Những sự kiện đáng nhớ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975-Phần 7

Giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên

Ngày 25/3/1975: Giải phóng tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Huế; Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa (tháng 5/1975) và thành lập Hội đồng chi viện miền Nam ở Trung ương.

Ngày 25/3/1975, ở Khu 5, Lữ đoàn 52 cùng bộ đội đặc công Quân khu đã phối hợp với bộ đội Quảng Ngãi và nhân dân các huyện, thị xã tiến công và nổi dậy đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi. Đến 7 giờ ngày 25/3/1975, tỉnh Quảng Ngãi hoàn toàn được giải phóng.

Quân giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn, phía trước Thành nội Huế ngày 26/3/1975. Ảnh : Lâm Hồng Long - TTXVN.


Tại Thừa Thiên-Huế, sáng ngày 25/3/1975, Trung đoàn 101 Sư đoàn 325, Trung đoàn 3 Sư đoàn 324, các đơn vị của quân khu Trị-Thiên và các cánh quân của Quân đoàn 2 từ các hướng tiến về Huế. Quân ta vây kín cả 4 phía và thần tốc tiến vào trung tâm thành phố Huế. Đến 10 giờ 30 phút ngày 25/3/1975, quân giải phóng cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phu Văn Lâu, thành phố Huế được giải phóng.

Cùng ngày, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị, hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa (tháng 5/1975). Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng thông qua kế hoạch giải phóng Đà Nẵng và quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Đà Nẵng. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng, được cử làm Tư lệnh và đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5, được cử làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy.

Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 241-NQ/TƯ thành lập Hội đồng chi viện miền Nam ở Trung ương, do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu quyết định điều động bộ phận lớn Quân đoàn 1 vào tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Cùng ngày, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân khu 5 và Quân đoàn 2 phải: “Hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, tập trung lực lượng tiêu diệt sinh lực lớn của địch ở Đà Nẵng…, giành thắng lợi quyết định trong trận chiến này, tạo điều kiện cho trận quyết chiến chiến lược sau”.

Ngày 26/3/1975: Giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên; thành lập Binh đoàn Tây Nguyên (B3)

Trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, qua các đợt tiến công và nổi dậy, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch gồm: Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn biệt động, 1 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp, 3 thiết đoàn, 8 tiểu đoàn pháo, 15 tiểu đoàn và 21 đại đội bảo an, 319 trung đội dân vệ, 7.000 cảnh sát, toàn bộ hệ thống ngụy quyền và hơn 3.600 phòng vệ dân sự; thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.

Ngày 26/3/1975, tỉnh Thừa Thiên hoàn toàn được giải phóng.

Nhằm tiếp tục xây dựng các binh đoàn chủ lực cơ động, tạo những “quả đấm quyết định”, ngày 26/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng đã ký Quyết định số 54/QĐ-QĐ thành lập Binh đoàn Tây Nguyên, phiên hiệu công khai là B3, trực thuộc Bộ Quốc phòng, do đồng chí Vũ Lăng làm Tư lệnh; đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy.

Cùng ngày, tại Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 2, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và Tham mưu trưởng họp bàn kế hoạch sử dụng Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 tiếp tục phát triển tiến công vào phía Nam theo kế hoạch và quyết định sử dụng Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 tiến vào Nam theo hướng đường số 14.

Trên hướng Tây Nguyên phát triển, ngày 26/3/1975, Sư đoàn 2, các Trung đoàn pháo binh 572, cao xạ 573, thiết giáp 574 chuyển đội hình ra Thăng Bình, Quế Sơn, sẵn sàng tiến về Đà Nẵng.

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Sư đoàn ô tô 571 nhận lệnh tập trung 1.000 xe cùng với lực lượng vận tải ô tô của Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), cơ động Quân đoàn 1 từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài chuẩn bị tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Ngày 27/3/1975: Phát triển các mũi tiến công đánh địch ở Đà Nẵng; giải phóng Đệ Đức và Bồng Sơn trên hướng Tây Nguyên phát triển.

Ngày 27/3/1975, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân đoàn 2 và Quân khu 5: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương. Cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”.

Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh trưởng Quân khu 5 đến thăm và động viên cán bộ,chiến sĩ đơn vị xe tăng T54 Quân giải phóng trước giờ tiến công vào giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu TTXVN


Thực hiện nhiệm vụ mở đường đánh vào Đà Nẵng, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 ngày 27/3/1975 tiếp tục đánh vào tuyến phòng thủ lâm thời của địch ở khu vực đèo Phú Gia. Địch chống cự quyết liệt. Máy bay địch từ sân bay Đà Nẵng liên tục xuất kích. Pháo binh địch từ Lăng Cô, Hải Vân dồn dập bắn ra Phú Gia yểm trợ cho bộ binh “tử thủ Đà Nẵng”.

Với khí thế chiến đấu mạnh mẽ, quân ta nhanh chóng tràn qua đèo Phú Gia rồi thừa thắng giải phóng Sơn Hải. 20 giờ cùng ngày, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 làm chủ khu vực Lăng Cô, mở cửa đột phá lên đèo Hải Vân để đánh vào Đà Nẵng từ hướng Bắc. Ở hướng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đưa 2 đại đội lên đặt trận địa ở Sơn Khánh.

Trên hướng Tây Nguyên phát triển, ngày 27/3/1975, ta giải phóng Đệ Đức và Bồng Sơn. Trên đường 20, Sư đoàn 7 của ta đánh chiếm chi khu Đắc Oai rồi rồi theo hướng 20 đánh chiếm đèo Ba Cô và cầu Đại Lao (Lâm Đồng).

Cùng ngày, tại Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên ở Thuần Mẫn, Đại tướng Văn Tiến Dũng công bố Quyết định thành lập Binh đoàn Tây Nguyên.


Thông tin tư liệu-TTXVN

(còn nữa)

Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng
Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng

Đã tròn 40 năm trôi qua kể từ Mùa Xuân lịch sử năm 1975. Ôn lại những ngày tháng hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chúng ta càng thêm tự hào về một trang sử vẻ vang của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN