Tiếp chúng tôi trong căn nhà nằm ngay tại trung tâm New York vào một buổi chiều xuân nắng đẹp, chị Mơ (tên thân mật mà những người bạn Việt Nam gọi chị), người thiếu nữ năm đó, kể lại chị muốn thông qua hành động này phát đi một thông điệp tới người dân nước Mỹ rằng cuộc chiến ở Việt Nam là sai lầm, là tội ác.
Chị Merle Evelyn Ratner trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN. |
Chị Mơ tên thật là Merle Evelyn Ratner, sinh ra trong một gia đình người gốc Mỹ ngay tại New York. Chị tham gia phong trào phản chiến khi mới 13 tuổi và đang là học sinh Trường Trung học 127 ở quận Bronx. Năm 1969 là đỉnh cao của phong trào phản chiến, hàng loạt trường đại học và trung học tổ chức các cuộc hội thảo về cuộc chiến tranh Việt Nam đồng thời tiến hành các cuộc biểu tình và bất tuân dân sự. Chị Mơ cho biết những hình ảnh những người dân vô tội Việt Nam thương vong dưới mưa bom đạn của Mỹ đã thôi thúc cô bé 13 tuổi xuống đường biểu tình chống lại chính phủ. Từ sự thương cảm với người dân Việt Nam, chị đã tìm đọc nhiều sách, báo viết về các lãnh tụ của Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng nhiều nhà lãnh đạo khác. Càng hiểu biết về Việt Nam, chị càng tích cực hành động ủng hộ cuộc chiến đấu vì độc lập của nhân dân Việt Nam.
Đối với chị Mơ, những ngày tháng tham gia phong trào phản chiến đã để lại cho chị những ký ức không thể nào quên. Chị tự hào kể lại: "Cuộc biểu tình đầu tiên mà tôi tham gia diễn ra tại Trung tâm tuyển quân ở Quảng trường Thời đại, New York. Chúng tôi giương cao khẩu hiệu yêu cầu 'Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam' hoặc 'Chấm dứt chiến tranh ngay bây giờ' và quay thành vòng tròn. Người dân New York đến trò chuyện với chúng tôi và chúng tôi giải thích cho họ rõ vì sao cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là sai lầm và tại sao nhân dân Việt Nam có quyền được độc lập. Còn lần đầu tiên tới thủ đô Washington để tham gia biểu tình, tôi đi cùng một đoàn nha sĩ. Cuộc biểu tình đó thu hút được tới 1 triệu người tham gia và diễn ra ngay trước tòa nhà Quốc hội Mỹ. Cuộc biểu tình ngay trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Lần đó tôi đã cùng nhiều người Mỹ gốc Phi tiến hành biểu tình phản đối tội ác diệt chủng của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Tôi đã bị bắt, song ở đồn cảnh sát tôi từ chối nói tuổi thật của mình là mới 13 tuổi vì tôi không muốn được trả tự do mà muốn ở lại cùng với bạn bè".
Hình ảnh người dân Mỹ xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. |
Lớn hơn một chút, khi đã có thể tự đi xe điện ngầm từ nhà ở khu Bronx (phía Bắc New York) đến khu Manhattan (trung tâm New York), chị Mơ tham gia tuyên truyền về cuộc chiến tranh phi nghĩa bằng cách đi đến từng nhà gõ cửa. Rồi đến khi theo học tại Trường Trung học Âm nhạc và Nghệ thuật, chị được tự do hơn để cùng các nhà hoạt động khác đi qua nhiều thành phố để tham gia biểu tình. Chị đã nhiều lần bị bắt với tội danh tham gia biểu tình chống chính phủ. Hoạt động xã hội cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp của chị. Chị từng mơ ước trở thành một ca sĩ và đã bắt đầu học luyện thanh. Tuy nhiên, khi giáo viên nói rằng chị đang hủy hoại giọng hát của mình vì đã la hét trong những cuộc biểu tình và phải lựa chọn giữa sự nghiệp ca hát và hoạt động chính trị, chị đã quyết định từ bỏ ước mơ trở thành ca sĩ và không học luyện thanh nữa và bước vào con đường đấu tranh chính trị.
Đối với chị Mơ, ngày 30/4/1975 không chỉ là ngày trọng đại của nhân dân Việt Nam, ngày Việt Nam thống nhất đất nước, mà còn là ngày vui chung của những người Mỹ tiến bộ yêu chuộng hòa bình. Chị kể: “Chúng tôi có một tấm bản đồ và mỗi khi nhận được tin các bạn giải phóng được một địa danh, chúng tôi lại đánh dấu lên đó. Niềm hạnh phúc đã vỡ òa khi chúng tôi nhìn thấy lá Cờ đỏ Sao vàng phất cao trên nóc Dinh Độc lập. Chúng tôi cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc bởi vì chúng tôi nhận thấy, chiến thắng này là của nhân dân Việt Nam nhưng đồng thời cũng là chiến thắng của cả những người chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới. Nó chứng tỏ một điều rằng nếu Mỹ tham gia vào bất cứ cuộc chiến tranh phi nghĩa nào thì cuối cùng họ cũng bị đánh bại”.
Sau chiến tranh, Việt Nam hoàn toàn thống nhất, chị Mơ tiếp tục dõi theo từng bước phát triển của Việt Nam, giúp nhân dân Việt Nam xây dựng lại đất nước từ đống đổ nát của chiến tranh. Chị cùng những người bạn đồng chí hướng đấu tranh chống lại lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, kêu gọi Nhà Trắng bình thường hóa quan hệ với Hà Nội; tiếp tục đấu tranh để Mỹ tôn trọng Hiệp định Paris, hàn gắn vết thương chiến tranh cho Việt Nam, giành công lý và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Hiện chị là thành viên của Tổ chức Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Chị đã không mệt mỏi vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, kiện các công ty hóa chất của Mỹ, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam. Trong nhiều năm qua, tổ chức của chị đã thu thập được hàng chục triệu chữ ký qua mạng để giúp các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện. Chị cũng là người trực tiếp tổ chức các chuyến đi cho các nạn nhân chất độc da cam và điôxin của Việt Nam đến Mỹ.
Gần 50 năm trôi qua, nhìn lại quá khứ, chị Mơ tự hào vì mình đã hành động đúng. Chị cho biết chị đã học được rất nhiều điều ở đội ngũ tóc dài của Việt Nam, nhất là từ bà Nguyễn Thị Bình, về sự kiên trì, bền bỉ và không khuất phục. Những ngày đấu tranh sôi nổi là trường học cho chị trong những cuộc đấu tranh sau này, vì công lý, công bằng xã hội và xây dựng một xã hội vì con người ngay trên quê hương của chị. Chị nói: "Chiến thắng của các bạn tiếp tục mang lại cho chúng tôi niềm tin rằng chúng tôi sẽ đánh bại sự bất công và bóc lột ngay trên đất nước của mình. Nếu nhân dân Việt Nam có thể đánh bại chủ nghĩa đế quốc Mỹ, chúng tôi cũng hy vọng có thể đi đến một xã hội vì con người ngay trên đất Mỹ".
Đầu năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XII, chị muốn chúc mừng sự kiện này và mong cho nhân dân Việt Nam đạt được nhiều thành tựu mới. Chị nói: “Tôi rất vui khi Đảng Cộng sản đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ 12, bầu lên một Ban lãnh đạo có cả những gương mặt cũ lẫn gương mặt mới, thể hiện kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”.
Rời nhà chị Mơ, ấn tượng đọng lại sâu sắc nhất trong chúng tôi là sự chung thủy của một người bạn đã cùng khóc cùng cười với nhân dân Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Và thật xúc động biết bao khi trong căn gác nhỏ tại khu trung tâm Manhattan của thành phố New York, chúng tôi đã được nghe chị Mơ hát bài "Liberate the South" (Giải phóng miền Nam) - một trong những bài ca mà chị Mơ cùng những người Mỹ yêu chuộng hòa bình đã thường hát trong những cuộc xuống đường đấu tranh vì một Việt Nam hòa bình, thống nhất cách đây hơn nửa thế kỷ.