Lâu nay người ta vẫn tin rằng, Vladimir Lenin, nhà cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, vẫn luôn an nghỉ trong lăng trên Quảng trường Đỏ kể từ sau khi ông qua đời vào năm 1924. Điều đó không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, thi hài lãnh tụ Liên Xô đã được đưa ra khỏi lăng trong gần 4 năm, khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt khắp vùng lãnh thổ Nga thuộc châu Âu.
Những tuần đầu tiên của cuộc chiến tranh Vệ quốc nhằm chống lại phát xít Đức thực sự là một tai họa với Liên Xô. Quân Đức tấn công mặt trận phía tây Liên Xô, chiếm đóng hầu hết vùng Baltic cũng như tây Ukraine và Belarus. Mặc dù thủ đô Moskva chưa bị đe dọa ngay lập tức, nhưng các lãnh đạo Liên Xô đã bắt đầu nghĩ tới việc sơ tán những tài sản giá trị ở thủ đô, mà một trong số đó chắc chắn là thi hài của lãnh tụ Lenin.
Một ủy ban đặc biệt được thành lập nhằm đánh giá thiệt hại tiềm tàng mà những cuộc không kích của quân Đức có thể gây ra đối với Lăng Lenin. Ủy ban này đi đến kết luận rằng, ngay cả những quả bom nhỏ cũng có thể nghiền nát những thứ quý giá bên trong lăng thành tro bụi.
Vì thế quyết định di dời thi hài Lenin được đưa ra vào ngày 3/7/1941 bởi Ủy ban An ninh quốc gia (NKGB - sau này được đổi tên thành KGB). Ủy ban này báo cáo rằng thi hài Lenin đã nhanh chóng được một đoàn tàu đặc biệt đưa tới thành phố nhỏ Tyumen ở Siberia. Chính Stalin đã chọn thành phố này bởi nơi đây không phải là một trung tâm chiến lược, do đó sẽ không trở thành một mục tiêu quan trọng của giặc ngoại xâm.
Cuộc sơ tán diễn ra rất đúng thời điểm: chỉ trong vòng vài tuần, vào ngày 22/7/1941, những quả bom Đức đầu tiên đã bắt đầu rơi như mưa xuống thủ đô Moskva.
Toa tàu đặt thi hài Lenin được trang bị các thiết bị giảm xóc đặc biệt, kèm theo các thiết bị để đảm bảo môi trường vi khí hậu cần thiết. Tất cả đều được giám sát bởi một đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm.
Các sĩ quan NKGB làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cả trên tàu và tại các chặng dừng trên suốt hành trình. Đường ray tàu cũng được kiểm tra cẩn thận trước khi tàu chạy qua.
Hành trình tới Tyumen, thành phố nằm cách thủ đô 1.500 km về phía đông, được kéo dài hơn khi đi vòng lên phía bắc qua Yaroslavl, một vùng lãnh thổ không có người định cư, nhằm tránh những ảnh hưởng không mong muốn với sứ mạng bí mật này.
Sau khi đến Tyumen an toàn vào ngày 7/7, đoàn tàu được các lãnh đạo địa phương đón tiếp. Chỉ tới khi đó họ mới biết đích thật món hàng bí mật mà họ được lệnh tiếp đón. Thi hài Lenin được chuyển đi cùng với quả tim của ông, một phần bộ não, cùng với viên đạn bắn trúng người lãnh tụ Xô-viết trong một âm mưu ám sát bất thành trước đó.
Quan tài chứa thi hài Lenin được đặt trong một tòa nhà trống, nơi từng là một trường học. Các chuyên gia bảo quản sống trong những căn phòng gần đó. Toàn bộ khu vực vòng ngoài được lực lượng an ninh NKGB chi nhánh Tyumen canh gác, còn vòng trong do nhân viên an ninh Điện Kremlin trực tiếp đảm bảo.
Tại “nơi ở” mới của Lenin, nghi thức đổi phiên gác danh dự vẫn được tiến hành. Còn tại Moskva, nghi thức này cũng vẫn diễn ra như thường lệ, để không ai nghi ngờ rằng bên trong lăng giờ đã trống không.
Thi hài Lenin ở lại Tyumen trong suốt 3 năm 9 tháng, cho đến đầu năm 1945, khi lãnh đạo Liên Xô quyết định đưa thi hài lãnh tụ trở về thủ đô.
Lần này không có gì vội vã, sứ mạng quay trở về mất một tháng để lên kế hoạch. Ngày 26/3, thi hài lãnh tụ Bolshevik trở về với lồng kính bên trong Lăng trên Quảng trường Đỏ, nơi bảo quản thi hài ông cho tới tận ngày nay.
Có một bí mật ít người biết đến là Lenin đã thoát chết trong nhiều âm mưu ám sát nhưng ngay cả khi đã qua đời, lãnh tụ Liên Xô vẫn tiếp tục bị tấn công.
Lần đầu tiên Lenin bị ám sát bất thành là vào tháng 1/1918 khi một người theo chủ nghĩa bảo hoàng định bắn ông. Không lâu sau đó, một âm mưu khác lại bị lật tẩy, và vào tháng 8 cùng năm, Lenin thoát chết sau khi trúng đạn từ tên khủng bố Fanny Kaplan.
Lãnh tụ Liên Xô chỉ quyết định tăng cường an ninh cho cá nhân sau sự cố vào năm 1919, khi xe chở ông bị chặn ở ngoại ô Moskva. Một nhóm 6 người có vũ trang xông ra định cướp xe để tẩu thoát sau khi chúng cướp ngân hàng. Khi Lenin cùng chị gái, người lái xe và vệ sĩ bước ra khỏi xe, ông nói: “Chuyện gì vậy, tôi là Lenin đây!”. Nhóm tội phạm không thừa nhận ông, đã cướp xe, tiền bạc và giấy tờ. Sau vụ việc, Lenin yêu cầu được bảo vệ 24/24 cho bản thân, nhưng kể từ đó lại không xảy ra bất âm mưu ám sát nào nhằm vào nhà lãnh đạo Xô viết nữa.
Lenin qua đời vào ngày 12/1/1924 và không lâu sau đó thi hài ông được bảo quản trong Lăng trên Quảng trường Đỏ. Tuy vậy, cái chết không ngăn cản những người thù địch âm mưu hãm hại ông. 10 năm sau vào ngày 19/3/1934, một người đàn ông bước vào Lăng Lenin, tìm cách nã đạn vào thi hài ông nhưng bắn trượt rồi quay súng tự sát.
Ngày 20/3/1959, lại xảy ra sự việc một người tìm cách đập vỡ lồng kính bảo quản thi hài Lenin bằng một chiếc búa nhưng đã bị ngăn chặn kịp thời.
Một âm mưu tấn công khác diễn ra thành công vào tháng 7/1960 khi thủ phạm là Minibaev đã trèo lên khoang kính và dùng chân đạp vỡ kính. Các mảnh kính vỡ thậm chí đã rơi vào hai tay và mặt của thi hài lãnh tụ Xô-viết. Minibaev sau đó khai nhận hắn đã âm mưu phá hoại thi hài Lenin từ năm 1949.