Ba lần “Hội nghị Diên Hồng”
Để hiểu về những ngày cách mạng năm xưa, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Nhứt (Hai Nhứt, năm nay đã 80 tuổi), căn nhà mà trước đây Xứ ủy Nam Kỳ ba lần tổ chức hội nghị để quyết định khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám tại Nam Bộ. Ông Hai Nhứt cũng chính là con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thọ, Bí thư Chi bộ, lãnh đạo Thanh niên Tiền phong của xã Tân Kiên năm xưa. Căn nhà vẫn lưu giữ những tấm phản bằng gỗ mà trước đây các đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ, cũng như các cán bộ, chiến sĩ cách mạng, từng ngồi họp. Theo ông Hai Nhứt, tài liệu về những cuộc họp đó đã được đưa về các bảo tàng thành phố lưu giữ.
Đường giao thông nông thôn tại Xã Tân Nhựt, xã nông thôn mới của huyện Bình Chánh. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Cuốn sách “Truyền thống đấu tranh cách mạng xã Tân Kiên anh hùng đã nêu rõ ý nghĩa lịch sử của những năm tháng hào hùng chuẩn bị cho khởi nghĩa lúc đó. Vào tháng 8/1945, thời cơ cách mạng trong cả nước đã đến. Cùng với Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (Tuyên Quang), từ ngày 2/8 đến 23/8, tại địa danh Chợ Đệm (ngày nay là 3 xã Tân Kiên, Tân Nhựt, An Phú Tây và Thị trấn Tân Túc - huyện Bình Chánh), Xứ ủy Tiền Phong Trần Văn Giàu đã chủ trì rất nhiều cuộc họp để truyền đạt thông tin tình hình diễn biến thế giới và trong nước đến cán bộ chiến sĩ. Từ đó, đề ra phương án, hành động cụ thể lãnh đạo nhân dân Nam Bộ chuẩn bị khởi nghĩa. Bên cạnh đó, sau khi nhận được thông tin Tổng khởi nghĩa từ Tân Trào, Xứ ủy Nam Kỳ đã ba lần tổ chức hội nghị vào rạng sáng 17/8, rạng sáng 20/8 và rạng sáng 23/8, để chọn thời điểm khởi nghĩa.
Theo ông Huỳnh Quốc Hiếu, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Bình Chánh, do khu vực hội nghị diễn ra tại xã Tân Kiên, cạnh con sông Chợ Đệm, thuộc làng Tân Túc, nên sử sách sau này đều ghi là Hội nghị Chợ Đệm. Từ 17 - 23/8, Xứ ủy Nam Kỳ đã 3 lần triệu tập hội nghị tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Thọ (Bảy Thọ) cạnh sông Chợ Đệm (nay thuộc ấp 4, xã Tân Kiên) để lựa chọn thời điểm khởi nghĩa. Do thời cơ chưa đến nên hai hội nghị đầu tiên, chưa ban lệnh khởi nghĩa ở Nam Bộ. Sáng sớm ngày 23/8, nhận thấy tình hình gấp rút, Hội nghị Xứ ủy lần 3 đã nhanh chóng ra quyết định khởi nghĩa, bắt đầu ở Sài Gòn và Lục tỉnh Nam Kỳ (tức là 6 tỉnh bao gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên) vào ngày 24/8. Từ đây, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi ở nhiều nơi tại Nam Bộ, góp phần to lớn cho sự thành công của Cách mạng tháng Tám trong cả nước.
Theo sử sách địa phương, vùng Chợ Đệm, trong kháng chiến được gọi là vùng “Tam Tân” (Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Tạo), vốn nổi tiếng vì người dân nơi đây giàu lòng yêu nước. Đây là khu vực có đặc điểm kinh tế, quân sự và vị trí tiền phương trong hai cuộc kháng chiến, nên luôn được lãnh đạo các cấp lựa chọn làm nơi đứng chân trong cả giai đoạn kháng Pháp và chống Mỹ sau này. Vùng “Tam Tân” cùng với các địa danh khác như Bà Điểm, Hóc Môn, Củ Chi… được xem là “vành đai đỏ” của Sài Gòn khi xưa. Trong đó, Tân Kiên luôn là một “điểm son” về truyền thống cách mạng.
Phát triển khu đô thị hiện đại
Đời sống của người dân Chợ Đệm - Bình Chánh đang đổi thay từng ngày. Nếu trước cách mạng, 90% dân số mù chữ, thì nay 100% dân số biết chữ, các xã, thị trấn đều có trường mầm non, tiểu học và THCS. Trên địa bàn huyện cũng đã có 5 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp và 16 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn. Các vấn đề về dịch bệnh, y tế, nước sạch dần được cải thiện.
Trong 5 năm gần đây, mặc dù nền kinh tế cả nước và thành phố còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế huyện tiếp tục phát triển ổn định, hợp lý, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trêm 19%/năm. Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nếu trước đây cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, thì hiện nay công nghiệp đã chiếm tỷ trọng lớn, lên đến 80%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện luôn theo đúng định hướng. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng, giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế chính, với mức tăng bình quân 20,3%/năm. Bình Chánh được xem là một trong những điểm phát triển công nghiệp trọng yếu ở TP Hồ Chí Minh, với 3 khu công nghiệp quan trọng, gồm khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc và An Hạ.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, các tuyến đường liên xã, liên ấp được mở rộng, trải nhựa hoặc bê tông. Từ năm 2010, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, chính quyền và người dân nơi đây đã tích cực hưởng ứng. Nhiều hộ gia đình không ngần ngại hiến đất có giá trị lên tới hàng tỷ đồng để mở rộng làn đường, xây dựng trường học. Bộ mặt đời sống nông thôn ở nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, đến tháng 5/2015, tỷ lệ hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/hộ/năm còn 2,05%, thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 40,5 triệu đồng/người/năm.
Trong phát triển kinh tế, nhiều mô hình, hộ nông dân sản xuất giỏi xuất hiện và được nhân rộng, nâng cao đáng kể thu nhập cho người dân. Điển hình như trường hợp của anh Trương Trung Cường, ở ấp 1, xã Tân Nhựt được mệnh danh là vua cá cảnh nhiều năm nay ở TP Hồ Chí Minh, với lợi nhuận hàng trăm triệu mỗi năm. Hay như vườn kiểng của ông Kiều Công Hầu ở xã Tân Kiên nổi tiếng với nhiều loại hoa, cây kiểng độc đáo như mai vàng, sứ Thái, sứ Đại, lan Mokara… Hiện nay, vườn cây kiểng của ông Hầu có gần 2.000 gốc, trong đó có hơn 1.000 cây lan, đã có thể cắt bán, thu nhập được gần 10 triệu đồng/tuần. Riêng cuối năm, tiền bán mai và cây kiểng có thể thu về hơn 1 tỷ đồng.