Trong chiến công hiển hách này có phần đóng góp lớn của các chuyên gia Xô Viết, những người luôn kề vai, sát cánh với bộ đội tên lửa của ta không chỉ bảo vệ hậu phương miền Bắc mà còn khiến quân thù khiếp sợ.
Tham gia trận đầu hạ gục máy bay Mỹ của bộ đội tên lửa Việt Nam có thiếu tá Todorashko Valentin Ivanovich. Ông sinh ngày 7/10/1936 tại tỉnh Odessa, Ukraina, nay sống tại thành phố Yekaterinburg vùng Urals. Ông thuộc nhóm chuyên gia tên lửa Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam từ 16/4/1965 đến tháng 5/1966, trong vai trò kỹ thuật viên phát vô tuyến của tổ hợp tên lửa phòng không S-75 Dvina.
Nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại một tiểu đoàn bộ đội phòng không Việt Nam. |
Theo ông Todorashko, các chuyên gia Liên Xô bắt đầu huấn luyện cho bộ đội tên lửa Việt Nam từ ngày 1/5/1965. Trong vòng 3 tháng, học viên phải "tiêu hóa" chương trình thông thường học 6 tháng. Các chuyên gia Xô Viết phải sống và huấn luyện bộ đội Việt Nam trong những điều kiện bản thân họ cũng chưa từng trải qua. Độ ẩm cao, nhiệt độ lên tới 35 - 45OC, ngoài ra còn đủ thứ bệnh. Nhiều tháng không nhận được thư nhà và hồi âm cũng vậy. Tuy nhiên, họ vẫn đứng vững với thời gian huấn luyện 12 tiếng mỗi ngày.
Trong 2 tiểu đoàn 63 và 64, Trung đoàn tên lửa phòng không 236 Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Todorashko thuộc thành phần tiểu đoàn 63, tiểu đoàn trưởng là trung tá B.Mozhaev. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 64 là trung tá F. Ilinykh.
Tình hình khi đó rất căng thẳng. Tiểu đoàn ông phải khai hỏa bắn máy bay vào cuối ngày, để kịp di chuyển bí mật tránh bị máy bay Mỹ quay lại tấn công. Trong vịnh Bắc Bộ thường trực 3 tàu sân bay Mỹ, máy bay trên tàu có thể bay vào không phận Việt Nam chỉ từ 5 - 10 phút. Đương nhiên có thể phóng tên lửa vào ban ngày để bắn rơi 1 - 2 máy bay, nhưng khi đó những chiếc máy bay ném bom còn lại sẽ "san phẳng" tiểu đoàn tên lửa.
Nhớ lại trận thắng đầu tay của bộ đội tên lửa Việt Nam - hồi 14 giờ 25 phút ngày 24/7/1965, ông Todorashko cho biết khi đó tiểu đoàn triển khai tại Sơn Tây và phát hiện mục tiêu "lớn" là nhóm máy bay Mỹ bay vào. Tham gia phục kích trận này có tiểu đoàn 63 và tiểu đoàn 64. Thời điểm tác chiến, nhiệt độ trong cabin lên tới 60 độ, ai cũng mồ hôi đầm đìa như tắm.
Điểm đặc biệt rút ra từ cuộc nói chuyện với ông Todorashko, đó là sĩ quan điều khiển bấm nút phóng quả tên lửa đầu tiên diệt máy bay Mỹ là một chuyên gia Liên Xô, V. Konstantinov. Ông Todorashko còn khẳng định bộ đội tên lửa Việt Nam không thể ấn nút khai hỏa trận đầu vì "họ chưa bao giờ thấy các khí tài như vậy". Ông cho biết, trong trận đầu này, các sĩ quan Việt Nam ngồi cạnh các chuyên gia Nga để xem họ tác chiến.
Theo ông Todorashko, tốp máy bay Mỹ bay vào gồm 4 chiếc, chúng bay cách nhau chỉ từ 60 - 70 m, trong khi khoảng sát thương của tên lửa là 100 m, chính vì vậy khi cả tiểu đoàn 63 và 64 cùng phóng tên lửa, cả tốp máy bay bị diệt gọn. Ông cũng cho biết, chiến thuật của bộ đội tên lửa khi đó là phục kích bất ngờ, và chiến thuật này đã đem lại hiệu quả rất cao, khiến các phi công Mỹ khiếp sợ.
Sau khi đơn vị rút khí tài, chuyển sang trận địa mới, tại điểm cũ vẫn ngụy trang như thể tiểu đoàn tên lửa còn ở đó, nhờ vậy, lực lượng cao xạ Việt Nam tiếp tục bắn rơi thêm 5 máy bay nữa khi chúng tấn công trận địa "giả" này.
Ông Skoriak Valery Vasilievich, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam vùng Urlas, lại có những trải nghiệm khác về chuyến công tác Việt Nam giai đoạn 1969 và đầu những năm 1970. Tiểu đoàn tên lửa của ông đã tác chiến 4 tháng tại khu vực từ phía nam thành phố Vinh đến vĩ tuyến 17, hạ 6 máy bay Mỹ. Tiểu đoàn thường xuyên bị không kích, thậm chí cả bằng tên lửa Shrike. Ông cho biết, khi đó một thượng sĩ Liên Xô đã thiệt mạng, còn chiến sĩ Việt Nam hy sinh khá nhiều bởi Mỹ tìm và muốn tiêu diệt tiểu đoàn. Ông giải thích: "Mỗi xentimét đất đều có mảnh bom bi". Theo ông, những người bị máy bay Mỹ giội bom đều không thể chiến đấu trong vài tháng sau khi chứng kiến đồng đội của mình tử nạn. Nguy hiểm luôn rình rập các chuyên gia quân sự Liên Xô ở mọi nơi, một số chuyên gia cũng đã được an táng. Tuy nhiên, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu phải bảo vệ các chuyên gia quân sự Liên Xô và khi bị ném bom, người Việt Nam đã dùng thân mình che chắn cho các chuyên gia Xô Viết.
Có thể thấy, nửa thế kỷ đã trôi qua song những trận đánh, những kỷ niệm về Việt Nam không hề phai nhạt trong tâm trí những người cựu chiến binh Liên Xô. Họ đã cùng những người lính Việt Nam viết nên những trang sử vẻ vang nhất, tạo nên chiến thắng vĩ đại nhất cho một dân tộc bé nhỏ ở Đông Nam Á.