Ngày 15/4/1975: Trận chiến ở Phan Rang tiếp tục diễn ra ác liệt; Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh thu nhiều thắng lợiNgày 15/4/1975, cuộc chiến đấu ở Phan Rang tiếp tục diễn ra ác liệt.
Binh lính Sư đoàn 2 ngụy quân Sài Gòn ra hàng Quân giải phóng. Ảnh tư liệu TTXVN |
Phía địch đã lên kế hoạch phản công quy mô lớn hòng chiếm lại các vị trí đã mất ở Phan Rang và cải thiện lại thế trận phòng ngự. Về phía ta, ngay trong đêm ngày 15/3/1975, toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 325 đã triển khai lên đường số 1, chuẩn bị tiếp tục đột phá vào tuyến phòng ngự Phan Rang theo hướng đường số 1.
Tại chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh, sáng ngày 15/4/1975, ta sử dụng pháo binh bắn vào sân bay Biên Hoà. Cùng lúc, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95A tập trung tiêu diệt Chiến đoàn 52 ngụy ở Dầu Giây, thu 12 khẩu pháo và toàn bộ xe tăng của Chi đoàn 3 thiết giáp của địch. Quốc lộ 1A từ Xuân Lộc đến Bàu Cá bị cắt đứt. Quốc lộ 20 từ ngã ba Dầu Giây lên Túc Trưng ta đã làm chủ hoàn toàn.
Trong khi đó, tại Đồng Xoài-vị trí tập kết của Quân đoàn 1, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn họp nghiên cứu, quán triệt và bàn biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao cho Quân đoàn trong trận quyết chiến chiến lược đánh vào Sài Gòn-Gia Định.
Ngày 16/4/1975: Ta đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang của địch, giải phóng thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận; Mỹ gây sức ép buộc Thiệu từ chứcNgày 16/4/1975, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) của ta tổ chức đánh thẳng vào thị xã Phan Rang.
Tiểu đoàn 2 và 3 hành quân cơ giới tiếp sau. Lữ đoàn 164 pháo binh chi viện hỏa lực. Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 cùng phối hợp tiến công một số mục tiêu trong thị xã và sân bay Thành Sơn. Sau 2 giờ chiến đấu, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ thị xã.
Toàn bộ hơn một vạn quân địch ở Phan Rang bị tiêu diệt và tan rã. Ta thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch, trong đó có các máy bay A37 còn nguyên vẹn.
Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 ngụy và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh sư đoàn 6 không quân, cùng nhiều sĩ quan, binh lính địch bị bắt. Tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn được giải phóng.
22 giờ ngày 16/4/1975, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã chiến thắng tại Phan Rang.
Trong ngày, Quân ủy Trung ương điện cho Quân đoàn 2 lệnh: Phải nhanh chóng truy kích địch, phát triển tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết giành thắng lợi mới; khẩn trương củng cố lực lượng, tiếp tục hành quân chiến đấu, đảm nhiệm nhiệm vụ kịp thời gian tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Cùng ngày, tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Gerald Ford ra lệnh cho đại sứ Martin ở Sài Gòn thuyết phục và gây sức ép buộc Thiệu từ chức.
Ngày 17/4/1975: Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh nói rõ về nhiệm vụ đánh phá các sân bay của địchNgày 17/4/1975, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện số 58B/DK cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nhiệm vụ đánh phá sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ có tác dụng rất lớn, làm tê liệt không quân địch và nhanh chóng làm giảm sút tinh thần và khả năng chiến đấu của chúng… Cần kiểm tra kế hoạch đánh phá sân bay Biên Hoà, chuẩn bị nhanh để triển khai hỏa lực đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Đối với sân bay Cần Thơ… nghiên cứu tăng cường hỏa lực… vì sân bay này ngày càng trở nên quan trọng đối với kế hoạch phòng thủ Sài Gòn cũng như kế hoạch di tản của Mỹ-ngụy”.
Lúc này, các lực lượng vũ trang ta tiếp tục tiến công địch ở thị xã Phan Thiết. Trên hướng đường số 8, đêm ngày 17/4/1975, Tiểu đoàn 200C phát triển tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch, chiếm giữ ở điểm cao Tà Dôn, cứ điểm cuối cùng ở Đông Bắc Phan Thiết.
Địch dùng tàu biển đổ một số đại đội biệt kích vào quận lỵ Tuy Phong (Bắc Phan Thiết) bắt liên lạc với tàn binh Lữ đoàn 3 dù trên núi Gio và các lực lượng địa phương của địch để chặn đánh bộ đội ta. Địch dùng máy bay và pháo hạm đánh vào đội hình của ta, gây cho ta một số thương vong.
Trên mặt trận Xuân Lộc, cuộc chiến đấu vẫn diễn ra ác liệt ở Hưng Nghĩa và điểm cao 122. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95 diệt gọn một tiểu đoàn, bắt hơn 100 tên, đẩy lùi địch về Bàu Cá.
Ở Nam Bộ, Sư đoàn 9 và các đơn vị đoàn 232 mau chóng hành quân chiếm lĩnh các bàn đạp tiến công phía Nam, Tây Nam, chia cắt đường 4. Tại Cần Thơ, đêm ngày 17/4/1975, pháo binh ta từ phía Bình Minh bắn sang sân bay Trà Nóc. Sau trận pháo kích, cơ sở của ta trong thành phố thông báo lại kết quả để pháo binh điều chỉnh phần tử bắn cho chính xác hơn.
Cùng thời gian này, Binh chủng Thông tin tổ chức bồi dưỡng học tập cho hàng trăm cán bộ chỉ huy, kỹ thuật về chính sách vùng mới giải phóng, những vấn đề cần biết về hệ thống thông tin địch. Đồng thời, Binh chủng cũng đã biên chế các đoàn tiếp quản đưa gấp vào các chiến trường.
(Còn nữa)
TTXVN-TTTL