Mãi ngời sáng truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong

Cách đây 65 năm, ngày 15/7/1950, thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, tại Núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương (tiền thân của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam) được thành lập.

Tổ 39 TNXP Quảng Bình làm cầu tạm trên đoạn đường vừa bị địch đánh phá. Ảnh tư liệu TTXVN


Quyết định lịch sử ấy đã tạo ra một môi trường thuận lợi để lớp lớp thế hệ thanh niên thể hiện lòng yêu nước, rèn luyện tinh thần chịu đựng khó khăn, gian khổ, dũng cảm chiến đấu, hy sinh, cống hiến, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Phát huy cao độ chủ nghĩa Anh hùng cách mạng

Đội TNXP công tác đầu tiên gồm 225 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn làm Đội trưởng.

Đội thực hiện mục tiêu “giác ngộ lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng để phát huy sức mạnh dời non lấp biển của lớp người trẻ tuổi phục vụ công cuộc kháng chiến cứu nước thành công; đồng thời làm một “Trường học lớn” của cách mạng để đào tạo, rèn luyện các thế hệ cán bộ ngay từ tuổi thanh niên, ngay từ trong khói lửa chiến tranh có bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất cách mạng “vừa hồng vừa chuyên” phục vụ công cuộc kiến quốc, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc lâu dài về sau”.

Chỉ sau 2 tháng ra đời, đầu tháng 9/1950 Đội TNXP công tác Trung ương đã nhận lệnh lên đường phục vụ chiến dịch Biên giới. Các chiến sĩ TNXP đã dũng cảm vượt qua lửa đạn, phục vụ bộ đội tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đông Khê, diệt 300 tên địch mở màn thắng lợi chiến dịch Biên giới (1950-1952).

Đội TNXP công tác Trung ương vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và một sự kiện đặc biệt là ngày 20/3/1951, trên đường đi kiểm tra chiến dịch, Bác Hồ đã đến thăm đơn vị TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại khu rừng cầu Nà Cù, Bắc Kạn.

Tiểu đội 6 TNXP Hà Tĩnh đang lấp hố bom địch ở bến phà G. Ảnh tư liệu TTXVN


Bác đã đọc tặng TNXP 4 câu thơ lịch sử: “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Bốn câu thơ của Bác đã trở thành định hướng tư tưởng, giáo dục, rèn luyện nghị lực cho lực lượng TNXP và cho cả thế hệ trẻ Việt Nam.

Kể từ ngày ấy, lực lượng TNXP đã không ngừng phát triển và đã phát huy cao độ chủ nghĩa Anh hùng cách mạng đóng góp công sức, trí tuệ, máu xương và cống hiến toàn bộ tuổi thanh xuân để góp phần cùng toàn quân, toàn dân làm nên những chiến công oanh liệt.

Đó là “chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” đánh bại Chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp, là cao trào Ba sẵn sàng của thanh niên miền Bắc quyết đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ và cao trào 5 xung phong của thanh niên miền Nam, quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Tất cả làm nên “Đại thắng mùa Xuân 1975” đánh bại Chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, hoàn thành công cuộc kháng chiến, cứu nước ,giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Lịch sử cách mạng-kháng chiến của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh, trong hầu hết các chiến dịch lớn chống kẻ thù xâm lược, kể từ chiến dịch Biên giới 1950 đến chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa Xuân năm 1975, ở đâu, lúc nào TNXP cũng góp công sức, trí tuệ, máu xương và cũng có những hành động anh hùng góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Trong tổng số 50 vạn thanh niên xung phong trên khắp mọi miền Tổ quốc, 46.000 đồng chí bị thương, trên 10.000 đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học và 10.000 đồng chí đã anh dũng hy sinh “hóa thân vào màu đỏ của lá cờ Tổ quốc và màu xanh hòa bình của đất trời Việt Nam”.

Không chỉ đóng góp công sức, trí tuệ, máu xương và cống hiến toàn bộ tuổi thanh xuân cho 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trên bốn vạn cán bộ, đội viên TNXP đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lao động quên mình trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế và thi đua tình nguyện hoàn thành vượt mức kế hoạch trong lao động sản xuất, công tác và học tập, cùng tuổi trẻ cả nước xây dựng hàng trăm công trình kinh tế xã hội như: Công trình đường sắt Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội- Vinh, công trình đường giao thông 426 Tây Bắc, Khu gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Thác Bà, Mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng, Nhà máy cơ khí Hà Nội...

Lực lượng TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên một hậu phương lớn Xã hội chủ nghĩa vững chắc đảm bảo sức người, sức của phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước.

Và, cũng trên chặng đường ấy, lực lượng TNXP có những bước trưởng thành vượt bậc về phẩm chất cách mạng “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng “Trường học lớn TNXP” của Bác Hồ. Hình ảnh các đội viên thanh niên xung phong đã trở thành biểu tượng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã đi vào thơ ca, sử sách và tâm trí của toàn dân.

Tiếp tục giương cao ngọn cờ xung phong tình nguyện

Nối tiếp truyền thống Anh hùng của các thế hệ TNXP cha anh, ngày nay Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã và đang vận dụng tư tưởng của Bác Hồ về trường học lớn TNXP trong điều kiện mới, với nội dung và hình thức thích hợp, thu hút hàng triệu lượt nam nữ thanh niên tham gia vào các tổng đội, công ty TNXP.


Phân đội 39 thanh niên xung phong tham gia mở đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu TTXVN


Hiện cả nước có 32 tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp nhà nước có tổ chức TNXP, với gần 100 đơn vị cơ sở, sử dụng trên 5 vạn lao động thanh niên. Các đơn vị đã thực hiện các dự án làm đường, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, làm kinh tế trang trại, lập làng thanh niên lập nghiệp, tình nguyện lên biên giới, ra hải đảo, đem ánh sáng văn hóa của Ðảng đến với đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng xa...

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000-2010, lực lượng TNXP Trung ương đã đảm nhận xây dựng 2 cung đường TNXP; xây dựng thí điểm 4 cụm dân cư-4 làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện dự án xây dựng 18 làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và xã đặc biệt khó khăn; triển khai thực hiện dự án xây dựng thí điểm 395 cầu thay thế cầu khỉ và 1.000 cầu nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện dự án Đảo thanh niên Bạch Long Vĩ (1998-2008) và dự án Đảo thanh niên Cồn Cỏ (2001-2008)…

Hiện nay, TNXP tiếp tục xây dựng đảo Trần ở Quảng Ninh, đảo Hòn Chuối của Cà Mau, đảo Thổ Chu của Kiên Giang, tiếp tục xây dựng trên 20 làng thanh niên lập nghiệp dọc biên giới và đường HCM, góp phần xây dựng những khu dân cư trù phú ở những nơi đặc biệt khó khăn.

Những việc làm của TNXP trong thời kỳ mới đã góp phần đưa công tác Đoàn ngày càng phát triển, cũng như góp phần tham gia phát triển kinh tế xã hội trên các địa bàn dân cư đặc biệt khó khăn.

Cùng với lực lượng TNXP trong thời kỳ mới, gần 370.000 các đồng chí cựu thanh niên xung phong dù tuổi cao, sức yếu và nhiều đồng chí là thương binh, bệnh binh, nhưng vẫn nêu tinh thần “thời trẻ dũng cảm xung phong về già cuộc sống gương mẫu” thể hiện trong gia đình là người ông người bà, người cha người mẹ mẫu mực, trong tổ chức Đảng là người đảng viên ưu tú, trong cộng đồng xã hội là người công dân tích cực, gương mẫu chấp hành mọi đường lối chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia mọi công tác xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, Mặt trận, hệ thống chính trị vững mạnh.

65 năm - chặng đường hơn nửa thế kỷ đầy gian lao, khó khăn, thử thách song rất đỗi vinh quang, vẻ vang, tự hào. Lịch sử TNXP Việt Nam là pho sử bằng vàng thể hiện sự trưởng thành vượt bậc, sự cống hiến to lớn của các thế hệ TNXP trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiến thiết xây dựng đất nước.

Ghi nhận những thành tích, công lao to lớn đáng tự hào, lực lượng TNXP Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng các phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 1978), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1997), danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1997); 53 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng (36 tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 17 tập thể Anh hùng lao động); trên 100 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động...

Kim Chung (TTXVN)
Cựu thanh niên xung phong thăm lại con đường Hạnh phúc
Cựu thanh niên xung phong thăm lại con đường Hạnh phúc

Tỉnh Hà Giang tổ chức đưa 340 cựu thanh niên xung phong đi thăm Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - Nơi cách đây 50 năm, họ đã cống hiến công sức, tuổi thanh xuân trong suốt gần 6 năm để làm nên con đường Hạnh phúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN