Nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên ở Thái Nguyên

Sau những ngày mưa dài, trở lại quê hương cách mạng La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên), nắng tháng Tám trải vàng trên những nương chè xanh ngút ngàn. Cổng làng nghề sản xuất chè truyền thống được xây dựng theo kiến trúc đậm nét làng Việt, nằm ngay con đường trải nhựa dẫn vào xã. Chợ chè, trường học, trạm y tế, trụ sở xã... khang trang, sạch sẽ, quần tụ trong những khuôn viên rợp ngát bóng cây. Quê hương cách mạng La Bằng đang thực sự chuyển mình, đổi mới... 

Trong câu chuyện về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng dưới chân dãy Tam Đảo, sự kiện Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ngay trên vùng đất La Bằng luôn được nhắc đến đầu tiên. Đó là những năm tháng sau Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất (năm 1935) ở Ma Cao, Chi bộ hải ngoại Long Châu quyết định đưa cán bộ về nước phát triển tổ chức cơ sở Đảng ở những vùng rừng núi hẻo lánh, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt cho cách mạng. Đến tháng 3/1936, trong ngôi nhà lá ba gian của đồng chí Đường Văn Hon (tức Nhất Quý) ở xóm Lau Sau (La Bằng), cơ sở Đảng đầu tiên ở Thái Nguyên chính thức được thành lập, chỉ với 4 đảng viên đều là người dân tộc Nùng.

La Bằng là một trong ba vùng chè nổi tiếng nhất tỉnh Thái Nguyên.


Từ những đốm lửa đầu tiên ấy, ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin đã bùng lên trên mảnh đất Thái Nguyên, lan tỏa thành cao trào cách mạng suốt thời kỳ 1936 - 1939 ở Thái Nguyên cũng như cả vùng Việt Bắc, tạo nên cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền phong kiến, thực dân, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945... Với những đóng góp cho cách mạng, cho kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở La Bằng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang và công nhận là xã An toàn khu (ATK).

Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, trong công cuộc đổi mới, La Bằng luôn đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Phát huy tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây chè, La Bằng đã từng bước trở thành một trong ba vùng chè nổi tiếng nhất tỉnh Thái Nguyên (cùng với vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên và Trại Cài, huyện Đồng Hỷ). Hiện xã có hơn 300 ha chè, trong đó trên 200 ha chè đang cho thu hái, với năng suất bình quân đạt trên 90 tạ/ha, sản lượng chè trung bình gần 1.900 tấn búp tươi, tương đương gần 400 tấn sản phẩm chè khô. Với giá bán trung bình từ 150.000 - 300.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm cây chè mang lại cho trên 1.000 hộ nông dân của 10 thôn, xóm thuộc xã La Bằng giá trị sản xuất hơn 55 tỷ đồng...

Ông Bế Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã La Bằng phấn khởi cho biết: Trước năm 2010, La Bằng vẫn là xã khó khăn, cơ sở hạ tầng lạc hậu, tốc độ phát triển kinh tế chậm, tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 20%, thu nhập bình quân của người dân rất thấp... Với sự đồng lòng của cả cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã, La Bằng đã chọn hướng thoát nghèo cho mình bằng việc tập trong phát triển cây chè đặc sản, huy động, lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Nuôi cá tầm là một hướng khác giúp người dân La Bằng thoát nghèo.


Đặc biệt, từ năm 2011, La Bằng được chọn là một trong 35 xã điểm của tỉnh Thái Nguyên để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, xã đã ưu tiên nguồn vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, quy hoạch lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, luân canh tăng vụ, đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông, sản xuất theo quy mô gia trại, trang trại, xây dựng vùng chè nguyên liệu, vùng chăn nuôi tập trung. Triển khai xây dựng nông thôn mới, bà con trong xã tự nguyện đòng góp đối ứng nguyên vật liệu, ngày công lao động để xây dựng hạ tầng công cộng trị giá hơn 10,7 tỷ đồng; hiến gần 70.000 m2 đất để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi...

Với cách làm đồng bộ, sáng tạo, chương trình xây dựng nông thôn mới ở La Bằng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, 19/19 tiêu chí nông thôn mới đều hoàn thành vượt kế hoạch, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực, các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội được triển khai đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Hiện 100% đường trục xã được cứng hóa, 55% chiều dài kênh mương được xây dựng kiên cố, 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên và an toàn, sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% các xóm có nhà văn hóa, cả 3 cấp học của địa phương đều đạt và giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia; không còn nhà tạm nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt trên 34 triệu đồng, tăng gần 250% so với năm 2010.

Trong 4 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn dưới 3%. La Bằng trở thành xã thứ hai của huyện Đại Từ được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (sau xã Hùng Sơn). Riêng sản phẩm chè đặc sản La Bằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể "Chè La Bằng", có sức tiêu thụ lớn trên thị trường. Từ cây chè, xã đã hình thành 2 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác sản xuất chè đặc sản, hầu hết các làng nghề chè trong xã, đều áp dụng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Thép - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Để giữ vững các tiêu chí về nông thôn mới, xã tiếp tục khuyến khích, vận động bà con phát triển sản xuất chè theo hướng nâng cao chất lượng, gìn giữ và phát huy nhãn hiệu tập thể chè La Bằng, nâng cao hiệu quả sản xuất của 10 làng nghề chè trong xã, kết hợp các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên của xã để phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề... Đây cũng chính là hướng đi chính của cấp ủy, chính quyền xã nhắm xây dựng quê hương La Bằng giàu đẹp xứng danh với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng.

Hoàng Thảo Nguyên
Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Argentina
Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Argentina

Đại sứ quán nước ta tại Argentina và Đảng Cộng sản Argentina đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Buenos Aires.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN