Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 4

Đúng một năm sau ông Leahy trở lại với một phái đoàn nghị sĩ đông đảo hơn và cũng được Chủ tịch Cuba tiếp đón trong 3 giờ. Ông Leahy mang theo một số ảnh các cháu của mình và hai người ông cùng nhất trí rằng không muốn con cháu họ thừa hưởng sự thù hận giữa Cuba và Mỹ tích lũy từ hơn nửa thế kỷ qua.

LỰC ĐẨY TỪ QUỐC HỘI

Trong Quốc hội Mỹ, không thành viên nào từng làm nhiều hơn thượng nghị sĩ Patrick Leahy để Alan Gross được phóng thích nói riêng và thay đổi quan hệ với Cuba nói chung.

Nỗ lực của ông đã kéo dài bền bỉ qua 2 thập kỷ: Khi Bill Clinton ban đầu từ chối thương lượng với Cuba để chấm dứt cuộc khủng hoảng thuyền nhân năm 1994, Leahy đã thách thức Tổng thống Mỹ đương nhiệm khi đó; năm 1999, ông là một trong hai nghị sĩ Mỹ dự khán trận bóng chày giao hữu tại La Habana giữa đội tuyển quốc gia Cuba và câu lạc bộ Oriol Baltimore (Mỹ); năm 2000 ông ủng hộ việc trả lại bé Elián González cho cha em tại Cuba; ông cũng từng ủng hộ việc hủy bỏ các hạn chế xuất khẩu thực phẩm và thuốc men sang Cuba cũng như quy định cấm công dân Mỹ du lịch tới đảo quốc này. Khi các chương trình “vận động dân chủ” mà USAID bị đưa ra ánh sáng, ông cũng là một trong những người chỉ trích kịch liệt nhất.

Năm 2012, thượng nghị sĩ Leahy dẫn đầu đoàn đại biểu cao cấp nhất của Mỹ thăm Cuba (gồm 6 nghị sĩ) kể từ sau chuyến thăm của cựu Tổng thống Jimmy Carter năm 2010. Sau khi thăm ông Gross trong tù, ông Leahy và đoàn đã được Chủ tịch Cuba Raúl Castro tiếp đón trong 2 giờ đồng hồ. Bắt đầu với không khí nghi lễ khá cứng nhắc, cuộc trò chuyện trở nên cởi mở hơn khi hai người chia sẻ chuyện gia đình và tìm thấy điểm chung rằng họ đều là những người ông yêu quý cháu. Khi đó thượng nghị sĩ Leahy mới đề cập tới vấn đề Gross bằng câu nói đùa: “Chúng tôi rất sẵn sàng giải thoát cho các ngài vấn đề đau đầu đó và đưa ông Gross đi về cùng máy bay của mình” và Chủ tịch Cuba trả lời một cách hài hước không kém: “Khôn thế!”, theo lời kể của chính vị thượng nghị sĩ Mỹ với báo giới.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (thứ hai từ trái) và phái đoàn nghị sĩ Mỹ trong một cuộc gặp với Chủ tịch Cuba Raul Castro tại La Habana.

Đúng một năm sau ông Leahy trở lại với một phái đoàn nghị sĩ đông đảo hơn và cũng được Chủ tịch Cuba tiếp đón trong 3 giờ. Ông Leahy mang theo một số ảnh các cháu của mình và hai người ông cùng nhất trí rằng không muốn con cháu họ thừa hưởng sự thù hận giữa Cuba và Mỹ tích lũy từ hơn nửa thế kỷ qua. Ông Leahy cũng mang tới một thông điệp từ Nhà Trắng rằng tổng thống Obama muốn tiến tới một quan hệ song phương tốt đẹp hơn, và Chủ tịch Castro đáp lời rằng ông cũng có mong muốn tương tự.

Chủ tịch Cuba nói với phái đoàn Mỹ rằng hai bên cần tránh nói về quá khứ mà “bắt đầu nhìn về tương lai và tìm ra cách thức để có một mối quan hệ khác”. Nhưng người đừng đầu Nhà nước Cuba rất cương quyết trong vấn đề trả tự do cho “bộ ngũ Cuba” và thậm chí nhấn mạnh rằng họ bị kết án sai trong vụ hai máy bay cùa nhóm Hermanos al Rescate năm 1996: “Họ chẳng liên quan gì tới việc đó. Họ không ra lệnh khai hỏa, mà tôi là người ra lệnh. Mà các vị sẽ làm gì nếu có hai máy bay không xác định bay lượn trên bầu trời Washington D.C?”. Phái đoàn của ông Leahy trở về Mỹ với niềm tin rằng vấn đề Alan Gross và “bộ ngũ Cuba” là không thể tách biệt và để giải quyết, hai bên cần có một cuộc đàm phán kiên trì và bình tĩnh.

Ông Leahy và một số nghị sĩ gặp gỡ với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng.

Vào đầu nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama, thượng nghị sĩ Leahy và trợ lý - cố vấn Tim Rieser chia sẻ quan điểm rằng đã tới thời điểm thay đổi chính sách với Cuba. Họ cùng nhau tập hợp một nhóm nghị sĩ và vài lần tổ chức các cuộc họp với các quan chức hành pháp để hối thục họ đưa ra các biện pháp cụ thể theo hướng này. Đồng thời, ông Tim Rieser cũng bắt đầu tiếp xúc thường xuyên với các quan chức soạn thảo chính sách đối ngoại, đặc biệt là Ricardo Zuniga, để vận động từ các cấp việc thay đổi chính sách và cùng đưa ra những dự thảo chiến lược cho mục tiêu này. Vị trợ lý thượng nghị sĩ này cũng thường xuyên gặp gỡ với các nhà phân tích chính sách Cuba như Julia Sweig, người phụ trách chương trình Nghiên cứu Mỹ Latinh của Hội đồng Đối ngoại, và Phil Peters, Chủ tịch Trung tâm Điều tra nghiên cứu về Cuba. Qua các mối liên hệ này, Rieser rút ra kết luận: “Qua năm tháng tôi học được một điều rằng người Cuba không khuất phục trước mọi sự đe dọa hay tối hậu thư. Họ muốn được đối xử tôn trọng. Việc tuyên bố sự vô tội của Gross và yêu cầu phóng thích vô điều kiện, như chính quyền vẫn luôn làm kể từ khi Gross bị bắt, đơn giản là không hiệu quả. Đàm phán là cách duy nhất để tiến lên”.

Tháng 11/2013, thượng nghị sĩ Leahy tổ chức kế hoạch gửi một bức thư chung của 66 thượng nghị sĩ gửi Tổng thống Obama đề nghị “áp dụng các biện pháp có lợi cho lợi ích quốc gia” để đạt được tự do cho Gross, và theo Rieser - người soạn thảo bức thư này - thì văn bản này “có mục địch trao cho Phủ tổng thống một thêm khoảng trống để đàm phán về Gross”. Điều này dẫn tới một bức thư trả đũa của 14 thượng nghị sĩ khác muốn duy trì hiện trạng, hối thúc Tổng thống phải tiếp tục yêu cầu “việc phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện” Gross và từ chối dứt khoát mọi thỏa thuận với La Habana.

Leahy và các thành viên khác trong nhóm của ông tận dụng mọi cơ hội để gây sức ép lên Tổng thống. Hạ nghị sĩ McGovern kể lại: “Tất cả chúng tôi đều hối thúc tổng thống đưa ra một quyết định tốt hơn, bất cứ khi nào chúng tôi có dịp trao đổi với ông, dù chỉ vài giây, trong một hoạt động hay nghi lễ nào đó, chúng tôi đều nói phải làm gì đó với Cuba”. Để gây sự chú ý của Tổng thống, văn phòng của ông Leahy còn soạn thảo vào tháng 2/2014 một bản ghi nhớ 10 trang mang tên “những lựa chọn để giành lại tự do cho Gross”, trong đó nói rõ nhu cầu phải áp dụng một chính sách mới, mối liên hệ giữa trường hợp của Gross và “bộ ngũ Cuba”, những sai sót trong quá trình tố tụng 5 điệp viên Cuba, những tiền lệ trao đổi tù nhân và ba lựa chọn để tiến hành trao đổi mà không gây ra vấn đề chính trị.

Sau nhiều tháng nỗ lực, ngày 1/5/2014, nhóm nghị sĩ Leahy, Levin, Durbin, McGovern và Val Hollen đã có một cuộc gặp tại Phòng Bầu dục với Tổng thống Obama cùng Phó Tổng thống Biden và cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice, và trong suốt 1 giờ đồng hồ, họ chỉ nói về Cuba. Khi nhóm nghị sĩ nhắc lại lời hứa tranh cử của ông Obama về thay đổi chính sách thù địch với Cuba, ông chủ Nhà Trắng trả lời khá cởi mở rằng Mỹ đang làm việc theo hướng đó. Nhưng khi nhóm nghị sĩ - những người hoàn toàn không biết gì về các cuộc đàm phán ngầm giữa hai chính phủ - đề cập tới việc thương lượng với La Habana về trao đổi tù nhân, không khí đã trở nên căng thẳng. Theo lời kể của hạ nghị sĩ McGovern, có thể do khi đó các cuộc đàm phán ngầm đang bế tắc, nên Tổng thống tỏ ra nghi ngờ giải pháp này và chất vấn ngược lại các nghị sĩ. Cuộc gặp kết thúc mà cả ông Leahy cũng như McGovern đều không tin tưởng vào hiệu quả của nó.

Kỳ tới: Vận động hành lang
Lê Hà
Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 3
Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 3

Sau hơn 4 năm trong tù, Alan Gross rơi vào trạng thái tuyệt vọng trước sự thụ động của chính phủ Mỹ trong việc giành lại tự do cho ông và thậm chí từng tính tới phương án không tưởng là tự vượt ngục, như lời thú nhận của ông với nhà sử học Kornbluh trong lần thăm tù năm 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN