Ngoại giao góp phần nâng cao vị thế đất nước

Kể từ ngày thành lập 28/8/1945, ngành Ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước kia, cũng như sự nghiệp Đổi mới, hội nhập và bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay, góp phần to lớn trong việc củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.    

Bài học đầu tiên quý giá

Những năm đầu thành lập, ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo và tham gia trực tiếp của Bác Hồ, đã góp phần bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ. Trong bối cảnh đất nước phải đối phó với thù trong giặc ngoài, sách lược ngoại giao “hòa để tiến” đã tranh thủ thời gian cho Cách mạng củng cố lực lượng, chuẩn bị trường kỳ kháng chiến. Trong giai đoạn này, ngoại giao đã rút ra được những bài học đầu tiên nhưng vô cùng quý giá, đó là bài học về nguyên tắc “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu”, về chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, về phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, về sách lược “lợi dụng mâu thuẫn giữa kẻ thù”... để từ đó đặt nền móng cho thắng lợi của các thời kỳ tiếp nối.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dâng hương tại Khu di tích lịch sử Công an nhân dân thuộc thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) ngày 16/8/2015. Ảnh: Văn Tý-TTXVN


Nói về đóng góp của ngành ngoại giao, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh: Qua 70 năm hoạt động ngoại giao, quan trọng nhất là kiên trì mục tiêu độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ... Bên cạnh sự nỗ lực của toàn dân và các hoạt động cần thiết của Bộ Quốc phòng thì Ngoại giao có vai trò cực kỳ quan trọng. Ngoại giao làm cho thế giới hiểu rằng, mục tiêu đấu tranh của Việt Nam chính là nền độc lập, chủ quyền, vì sự toàn vẹn lãnh thổ, thu hút được sự ủng hộ của các lực lượng hòa bình, tiến bộ và dân chủ trên thế giới.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân, ngoại giao vừa đấu tranh phá vỡ thế bao vây, vừa nỗ lực mở rộng quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ, chi viện của bạn bè quốc tế cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Nâng cao vị thế

Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị, đến nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 nước, quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các trung tâm kinh tế - chính trị hàng đầu, các nước bạn bè truyền thống và đối tác tiềm năng ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững hơn. Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngoại giao cũng góp phần tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để kiều bào ta ngày càng hướng về Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Công tác biên giới lãnh thổ đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là việc lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, hai bên đã hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và ký các văn bản pháp lý liên quan.

Ngày nay, thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là dân tộc yêu chuộng hòa bình, quật cường, anh dũng trong chiến tranh, mà còn là đất nước đổi mới thành công, thân thiện, có nhiều tiềm năng, kinh tế phát triển năng động, tích cực tham gia vào các công việc quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong những thành tựu đáng tự hào đó của cả dân tộc, có sự đóng góp đáng kể của ngành ngoại giao trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai có hiệu quả ba trụ cột đối ngoại là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, kết hợp với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển

Tình hình mới đòi hỏi ngoại giao phải chủ động và sáng tạo hơn, nhạy bén và hiệu quả hơn, phối hợp chặt chẽ với các ngành quốc phòng, an ninh, kinh tế, tư tưởng văn hóa... để tạo ra sức mạnh tổng hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc Phòng) cho rằng, trong lịch sử chưa bao giờ Việt Nam có được vị thế quốc tế cao như hiện nay. Tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", ngành ngoại giao cần “lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc” và “lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất”. Trong thời gian tới, ngành cần xác định việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đảm bảo an ninh là mục tiêu quan trọng thường trực. Mục tiêu nâng cao vị thế quốc tế có ý nghĩa quan trọng và lâu dài, nhất là khi đất nước đang hội nhập sâu rộng.

Trong bài viết mới đây "Ngoại giao Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Trong suốt 70 năm phụng sự đất nước, ngoại giao Việt Nam không những đạt được thành tựu to lớn, mà còn xây đắp nên truyền thống quý báu, vẻ vang của ngành. Trước hết và nổi bật nhất là truyền thống luôn trung thành với Đảng, với lợi ích của dân tộc. Toàn ngành ngoại giao luôn nhận thức rõ và xác định, trung thành với Đảng, với lợi ích dân tộc là nguyên tắc, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, bất kể hoạt động đó diễn ra trong hoàn cảnh và điều kiện nào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, ngành Ngoại giao luôn nỗ lực hết mình, thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”.

Nguyễn Hồng Điệp
Ngoại giao góp phần củng cố, nâng cao vị thế Việt Nam
Ngoại giao góp phần củng cố, nâng cao vị thế Việt Nam

Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị, đến nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 nước, quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN