Đập thủy điện Itaipu. Ảnh: The Guardian. |
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất ethanol, thủy điện là một hướng phát triển năng lượng thay thế quan trọng mà Chính phủ Brazil rất quan tâm. Với nhiều dòng sông lớn, nhất là sông Amazon rộng lớn bậc nhất thế giới gồm nhiều lưu vực bao phủ 60% diện tích đất nước, Brazil là nước có điều kiện tự nhiện thuận lợi để phát triển thủy điện. Những năm 70 của thế kỷ XX, quốc gia Nam Mỹ này đã chọn thủy điện làm khâu đột phá cho cuộc cách mạng năng lượng.
Năm 1973, Brazil và Paraguay ký hiệp định hợp tác xây dựng công trình thuỷ điện lớn nhất thế giới Itaipu trên sông Paraná, biên giới tự nhiên giữa hai nước. Mặc dù khi đó có nhiều ý kiến cho rằng dự án thủy điện Itaipu không khả thi và phi thực tế, nhưng hai nước vẫn quyết tâm xây dựng công trình này.
Đập thủy điện Itaipu theo tiếng thổ dân da đỏ có nghĩa là “hòn đá biết hát”, được khởi công xây dựng năm 1975.
Itaipu được coi là một trong những công trình xây dựng khổng lồ nhất trên thế giới với tổng vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD. Trong suốt quá trình xây dựng, để làm thay đổi hướng chảy của dòng sông lớn thứ 7 thế giới này, những người công nhân đã phải đào một nhánh phụ dài 1,3 dặm, với khối lượng đất đá lên tới 50 triệu tấn.
Khối lượng vật liệu để xây dựng công trình này có thể nói là khổng lồ. Lượng sắt, thép được dùng để tạo kết cấu cho con đập này đủ cho xây dựng 0 tháp Eiffel ở thủ đô Paris và lượng bê tông sử dụng cho Itaipu gấp 15 lần lượng dùng để xây dựng đường hầm qua biển Manche nối giữa Pháp và Anh và đủ để xây 210 sân vận động Maracana ở Rio de Janeiro. Thời điểm thi công cao độ, công trường đã phải huy động tới 30 nghìn công nhân.
Ðập Itaipu cao 196 m và dài 7,76 km tạo nên hồ thủy điện dài 170 km với sức chứa 29 tỷ mét khối nước.
Tổ máy đầu tiên của nhà máy thủy điện Itaipu phát điện năm 1984 thế nhưng phải 23 năm, vào tháng 5 năm 2007, hai tổ máy cuối cùng mới được đưa vào vận hành. Với tổng cộng 20 tổ máy, công suất của Itaipu đạt 14.000 MW.
Theo thỏa thuận liên doanh, mỗi nước được hưởng 50% sản lượng điện phát ra. Tuy nhiên, Paragoay chỉ có nhu cầu sử dụng khoảng 7% sản lượng của nhà máy nên bán phần dôi thừa cho Brazil. Itaipu đáp ứng khoảng 20% nhu cầu điện của quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này. Với 98,3 triệu MWh trong năm 2013, nhà máy Itaipu là cơ sở thủy điện có sản lượng lớn nhất thế giới.
Ngoài việc cung cấp lượng điện lớn cho Brazil và Paraguay, Itaipu còn được đánh giá là một kỳ quan kiến trúc hiện đại của thế giới và trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong quần thể du lịch thác nước Iguazu, nơi hằng năm thu hút hàng triệu du khách nước ngoài đến tham quan.
Có thể nói, với việc phát triển thủy điện, các nước có thêm nguồn năng lượng song song với nhiệt điện, giúp không quá lệ thuộc nguồn nhiệt điện do nguồn cung dầu mỏ nhiều khi biến động thất thường và giá có xu hướng tăng cao. Theo một thống kê của Hiệp hội thủy điện quốc tế, thủy điện cung cấp điện cho gần 20% dân số thế giới.
Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng, việc phát triển thủy điện sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thổ nhưỡng, địa chất, nguồn nước, khí hậu… và nếu con sông được sử dụng làm thủy điện chảy qua nhiều vùng đất khác nhau thì mức độ ảnh hưởng sẽ gia tăng nghiêm trọng tại các vùng đất rộng lớn, thậm chí ảnh hưởng tới nhiều quốc gia.
Chính vì vậy, bên cạnh các nguồn năng lượng khác chi phí cao và ngày càng khan hiếm, các nước vẫn tiếp tục xây dựng và phát triển ngành thủy điện theo hướng không gây nguy hại tới môi trường. Các nhà nghiên cứu phát triển thủy điện đã kêu gọi các chính phủ đổi hướng sang xây dựng các nhà máy thủy điện loại vừa và nhỏ, chỉ cung cấp điện cho một vùng hoặc khu vực nhỏ, vừa không gây hao tốn tài nguyên, nhân lực vừa bảo đảm gìn giữ môi trường sống tốt lành.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN