Để ghi nhớ công lao những người con ưu tú của dân tộc hy sinh xương máu vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày để nhân dân thể hiện lòng "Hiếu nghĩa bác ái" và bày tỏ lòng biết ơn đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.
Lịch sử ngày thương binh liệt sĩ
Ngay từ đầu năm 1946, "Hội giúp binh sĩ bị nạn", sau đổi thành "Hội giúp binh sĩ bị thương", được thành lập ở Thuận Hoá (Huế), ở Hà Nội và một số địa phương khác. Hồ Chủ tịch là Hội trưởng danh dự đầu tiên của Hội. Ngày 28/5/1946, Hội tổ chức buổi nói chuyện tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, với sự tham dự của Hồ Chủ tịch, kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và giúp đỡ các chiến sĩ bị thương.
Sau đó một thời gian, ngày 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức buổi lễ vận động "Mùa đông binh sĩ", Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự cùng các thành viên của Chính phủ. Hồ Chủ tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng chiến sĩ.
Đầu năm sau, ngày 16/2/1947, Chính phủ ban hành chế độ "Hưu bổng thương tật" và "Tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các chiến sĩ bị thương và gia đình liệt sĩ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Một sự kiện đáng ghi nhớ là vào tháng 6/1947, tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một Hội nghị quan trọng của các cơ quan Chính phủ và các Hội, đoàn thể chính trị ở Trung ương đã quyết định chọn ngày 27/7/1947 là "Ngày Thương binh toàn quốc". Từ đó, hàng năm, cứ vào dịp ngày 27/7, nhân dân trong cả nước tổ chức các hoạt động quyên góp giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ.
Đến năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc" thành "Ngày Thương binh-Liệt sĩ" để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với tất cả những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc (bản viết tay tháng 5-19), Bác Hồ căn dặn: "Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta"; "Đối với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét"; "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh".
Tri ân các thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ
Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam. Vì tổ quốc, vì nhân dân, rất nhiều người con của dân tộc, trong đó có những người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường… sẵn sàng lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Để đất nước được giải phóng, được thống nhất như ngày hôm nay, rất nhiều người đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “không có gì quý hơn độc lập tự do”.Như Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã từng viết: "Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng ...".
Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hoà bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Việc tổ chức kỷ niệm Ngày thương binh-liệt sĩ hằng năm phản ánh sự đánh giá, trân trọng của Đảng, Nhà nước, của xã hội đối với những hy sinh to lớn của người chiến sĩ và gia đình của họ đối với Tổ quốc và nhân dân.
Đây cũng là dịp giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, đối với những chiến sĩ đã không tiếc xương máu vì sự tồn vong của Tổ quốc, của dân tộc. Đồng thời, để mọi người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc người có công với cách mạng; cũng là dịp để tổng kết, rút kinh nghiệm về cách tổ chức và hiệu quả của các phong trào "đền ơn đáp nghĩa".
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN