Giáo sư Nguyễn Xiển - nhà khoa học cả đời theo cách mạng

Từng du học tại Pháp, khi về nước, Giáo sư Nguyễn Xiển (1907 - 1997) không ra làm quan cho triều đình Huế, một lòng đi theo cách mạng. Ông đã được Chủ tịch Hồ chí Minh giao nhiệm vụ là Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ kiêm Giám đốc Nha khí tượng thủy văn.

Trí thức yêu nước

Giáo sư Nguyễn Xiển sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học có tiếng của xứ Nghệ. Lòng yêu nước của Nguyễn Xiển thừa hưởng từ truyền thống gia đình và nhen nhóm dần qua tháng năm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chúc mừng Giáo sư Nguyễn Xiển thọ 90 tuổi.


Theo PGS.TS Nguyễn Toán, con trai của Giáo sư Nguyễn Xiển, cha ông là người rất tài năng, thích làm khoa học, say mê toán học. “Khi học ở trường Bưởi, cha tôi tự kiếm tiền để đi học. Ông luôn tự học trong mọi hoàn cảnh. Tinh thần tự học của cha đã ảnh hưởng rất nhiều đến chúng tôi”, PGS.TS Nguyễn Toán nói.

Theo lời kể của ông Toán, vì tham gia bãi khóa trong cuộc vận động học sinh trường Bưởi để tang cụ Phan Chu Trinh nên cha ông bị cấm thi tú tài bản xứ; nhưng không bị cấm thi tú tài Tây. Vì vậy, năm 1928, Nguyễn Xiển thi tú tài Tây và giành được học bổng đi Pháp.

Những năm tháng ở Pháp, dù chưa có xu hướng chính trị rõ rệt nhưng Nguyễn Xiển đã nghĩ rằng nếu học giỏi, nắm vững khoa học sẽ giúp cách mạng nhiều hơn, cách mạng không thể thiếu khoa học, xây dựng đất nước càng cần đến khoa học. Tại đây, Nguyễn Xiển đã nghe nói đến Nguyễn Ái Quốc gặp gỡ những sinh viên cộng sản trẻ tuổi như Trần Văn Giàu,. .., theo Phan Tư Nghĩa đi dự mít tinh chống thực dân Pháp đàn áp phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.

Gia đình Giáo sư Nguyễn Xiển ở Kiến An (Hải Phòng) những năm 1944 - 1945.


Năm 1932, khi về nước, Nguyễn Xiển cũng rất băn khoăn trước lối đi cho chính cuộc đời mình. Trong hồi ký, ông viết: “Tôi không muốn ra làm quan cho triều đình Huế và sống ở Trung Kỳ, mảnh đất còn sặc mùi quan lộ phong kiến”. Ông quyết định ra Hà Nội, dạy học ở các trường tư thục. Đây là quyết định quan trọng nhất của ông khi về nước. Năm 1937, Nguyễn Xiển nhận làm việc ở Đài khí tượng Phủ Liễn (Kiến An, Hải Phòng). Giám đốc Nha khí tượng Đông Dương khi ấy sắp về hưu đang cần người hiểu biết toán lý để nâng cao nghiệp vụ tính toán về thiên văn, khí tượng, trong khi đó những người Pháp khác làm việc trong ngành khí tượng đều là kỹ sư nông nghiệp. Ông là một trong ba trí thức Việt Nam đầu tiên vào ngành này, ngành vốn chỉ dành cho người Pháp.

Trong hồi ký, Giáo sư Nguyễn Xiển khẳng định rằng, là trí thức có lòng yêu nước tiềm ẩn, ông đã đi theo con đường Cách mạng tháng Tám như một bản năng và ông có lòng tin sâu sắc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người chính trị văn hóa vĩ đại và tinh tế, có sức tập hợp và lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đã chứng tỏ bản lĩnh dẫn dắt và chèo chống tuyệt vời của mình trước những cơn sóng gió phức tạp, dồn dập của thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám khi chính quyền nhân dân còn trứng nước.

Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, mặc dù tin tức về Mặt trận Việt Minh không nhiều, nhưng cũng giống như nhiều trí thức lúc bây giờ, Nguyễn Xiển nhận thấy thực dân đã hết thời, phát xít Nhật mới đặt chân đến Đông Dương đã có những hành động tàn ác làm người dân oán ghét. Sau khi quân Nhật đánh úp trại lính Pháp ở Hải Phòng (9/3/1945), Nguyễn Xiển quyết định lên Hà Nội, chính thức tham gia công việc dự báo thời tiết mà ông vốn là dự báo viên không thường trực.

“Những ngày tháng cách mạng diễn ra sôi động, dồn dập với nhịp độ nhanh như gió lốc đã ghi ấn tượng sâu sắc không phai mờ trong tâm trí tôi, nhất là khi cách mạng buộc mỗi con người phải đi đến lựa chọn một thái độ chính trị và một cách sống rõ ràng và dứt khoát”, Nguyễn Xiển đã viết trong hồi ký về những ngày trọng đại ấy. Ông tham gia đoàn biểu tình ở vườn hoa Hàng Đậu, cùng đoàn người hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”. Trong những ngày lịch sử này, Nguyễn Xiển đã có cuộc gặp gỡ không ngờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận nhiệm vụ rất quan trọng. Ông đã xác định rõ con đường mình sẽ đi, toàn tâm theo cách mạng.

“Tôi cảm nhận rất rõ tấm lòng của cha, một trí thức đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặc biệt là sự tin tưởng tuyệt đối của cha vào vị lãnh tụ kính yêu - Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS.TS Nguyễn Toán hồi tưởng.

Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ

Ngày 24/8/1945, một cán bộ đến mời Nguyễn Xiển lên gặp Ủy ban dân tộc giải phóng và được ông Võ Nguyên Giáp đề nghị nhận Bộ Giao thông công chính trong Chính phủ lâm thời nhưng ông từ chối với lý do chưa làm được gì cho cách mạng, “mới chỉ gửi điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị mà nhận một ghế Bộ trưởng thì dễ mang tiếng cơ hội”. Nhưng ngày hôm sau, lại có người đến gọi Nguyễn Xiển đến gặp Hồ Chủ Tịch.

Bác Hồ nói với Nguyễn Xiển rất ngắn gọn, đại ý là: Đã là trí thức yêu nước thì phải nhận trách nhiệm trước lịch sử, không nhận làm Bộ trưởng thì phải nhận Ủy ban hành chính Bắc Bộ... Trước lời lẽ giản dị, thái độ tin cậy của Bác Hồ, ông không còn lý do để từ chối nữa.

Ngay sau khi thành lập, Ủy ban hành chính Bộ đã giải quyết nhiều công việc đang rất khẩn trương lúc đó như tiếp quản bộ máy chính quyền, xây dựng các ủy ban hành chính từ tỉnh đến xã, đặc biệt là việc sửa chữa đê điều bị vỡ trong trận lụt lịch sử năm 1945... Trong trận lũ lịch sự ấy, một loạt đê quan trọng như đê sông Thao, sông Lô, nhiều khúc đê sông Hồng... bị vỡ. Nước lụt đã làm ngập hàng vạn mẫu ruộng. Việc cần làm ngay là hợp long những đoạn đê vỡ để kịp thời bảo vệ vụ mùa năm đó; tiếp đến là phải đắp thêm nhiều đê mới vòng quanh các chỗ đê vỡ, tu bổ những đoạn đê xung yếu. Trong hoàn cảnh ngân khố nhà nước gần như trống rỗng, việc tu sửa đê điều lại cần nhiều tiền, ông đã đề đạt lên Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng cả thầu khoán và thợ đấu. Lúc bấy giờ thầu khoán là cách làm vô cùng mới mẻ, nhưng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ. Bác Hồ nói, thầu khoán tất nhiên là có bóc lột, nhưng thầu khoán đắp đê lúc này là yêu nước.

Theo PGS. TS Nguyễn Toán, cha ông đã dành nhiều tâm huyết cho ngành khí tượng nước nhà. Trong suốt 40 năm theo ngành khí tượng, cha ông đã có nhiều đóng góp cho ngành khí tượng nước nhà. Khi Bác Hồ mất, trên đài có đọc di chúc của Bác. Cha ông ngồi nghe từ đầu đến cuối trong niềm xúc động, tiếc thương. Nhưng sau đó, cha ông trầm ngâm rồi chợt nói: Sao không thấy Cụ dặn về công tác khoa học kỹ thuật? Khi ấy, ông đứng cạnh cha mình, cũng chỉ dám nói chen vào rằng: Có lẽ ở đây, Bác dùng từ “văn hóa”, theo nghĩa rộng có nghĩa bao gồm cả khoa học kỹ thuật. 

(Trong bài có sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Giáo sư Nguyễn Xiển: Cuộc đời và sự nghiệp” và thông tin do gia đình cung cấp).

Xuân Phong
Trần Văn Cẩn - tên tuổi lớn của nền hội họa Việt Nam
Trần Văn Cẩn - tên tuổi lớn của nền hội họa Việt Nam

Trần Văn Cẩn là một trong những họa sĩ hàng đầu đã mang đến cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại một phong cách sáng tạo nghệ thuật rất riêng và giàu bản sắc dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN