Phạm Thận Duật là nhà sử học, nhà văn hóa lớn, danh nhân của thế kỷ XIX là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo. Phạm Thận Duật sinh ngày 4/11/1825 ở làng Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và mất ngày 29/11/1885 trên đường bị thực dân Pháp bắt đi đày từ Côn Đảo đến đảo Tahiti.
Nhà sử học, nhà văn hóa Phạm Thận Duật. |
* Nhà sử học, nhà văn hóa lớnXuất thân từ một gia đình có truyền thống nối đời Nho học, ngay từ nhỏ, Phạm Thận Duật đã thể hiện sự thông minh hiếu học. Ông là học trò xuất sắc của hai danh sĩ Vũ Phạm Khải, Phạm Văn Nghị.
Năm 1850, ông đỗ cử nhân và ra làm quan với chức Giáo thụ phủ Đoan Hùng, Tri châu Tuần Giáo. Chính ở nơi “rừng thiêng, nước độc” này, chỉ trong vòng 2 năm, Phạm Thận Duật đã biên soạn xong “Hưng Hóa ký lược” - cuốn địa phương chí tiêu biểu và có nhiều giá trị về một vùng Tây Bắc rộng lớn của nước ta bao gồm các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình.
Với vốn hiểu biết căn bản và vững chắc của một nhà Nho học, “Hưng Hóa ký lược” vừa mang đậm chất kinh sử, vừa mang đậm bản sắc dân tộc.
Trong suốt thời gian làm các chức quan khác nhau, ông còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: “Vãng sứ Thiên Tân nhật ký”, “Quan Thành văn tập”, “Quan Thành tấu tập” và một số bài văn bia rải rác một số nơi.
Là nhà sử học uy tín, Phạm Thận Duật đã được Vua Tự Đức tín tưởng giao cho trọng trách tổng kiểm duyệt bộ chính sử lớn nhất triều Nguyễn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”.
Ngoài ra, với ngòi bút và học vấn của mình, ông được triều đình giao sửa lại bộ sử “Dực Anh Tông Hoàng đế thực lục chính biên” tức là sách “Đại Nam thực lục- Đệ tứ kỷ”, một bộ sách ghi lại các sự kiện lịch sử dưới triều vua Tự Đức.
Không chỉ là một nhà sử học uy tín, Phạm Thận Duật còn là một nhà văn hóa lớn với tư tưởng nhân văn sâu sắc. Sự nghiệp văn hóa của ông để lại trên nhiều mặt hoạt động: Giáo dục, sử học, khoa học trị thủy, khảo cứu sưu tầm, ngôn ngữ, phong tục tập quán… Ông còn có vốn tri thức sâu sắc về quản lý hành chính, quân sự, chính trị, ngoại giao, hình luật và kinh tế.
Trong 2 năm (1876-1877) được triều đình nhà Nguyễn cử làm Khâm sai hà đê sứ chịu trách nhiệm trị thủy 6 tỉnh vùng tả ngạn sông Hồng, Phạm Thận Duật đã có nhiều bản tấu trình tập hợp trong “Hà đê tấu tập” và “Hà đê tấu tư tập”, trong đó trình bày những quan điểm về trị thủy cùng những cách làm (những giải pháp kỹ thuật để bảo hộ đê điều phòng chống lũ lụt).
Ông kiên quyết phản đối chủ trương “hưu đê” (nhất loạt bỏ đê) và thuyết phục triều đình và các quan đầu tỉnh tin theo những giải pháp trị thủy mà ông đề ra, cũng như những đề nghị của ông xin miễn thuế cho dân ở những miền bị lũ lụt. Đây là những kiến nghị không chỉ phù hợp với thời đại lúc đó mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đó chính là cái tâm “khoan sức dân”, miễn thuế cho dân ở những vùng bị lũ lụt và các biện pháp kỹ thuật vừa có giá trị khoa học, vừa kinh tế, vừa nhân văn của quan Khâm sai hà đê sứ Phạm Thận Duật.
Trong lĩnh vực giáo dục, Phạm Thận Duật là một nhà nho tâm huyết. Ông được chọn làm sơ khảo thi Hương ở Trường Nam (1852), làm phúc khảo thi hương ở Trường Nam (1858).
