Ký ức của vị nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên

Bà Ngô Thị Huệ - người bạn đời, người đồng chí của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, luôn tự hào khi mình là một trong mười nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên.

Ký ức không bao giờ quên

Tại ngôi nhà riêng nằm trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 (TP Hồ Chí Minh), dù đã bước qua tuổi 97, nhưng bà Ngô Thị Huệ vẫn minh mẫn với đôi mắt sáng trong, nụ cười đôn hậu kể cho chúng tôi nghe về những ký ức không bao giờ quên về những ngày được đặt chân đến thủ đô Hà Nội. “Tháng 3/1946, chúng tôi được thông báo ra thủ đô Hà Nội dự phiên họp Quốc hội đầu tiên. Ngay thời điểm này, quân và dân miền Nam đã bước vào cuộc kháng chiến gian khổ ác liệt. Tôi ra đi giữa cảnh giặc Pháp giày xéo quê hương, gieo đau thương tang tóc, lòng tôi quặn đau”, bà bắt đầu câu chuyện.

10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên – 1946 (ảnh chụp lại).

Hơn 6 tháng ròng rã đi từ mảnh đất cực Nam (tỉnh Cà Mau) của Tổ quốc, bà cùng với các đại biểu Quốc hội đại diện cho nhân dân miền Nam phải vượt biển đi qua Thái Lan, rồi sau đó đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc, bờ biển Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh). Bà Huệ kể: Dự định ban đầu, đoàn đại biểu miền Nam sẽ từ Thái Lan qua Lào để về Hà Nội nhưng không thực hiện được vì quân Pháp đã đánh sang Lào. Sự việc này đã khiến đoàn bị kẹt lại trên đất Thái Lan khoảng 6 tháng. Lúc đó, tâm trí mỗi người trong đoàn cũng rất nóng lòng để được về thủ đô Hà Nội càng sớm càng tốt. Sau đó, may mắn được sự giúp đỡ của tổ chức Việt kiều yêu nước, đoàn đại biểu này đã đóng giả người Hoa với đầy đủ giấy tờ mang quốc tịch Trung Quốc để về nước an toàn.

“Từ Hải Nam, chúng tôi qua Bắc Hải rồi về tới Đông Hưng. Đứng ở Đông Hưng, lòng tôi rộn rã vui mừng khi nhìn thấy Móng Cái. Hai nước cách nhau bằng con sông KaLong, chỉ cần đi qua chiếc cầu dài 50 m là đến đất nước mình rồi. Khi tôi đặt chân lên mảnh đất thân yêu, tự dưng lúc đó nước mắt của tôi cứ trào ra vì xúc động. Đến khoảng 5 giờ chiều ngày hôm đó, chúng tôi tiếp tục về Hải Phòng”, bà nhớ lại.

 

Bà Ngô Thị Huệ, người nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên đang nhớ lại những ký ức không bao giờ quên.

Khi đang ở Hải Phòng vào ngày 20/10/1946, niềm vui của người con gái bé nhỏ ở quê hương miền Nam vượt hàng ngàn km đường, trải qua biết bao gian nguy để về thủ đô Hà Nội tham dự kỳ họp Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với khát vọng tự do, hòa bình, độc lập toàn dân tộc vẫn chưa dứt, thì lại dâng trào niềm vui khôn xiết khi thấy giữa rừng người đông nghẹt, Bác Hồ mặc bộ đồ kaki màu sáng, dáng đi nhanh nhẹn, không ngớt vẫy tay chào đồng bào đứng hai bên.

“Dù đứng ở xa, tôi vẫn nghe rõ tiếng reo hò dồn dập: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập” vang lên mạnh mẽ. Được thấy Bác trong lòng tôi hân hoan, nước mắt tôi cứ tuôn trào và ước ao chỉ được gặp Bác ngay lúc ấy và thưa với Bác một câu: “Cháu là đứa con gái từ Nam Bộ ra, chỉ muốn báo cáo với Bác rằng, nhân dân miền Nam một lòng, một dạ gửi trọn niềm tin ở Bác, ở Trung ương”, giọng của bà rung rung xúc động.

Ngày hôm sau, bà được đưa xe về Hà Nội và ở ngôi nhà trên phố Hàng Vôi, dành cho các đại biểu miền Nam ra công tác trên đất Bắc. Bà nhớ lúc đó các anh chị em là đại biểu miền Nam được hội ngộ, dù thân quen hay mới gặp nhau lần đầu đều tay bắt, mặt mừng xúc động ôm chầm lấy nhau. Suốt mấy ngày liền sau đó những câu chuyện đau thương nhưng anh dũng của miền Nam ruột thịt và cả những câu chuyện về Hà Nội, cùng các tỉnh phía Bắc đang sục sôi căm thù hướng về Nam được các đại biểu chia sẻ với nhau và không ai cầm được nước mắt.

Thỏa lòng mong ước

Là nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, dù đã 70 năm trôi qua, nhưng bà vẫn nhớ những cảm xúc ban đầu khi đặt chân lên thềm Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày khai mạc phiên họp lần thứ hai Quốc hội khóa I - 28/10/1946. Đứng lặng nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên ban công, bà như đang được gợi nhớ về hình ảnh những lá cờ đỏ thắm trong tay đoàn quân khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, nhớ cờ đỏ sao vàng rợp trời trong cuộc mít tinh mừng Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi ở miền Nam.

Như đã từng mong ước khi thấy Bác từ xa ở Hải Phòng, là sẽ được gặp Bác trong phiên họp này, tôi đã được toại nguyện. Trong giờ giải lao, tôi cùng các đại biểu Nam Bộ quây quần trò chuyện thì Bác bước đến. Chúng tôi rất vui mừng, tất cả cúi chào Bác.

Thấy tôi là nữ, Bác hỏi thăm trước và hỏi thăm từng người về tình hình chống giặc của tỉnh mình. Sau đó, Bác chậm rãi nói: “Bác theo dõi tin tức, thấy đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ đánh giặc rất dũng cảm, mưu trí, tiêu diệt được nhiều quân địch, khiến chúng gặp nhiều khó khăn, bị động... Còn ta thì có thêm thời gian chuẩn bị mọi mặt ứng phó với tình thế”. Vừa lúc đó, tiếng chuông reo báo hết giờ nghỉ giải lao. Chúng tôi lần lượt theo chân Bác, bước vào hội trường.

“Lần đầu tiên tôi bước ra khỏi nhà, làm sao tôi nghĩ được mình đang đi lại giữa thủ đô trong khi khói lửa của chiến tranh bao trùm xóm làng thân thương. Tôi chạnh lòng nhớ xóm làng, đồng ruộng, thương nhớ và cảm ơn đồng bào, chiến sĩ đang liều chết giết giặc cứu nước, cứu nhà. Tình quê hương da diết, lòng căm thù giặc khiến cho tôi thêm bồn chồn mong được đến ngày họp Quốc hội, được gặp Bác Hồ để bày tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với vị cha già dân tộc, được nói lên nguyện vọng của giới phụ nữ đang quyết hi sinh để cứu nước, giành độc lập tự do. Đồng thời còn có nguyện vọng khát khao được “giải phóng giới”, bà Huệ xúc động nói.

Trong ký ức của bà Ngô Thị Huệ, một hình ảnh nữa mà bà sẽ không thể nào quên khi thấy niềm hân hoan của Quốc hội mấy lần đồng loạt đứng lên vỗ tay hoan hô Hồ Chủ tịch khi Bác ra chào các đại biểu. Sau đó, Quốc hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là Công dân thứ Nhất theo đề nghị của Đoàn đại biểu Nam Bộ và kỳ họp Quốc hội năm 1946 cũng đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và chủ trương cấp bách chuẩn bị toàn quốc kháng chiến.

Cũng trong kỳ họp Quốc hội này, niềm khát khao “được giải phóng giới” mà bà đã ấp ủ, thúc đẩy bà dấn thân làm cách mạng và bao lần tuyên truyền vận động cho chị em tham gia đấu tranh cho dân chủ, dân sinh đã trở thành hiện thực. “Tôi hạnh phúc nhất là trong kỳ họp Quốc hội năm đó, tôi được phát biểu ý kiến của mình là hoàn toàn nhất trí với điều Hiến pháp công nhận “nam nữ bình quyền” gắn liền với độc lập và thống nhất Tổ quốc. Có thể nói rằng, được trở thành đại biểu trong kỳ họp thứ hai khóa I này, được về Thủ đô, được gặp và tiếp thu những ý kiến lãnh đạo vô cùng quý báu của Bác trong thế vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Thực sự không chỉ quý báu cho những năm tháng lúc ấy mà còn cho cả mai sau. Qua kỳ họp đó, tôi càng ý thức được giá trị của những gì tôi được nghe, được thấy đã khiến tôi càng nôn nóng được sớm trở lại chiến trường để đền đáp ân nghĩa của cử tri, của chiến sĩ, đồng bào đã và đang chấp nhận vô vàn hi sinh mất mát để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bởi tôi được nhân dân tin tưởng bỏ phiếu trở thành đại biểu Quốc hội. Trong tâm trí tôi không quên hình ảnh những người mẹ, người chị buôn gánh bán bưng viết tên tôi trên những tấm lá chuối, giấy gói hàng để chuyền tay nhau đọc và vận động bỏ phiếu cho tôi”, bà chia sẻ.

Bà cho biết thêm, sau kỳ họp Quốc hội, bà được cử đi học khóa chính trị để bồi dưỡng thêm kiến thức và qua lớp học này bà đã nhận thức thêm nhiều vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, lớp học này chỉ kéo dài có 7 ngày ngắn ngủi vì cuộc kháng chiến toàn quốc sắp bùng nổ. Theo lệnh của Bác, các đại biểu miền Nam như bà phải nhanh chóng trở về Nam chiến đấu. Ngay sau đó, tất cả những người con miền Nam đều khẩn trương chuẩn bị lên đường giữa những ngày cả thủ đô hừng hực khí thế sẵn sàng hiệp đồng tiếp sức cho Nam Bộ, cho miền Nam đã vào trận từ tháng 9/1945.
Bài và ảnh: Anh Đức
Tự hào là nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên
Tự hào là nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên

Trong ký ức của bà Ngô Thị Huệ - người bạn đời, người đồng chí của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, vẫn còn mãi hình ảnh của những ngày tháng Cách mạng tháng Tám sục sôi trên mảnh đất phương Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN