Quân phát xít Đức trên đảo Alderney. |
Hòn đảo tử thầnTại điểm cực nam của Alderney, hòn đảo nhỏ nhất trong ba đảo chính của Channel có một thung lũng nhỏ dẫn ra một vách núi. Trước đây, nơi này bị gọi là Thung lũng Tử thần vì vô số lao động nô lệ bị lùa xuống đây. Họ đã quá kiệt sức, không còn tác dụng gì với phát xít Đức và bị đẩy xuống từ vách đá, bị sóng biển cuốn đi.
Dài chừng 6km, rộng hơn 2km, đảo Alderney được công nhận là khu vực trại tập trung lao động tù nhân trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, quy mô hoạt động và số người chết trên đảo luôn bị giảm nhẹ. Sau nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những sự thật bi đát nhất.
Số người chết trên Alderney khi phục vụ Hitler và tay chân của hắn theo đuổi đại kế hoạch độc ác không phải là vài trăm người theo như một số nguồn tin bán chính thức và sách lịch sử. Trong thực tế, con số đó lên tới hàng chục nghìn, ít nhất là 40.000 theo tính toán mới. Con số đó khiến Alderney trở thành hiện trường tội ác lớn nhất lịch sử Anh.
Điều khiến đảo Alderney đặc biệt khi quân Hitler chiếm đóng quần đảo Channel là ở chỗ hòn đảo gần như đã được sơ tán hết trước khi quân Đức tới vào cuối tháng 6/1940. Đa số dân cư trên quần đảo Channel sống ở đảo Guernsey và Jersey.
Khi hầu như không có con mắt nào nhòm ngó, doanh trại quân Đức với 3.000 người tự do làm điều chúng muốn. Chúng bắt đầu đặt các khẩu pháo khổng lồ để bảo vệ đảo từ trên không và trên biển. Hitler có lệnh hỏa tốc vào hè năm 1941, yêu cầu quân Đức trên Alderney xây công sự với quy mô chưa từng có để biến Alderney thành nơi không thể đánh chiếm được.
Các pháo đài, doanh trại được xây từ thời Victoria trên đảo đã được làm mới, gia cố. Các boongker, lô cốt và tuyến phòng ngự mới được lao động nô lệ xây dựng. Hàng nghìn nô lệ đã được phát xít Đức đưa đến từ khắp châu Âu để xây dựng công trình quân sự.
Hitler muốn bám lấy quần đảo Channel bằng mọi giá. Hắn đã không tập trung vào Anh sau khi Không quân Hoàng gia Anh phá tan nỗ lực đánh bom Anh năm 1940. Hắn chuyển hướng sang cuộc chiến với Liên Xô và mặt trận phía đông. Việc chiếm đóng các tiền đồn ở Channel thể hiện sức mạnh của hắn, không khác gì việc đặt cả hai chân vào vườn trước của Anh.
Khi hoàn thành, hòn đảo Alderney có hàng trăm boongke, tháp pháo. Đảo có 5 khẩu đội pháo ven biển và 22 khẩu đội phòng không. Đây là mật độ phòng ngự dày nhất mà Đức đặt tại một khu vực, thậm chí hơn cả trụ sở chính của hắn ở Obersalzberg.
Một bức tường chống tăng khổng lồ được dựng lên dọc bờ biển dễ bị tổn thương của đảo. Đây là một bức tường bê tông cao gần 5 mét và dài 800 mét. Tù nhân Nga xây bức tường này đã gọi nó là “bức tường chết chắc” vì họ chết như ngả rạ khi xây dựng.
Ý đồ đen tốiVới mục đích phòng ngự đơn thuần thì Alderney đã được củng cố quá mức cần thiết. Alderney được củng cố dày đặc gấp sáu lần so với hai đảo Jersey và Guernsey. Trong một báo cáo thời hậu chiến, sĩ quan chỉ huy Đức của quần đảo Channel, Đại tá Graf von Schmettow, nói rằng việc xây dựng dày đặc trên Alderney chỉ là vì Hitler muốn ra oai và hắn vốn ám ảnh với việc tạo dấu ấn cá nhân trên đất Anh.
Một đường hầm trên Alderney được cho là để chứa tên lửa V1. |
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng ý đồ của Hitler đen tối hơn. Các sự kiện đã chứng minh điều đó.
Không lâu sau khi công trình phòng ngự được hoàn tất, hai điều kỳ lạ xảy ra. Chỉ huy quân đội Đức ở Alderney bị điều từ St Malo ở bờ biển Pháp (nơi toàn bộ quần đảo Channel được điều hành) tới sở chỉ huy khác ở Cherbourg. Điều này khiến Alderney trở nên biệt lập. Sau đó, một lữ đoàn thuộc lực lượng vũ trang Đức SS tới Alderney. Lữ đoàn này là những tên đồ tể khét tiếng nhất của phát xít Đức, được coi là binh lính tinh nhuệ của Quốc trưởng, điều hành chuỗi trại hành quyết và tập trung của Đức chuyên giam cầm, tra tấn, giết hại hàng triệu tù binh chính trị, tù binh Nga và người Do Thái.
Chúng đưa 5.000 tù nhân trại tập trung từ Đức tới Alderney và chiếm dụng trại lao động Lager Sylt, biến nó thành trại an ninh cao, giăng kín dây thép gai. Tại sao SS hoạt động trên Alderney là một điều bí ẩn chưa có lời giải thích thỏa đáng.
Một tài liệu Đức còn đến ngày nay cho thấy Chỉ huy SS ở Alderney, Đại úy khét tiếng Maximilan List, đã nhận lệnh trực tiếp từ cấp trên là Heinrich Himmler, nhân vật quyền lực thứ hai ở đế chế phát xít. Vậy nhiệm vụ tối mật, đặc biệt và chết chóc mà chúng theo đuổi khi tới Alderney tháng 3/1943 là gì?
Câu trả lời nằm dưới lòng đất, ở một trong số hàng chục đường hầm bên dưới Alderney. Đây trông như nơi tránh bom cho binh lính, nơi chứa lương thực và đạn dược. Tại đây, lần đầu tiên, ý đồ thực của của phát xít Đức bắt đầu lộ diện. Dựa vào hình dạng, độ dài và đường cong cũng như thông số chính xác, các nhà nghiên cứu cho rằng đường hầm này dành để chứa một tên lửa, cụ thể là loại V1. Theo tính toán, các đường hầm này có thể từng chứa tới 72 tên lửa một lúc.
Điều đáng sốc là bộ chỉ huy tối cao ở Anh không hay biết gì về đường hầm này trên Alderney. Một điều sốc hơn là khi một ngư dân từ Guernsey nói với tình báo Anh rằng vào năm 1943, một lô từ 300 đến 400 công ten nơ to, màu vàng đã cập cảng Alderney. Người này nói rằng doanh trại Đức ở Alderney thường xuyên tập chống khí độc và họ đeo mặt nạ phòng độc cả ngày, đeo cả cho ngựa nhưng không đeo cho tù nhân.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy bằng chứng không thể chối cãi về quá trình xây dựng một khu vực bệ phóng tối mật dành cho tên lửa V1, một trong số những vũ khí hủy diệt của Hitler. Lý do Hitler giữ bí mật khu vực này là vì nó không chỉ có chất nổ thông thường mà còn có các đầu đạn hóa học bị quốc tế cấm, có khả năng gây ra hủy diệt tương tự như vụ tấn công bằng hóa học gần đây ở Syria. Theo tờ Dailymail, rất có thể các đầu đạn này chứa chất độc thần kinh sarin.
Mục tiêu của những đầu đạn này là hàng trăm nghìn binh sĩ Anh và Pháp ở bờ biển phía nam nước Anh đang tập hợp chuẩn bị cho ngày đổ bộ D-Day. Nếu các tên lửa trên Alderney được phóng đi, chất hóa học trong các đầu đạn sẽ biến kế hoạch D-Day của quân Đồng minh thành mớ hỗn độn và cục diện Chiến tranh Thế giới thứ hai sẽ bị thay đổi mạnh mẽ.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng Hitler dùng chất độc hóa học để cho vào đầu đạn tên lửa. Tuy nhiên, cuối cùng Hitler thất bại trong triển khai kho tên lửa hóa học. Alderney không hoàn thành được sứ mệnh khủng khiếp của Hitler và Himmler.