Sau khi sơ suất này bị truyền thông đưa tin, quân đội Israel đã nhanh chóng xóa dấu vết nhưng điều này phần nào cho thấy tính bí mật của căn cứ trọng tâm chiến lược quân sự nước này.
Hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow II của Israel tại căn cứ không quân Palmahim. Ảnh: Reuters |
Chiểu theo Đạo luật Tự do Thông tin, Không quân Israel gần đây công bố nhiều tài liệu quân sự lên trang mạng chính thức trong đó đề cập đến căn cứ thứ 11. Vậy nhưng theo thông tin công khai từ trước tới nay, không quân Israel chỉ thừa nhận vận hành 10 căn cứ dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng Amir Eshel. Bên cạnh đó, trang mạng chính thức của Lực lượng Không quân Israel chỉ đánh dấu trên bản đồ vị trí 10 căn cứ chính thức.
Hãng Sputnik (Nga) cho biết theo thông tin rò rỉ thì căn cứ không quân bí ẩn thứ 11 có tên Sdot Ha'ela, do nhân vật được gọi là “Đại tá Binyamin” chỉ huy.
Việc Israel, một cường quốc quân sự của khu vực, nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu và một trong những trung tâm sáng kiến quân sự hàng đầu trên thế giới, duy trì căn cứ quân sự bí mật được coi không phải là điều quá bất ngờ.
Hãng tin Sputnik cho rằng quân đội Israel có lẽ muốn che giấu bí mật hơn bất kỳ lực lượng vũ trang của quốc gia nào khác. Điều trớ trêu là bí mật quân sự lớn nhất của Israel từ thập niên 70 của thế kỷ trước đã bị rò rỉ, vén màn cho thế giới biết rằng Tel Aviv sở hữu vũ khí hạt nhân.
Israel bắt đầu nghiên cứu về vũ khí hạt nhân từ cuối thập niên 40 của thế kỷ trước. Ở thời điểm đó, Israel coi vũ khí hạt nhân như sợi dây an toàn tiềm năng lâu bền. Sự phát triển vũ khí này được trợ lực bởi Pháp, Anh và Mỹ.
Israel có thể lần đầu tiên dựng thiết bị hạt nhân của nước này trong năm 1966, với vũ khí có thể phù hợp để sử dụng cho vài năm sau đó. Đầu tiên là những chiến đấu cơ và sau đó là các tên lửa liên lục địa.
Thông tin về chương trình này đã bị một người tham gia dự án là Mordechai Vanunu tiết lộ với tờ Sunday Times (Anh) trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Vanunu đã công bố các bức ảnh ông chụp khi làm việc tại cơ sở hạt nhân bí mật của Israel tại thành phố Dimona, từ đây cả thế giới biết về việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Vanunu đã phải trả giá cho tiết lộ này bởi sau khi bán câu chuyện cho truyền thông, ông bị một điệp viên của cơ quan tình báo Israel là Mossad bẫy tới Rome (Italy). Sau đó, ông bị đưa trở về Israel. Vanunu nhận bản án 18 năm tù giam vì tội gián điệp và mưu phản tại một phiên tòa tổ chức trong bí mật.
Tháng 4/2004, ông Vanunu được thả nhưng bị rất nhiều hạn chế như không được tiếp xúc với người nước ngoài, không được sở hữu điện thoại hoặc rời Israel.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) trong năm 2017 ước tính Israel có khoảng 80 vũ khí hạt nhân trong đó gồm 30 quả bom trọng trường có thể vận chuyển bằng chiến đấu cơ, 50 vũ khí có thể được vận chuyển bởi tên lửa đạn đạo tầm trung Jericho II- thiết bị được cho đang nằm tại căn cứ quân sự phía đông Jerusalem.
Ngoài ra, có thông tin rằng Đức đã cung cấp 6 tàu ngầm điện diesel lớp Dolphin có thể mang theo tên lửa hạt nhân cho Israel trong năm 2016.