Đến khi về kinh làm Thượng Thư bộ Hộ, Phạm Thận Duật lại được triều đình giao kiêm Quốc Tử Giám (1857) và năm 1882 làm Kinh diên giảng quan, dạy học cho Dục Đức và Chánh Mông.
Ông còn được vua Tự Đức giao cho 3 lần làm quan độc quyển chấm thi Hội, thi Đình để xét chọn các tiến sĩ và Phó bảng trong đó có Đỗ Huy Liệu (khoa thi 1879) và Nguyễn Thượng Hiền (khoa thi 1885).
Về thơ văn, Phạm Thân Duật viết không nhiều, nhưng những bài thơ, câu đối, văn tế… của ông để lại trong “Quan Thành văn tập” đã bộc lộ một tấm lòng yêu nước, một tâm hồn nồng hậu, một nhân cách cao đẹp cùng một trí thức uyên bác.
* Một sĩ phu yêu nướcSuốt cuộc đời, Phạm Thận Duật luôn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, một sĩ phu yêu nước tiêu biểu ở cuối thế kỷ XIX, đồng thời là một trong những nhà nho yêu nước đầu tiên phát động phong trào Cần Vương, chống Pháp.
Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới triều Nguyễn: Từ quan đầu huyện đến quan đầu tỉnh, Tuần phủ Hà Nội, Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Tổng đốc Bắc Ninh-Thái Nguyên, Tả Tham tri Bộ Lại kiêm Phó Đô Ngự sử, Khâm sai Hà đê sứ phụ trách trị thủy sáu tỉnh vùng Tả ngạn sông Hồng, Thượng thư Bộ Hình, Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc Tử Giám, Đại Thần Viên Cơ mật, Thượng thư Bộ Hộ kiêm Tham tri Bộ công, thăng Hiệp Biện Đại học sĩ.
Tuy giữ nhiều chức quan lớn nhưng Phạm Thân Duật sống thanh liêm theo đúng đạo lý mà người mẹ Nguyễn Thị Dinh đã từng dạy: “Làm quan mà ăn ngon mặc tốt để phụng dưỡng cha mẹ, thì thực là đáng quý, nhưng mà làm cho dân nghèo đi để nhà mình giàu thì ta ghét lắm”.
Quãng đời làm quan dài nhất của Phạm Thận Duật là trị nhậm vùng “rừng thiêng nước độc” Đoan Hùng-Tuần Giáo, được sống gần dân, lo cho dân được yên ổn làm ăn, ít nhiều được học và thoát cảnh quan lại tham nhũng. Chính vì vậy dân kính nể, tôn ông là “thần”.
Đặc biệt trên cương vị đại thần Viện Cơ mật, Phạm Thận Duật có dịp hiểu rõ thế nước nguy nan, khi quân Pháp hầu như đã chiếm cả ba miền, khi phái chủ hòa đã lấn lướt và vua Tự Đức thì run sợ trước giặc Pháp.
Trước tình thế như vậy, chí khí người sĩ phu yêu nước Phạm Thận Duật, “uy vũ bất năng khuất” vẫn tỏa sáng. Ông trở thành trợ thủ tâm phúc nhất của Tôn Thất Thuyết. Cùng với Tôn Thất Thuyết, ông là “cố mệnh đại thần” đưa vua Hàm Nghi lên ngôi.
Trước đó, Phạm Thận Duật đã đề xướng và tham gia đôn đốc xây dựng một loạt đồn lũy sơn phòng vùng Tây Quảng Trị; chiêu mộ 500 quân sĩ vùng Ninh Bình, sẵn sàng đợi lệnh.
Đêm ngày 5/7/1885, ông cùng Tôn Thất Thuyết chỉ huy đánh đồn Mang Cá nhưng việc không thành. Ông cùng Tôn Thất thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, thảo chiếu Cần Vương. Trên đường ra Bắc chiêu tập nghĩa sĩ Cần Vương, ông bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Ông mất ngày 29/11/1885, trên đường đi đầy sang Tahiti.
Ngày nay, nhân dân tưởng nhớ Phạm Thận Duật, quê hương và gia tộc tự hào về ông. Từ năm 2000, Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật ra đời với mục đích góp phần động viên, khuyến khích các tài năng sử học, vinh danh các tiến sĩ sử học xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành khoa học lịch sử nước nhà.
Trung tâm tư liệu/TTXVN