làm việc cho một công ty kỹ thuật tên là Carpi. Vào tháng 4/1953, Capri tuyên bố phá sản và Eichmann chuyển gia đình đến Buenos Aires. Hắn được Mercedes Benz thuê vào tháng 3/1959, và tiếp tục sử dụng tên giả Ricardo Klement.
Nhưng Eichmann không phải là tên phát xít duy nhất ở quốc gia Nam Mỹ này và hắn cũng không giấu giếm hoàn toàn quá khứ của mình. Eichmann có quan hệ xã hội với những tên Đức Quốc xã trốn thoát khác, và thậm chí còn trò chuyện với một nhà báo ủng hộ Đức Quốc xã, phàn nàn rằng hắn đã phạm sai lầm khi không giết tất cả người Do Thái ở châu Âu.
Tin đồn về các hoạt động của Eichmann ở Argentina đã lan đến Mỹ, châu Âu và Israel. Mặc dù các mạng lưới tình báo của Tây Đức và Mỹ đều nhận được thông tin về Eichmann, nhưng họ đã không để tâm đến các manh mối. Tác giả Guy Walters nói: “Săn lùng Đức Quốc xã không phải là công việc của người Mỹ”.
Nhưng chắc chắn có một quốc gia non trẻ rất quan tâm đến việc bắt giữ Eichmann: Israel.
Năm 1957, Fritz Bauer, một công tố viên người Đức gốc Do Thái sống ở tỉnh Hesse, Đức, đang săn lùng Eichmann, đã được Lothar Herman, một người Do Thái tị nạn mù trốn sang Argentina, cung cấp thông tin quý. Herman nói rằng, cô con gái Sylvia của ông đã có cuộc hẹn hò với Nicholas, con trai của Eichmann. Anh này đã khoe về danh tính của cha mình và nói với Sylvia rằng sẽ tốt hơn nếu Đức Quốc xã “hoàn thành công việc”.
Nắm được thông tin Eichmann đang ẩn náu ở Argentina, Fritz Bauer lo sợ yêu cầu dẫn độ từ Đức sẽ làm “đứt đây động rừng”, vì thế thay vì báo cho nhà chức trách Đức, ông đã báo cho người Israel. Bauer nói với Tổng Giám đốc Bộ Ngoại giao Israel, Walter Eytan rằng Eichmann vẫn còn sống và đang ở Argentina. Eytan ngay lập tức báo cho Isser Harel, chỉ huy Mossad thời đó. Cơ quan tình báo danh tiếng của Israel lập tức lên kế hoạch cho một trong những vụ bắt giữ táo bạo nhất trong lịch sử.
Mossad đã tập hợp một nhóm đặc vụ - hầu hết trong số họ đã chứng kiến toàn bộ gia đình mình bị xóa sổ trong thảm họa Holocaust - để thực hiện kế hoạch bắt cóc Eichmann. Mục tiêu của họ không chỉ là bắt mà còn đưa Eichmann trở lại Israel, nơi hắn sẽ bị xét xử công khai và đền tội cho những tội ác tàn bạo của mình.
Xem tiếp Kỳ 2: Lần theo vỏ bọc