Huấn luyện chiến đấu trên không là một yếu tố cần thiết trong quá trình đào tạo phi công quân sự. Chính vì mục đích này mà lực lượng không quân của nhiều quốc gia đã thành lập các phi đội chuyên biệt, có nhiệm vụ giả định làm kẻ thù trong các cuộc tập trận.
Thông thường, vai trò máy bay chiến đấu đối phương được “đóng vai” bởi các máy bay sản xuất trong nước có những đặc tính kỹ thuật tương tự. Tuy nhiên, đã có những ngoại lệ đối với quy tắc này. Chẳng hạn, trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ đã bí mật xây dựng một phi đội toàn máy bay MiG “xịn” của Liên Xô.
Vào năm 1977, được giao thực hiện chương trình có tên "Constant Peg", Đại tá Gail Peck và Tướng Hoyt S. Vandenberg Jr. đã thành lập Phi đội Thử nghiệm và Đánh giá số 4477, còn được gọi là “Red Eagles” (Đại bàng Đỏ). Từ những thất bại trong cuộc Chiến tranh Việt Nam của Không quân Mỹ, hai viên chỉ huy tin rằng các phi công phải được "huấn luyện thực tế", tức là thực hành không chiến với máy bay thật của đối thủ tiềm tàng.
Chiến dịch thu mua
Vấn đề duy nhất là việc bắt giữ máy bay địch không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Máy bay chiến đấu của Liên Xô được Mỹ thu mua từ khắp nơi trên thế giới. Chúng được mua hoặc trao đổi từ Nam Tư, Israel, Ai Cập và các nước khác. Trong những năm 1980, một số máy bay Thành Đô J-7, được cho là bản sao chiếc MiG-21 của Trung Quốc, cũng được mua từ Bắc Kinh.
Indonesia và Somalia cũng đóng góp nhiều cho phi đội “Đại bàng đỏ”. Trong những năm 1970, hai quốc gia này chuyển từ phe xã hội chủ nghĩa sang phe Mỹ và có thể đã cung cấp vài chục máy bay mà họ nhận từ Liên Xô trước đó.
Cuối cùng, các máy bay chủ lực của "Đại bàng Đỏ" bao gồm MiG-17 (được đặt biệt danh ‘Fresco’), MiG-21 (‘Fishbed’) và MiG-23 (‘Flogger’). Một thông tin được tiết lộ vào năm 1985 cho thấy phi đội lúc này có 26 chiếc.
Người Mỹ gặp khó khăn không chỉ với việc tìm kiếm và mua máy bay Liên Xô mà còn cả việc bảo trì chúng. Họ không thể cần là đi mua động cơ và phụ tùng thay thế. Việc bảo dưỡng các máy bay MiG do các chuyên gia của General Electric thực hiện, trong khi các nhân viên CIA (tình báo Mỹ) ở Ba Lan và Romania có nhiệm vụ săn lùng những phụ tùng thay thế đặc biệt hiếm.
"Bẻ khoá" từ những sai lầm
Mỗi chiếc máy bay chiến đấu trong Phi đội 4477 đều được nâng niu như một báu vật thực sự. Chúng không bao giờ bay vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Do không có đủ tài liệu kỹ thuật về những chiếc máy bay Liên Xô thu thập được, các phi công Mỹ phải học cách vận hành chúng từ chính sai lầm của họ. Trong một số vụ việc, những sai lầm đó đã khiến phi công phải trả giá bằng cả tính mạng.
Rắc rối nhất đối với “Đại bàng đỏ” là những chiếc MiG-23. Các phi công yêu thích dòng máy bay này vì tốc độ của nó, nhưng họ cũng phàn nàn về sự không ổn định trong chuyến bay và khó khăn khi điều khiển. Chỉ những phi công có kinh nghiệm nhất, từng trải qua vài chục chuyến bay trên MiG-21 mới được phép lái chúng. Ngày 25/4/1984, Trung tướng Robert Bond, Phó tư lệnh AFSC (Bộ Tư lệnh Hệ thống Không quân Mỹ), đã gặp nạn khi điều khiển một chiếc MiG-23.
Trong khi sự tồn tại của các phi đội “kẻ gây hấn” cổ điển được trang bị máy bay Mỹ không có gì bí mật, thì tất cả thông tin về "Đại bàng Đỏ" đều được giấu kín.
Các chuyên gia Mỹ đã tính toán thời gian và khoảng thời gian vệ tinh Liên Xô đi qua Căn cứ Không quân Nellis và Bãi thử Tonopah ở Nevada, nơi đặt bản doanh của Phi đội 4477. Vào những thời điểm đó, những chiếc MiG được đưa vào nhà chứa máy bay hoặc được giấu dưới những tấm che để ngụy trang hình dạng.
Một phần không phận phía trên bãi muối Hồ Groom (với Khu vực 51 nổi tiếng), nơi diễn ra các cuộc huấn luyện chiến đấu với sự tham gia của máy bay Liên Xô, luôn bị đóng cửa để tránh những con mắt tò mò.
Kinh nghiệm vô giá
Phi đội “Đại bàng đỏ” đã tham gia thử nghiệm hầu hết các máy bay chiến đấu của Mỹ trong những năm 1970, 1980. Hoạt động huấn luyện chiến đấu trên không với máy bay MiG của phi đội này là vì lợi ích của các phi công thuộc Không quân, Hàng không Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.
Các trận không chiến diễn ra theo một số mô hình đã định: một chọi một, hai chọi hai hoặc hai máy bay Mỹ chống lại một Liên Xô. Ngoài ra, các máy bay MiG còn diễn tập tấn công giả định máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay vận tải C-130 Hercules.
Nhiệm vụ của "Đại bàng Đỏ" không phải là giành chiến thắng trong trận chiến bằng bất cứ giá nào, mặc dù điều đó cũng xảy ra khá thường xuyên. Mục tiêu chính của phi đội là chứng minh cho các phi công đồng nghiệp của họ thấy điểm mạnh và điểm yếu của máy bay Liên Xô, chỉ ra cách thức và thời điểm tốt nhất để tấn công một chiếc MiG.
Để mang tính hiện thực cao hơn, các máy bay của Phi đội 4477 được sơn các ngôi sao màu đỏ, nhưng không có viền màu trắng như biểu tượng của Không quân Liên Xô, mà là màu vàng.
Nhiều phi công huấn luyện của Mỹ, khi đối đầu với kẻ thù tiềm tàng trong huấn luyện không chiến đã bị sốc và sững sờ. "Lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc MiG-17, tôi đã ngừng lái!” - Thiếu tá Francis Geisler nhớ lại. “Thay vì sử dụng bay thẳng và tốc độ, tôi cố gắng xoay lại với chiếc MiG. Nó giống như kẹo cao su bám trên giày của tôi vậy, tôi không thể ngắt đuôi được. Tôi cảm thấy mình như một tên ngốc”.
Khai tử "Đại bàng Đỏ"
Đến cuối những năm 1980, hoạt động của phi đội "Đại bàng Đỏ" bắt đầu đi xuống. Nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí, cũng như việc Liên Xô đã tung ra các máy bay chiến đấu mới thế hệ thứ tư.
Các phi công đội 4477 thực hiện chuyến bay cuối cùng với MiG vào ngày 4/3/1988. “Đại bàng Đỏ” chính thức bị giải tán vào năm 1990. Những chiếc máy bay Liên Xô sau đó được cất giữ trong nhà chứa, trở thành hiện vật bảo tàng, hoặc bị đem làm mục tiêu trong các cuộc diễn tập của Không quân Mỹ.