Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

Ngày 15/7/1950, Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo thành lập Đội thanh niên xung phong công tác trung ương đầu tiên để phục vụ Chiến dịch Biên giới. Quyết định lịch sử này tạo thuận lợi để lớp lớp thanh niên thể hiện lòng yêu nước, rèn luyện tinh thần chịu đựng khó khăn, gian khổ, dũng cảm hy sinh, cống hiến sáng tạo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.       

 

Hồ Chủ tịch trò chuyện thân mật với các đại biểu dự Đại hội thi đua thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967). Ảnh: Tư liệu TTXVN


Từ Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương, lực lượng Thanh niên xung phong đã không ngừng phát triển, trưởng thành theo sự lớn mạnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", thanh niên xung phong đã hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ quan trọng: phục vụ chiến đấu, chiến đấu, mở đường, đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương binh... Những chiến công của lực lượng Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/CT-TTg về tổ chức lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước.Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Đoàn thanh niên lao động Việt Nam đã phát động trong thanh niên cả nước phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng" và "Năm xung phong". Từ phong trào đã có trên 25 vạn nam, nữ thanh niên tình nguyện gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, tiếp bước cha anh lên đường với quyết tâm "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

           

Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước đã có mặt trên khắp các tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động, sẵn sàng hy sinh anh dũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: mở đường chiến lược; vận chuyển quân trang, lương thực thực phẩm; vận chuyển thương binh, liệt sĩ; trực chiến, chốt giữ những trọng điểm địch đánh phá, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống... góp phần quan trọng cùng lực lượng quân đội đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

 

Dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong san lấp hố bom do địch bắn phá tại đường Trường Sơn. Ảnh: Hữu Ngôi-TTXVN


Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, phát huy truyền thống vẻ vang trong kháng chiến, thi đua thực hiện các phong trào hành động cách mạng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hàng vạn thanh niên xung phong xung kích có mặt trên những tuyến đầu gian khó nhất, những nơi đổ nát do chiến tranh phá hoại và các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; sắp xếp ổn định dân cư gắn với việc giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên và các đối tượng khác; thực hiện nhiệm vụ công ích, tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng.

 

Tiếp nối truyền thống anh hùng của các thế hệ thanh niên xung phong cha anh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hôm nay đã và đang vận dụng tư tưởng của Bác Hồ về trường học lớn thanh niên xung phong trong điều kiện mới, với nội dung và hình thức thích hợp. Các đơn vị đã thực hiện các dự án làm đường, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, làm kinh tế trang trại, lập làng thanh niên lập nghiệp, tình nguyện lên biên giới, ra hải đảo, đem ánh sáng văn hóa của Ðảng đến với đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng xa...

 

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

 

Ngày trận chiến nước Anh
Ngày trận chiến nước Anh

Ngày 10/7/1940, với tham vọng giành ưu thế trên không trước không quân Hoàng gia Anh, từ đó gây áp lực buộc nước Anh phải đầu hàng và rút ra khỏi chiến trường châu Âu, phát xít Đức đã bắt đầu cuộc tấn công bằng không quân trên bầu trời nước Anh và eo biển La Manche.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN