Số phận quả bom hạt nhân suýt tàn phá Ai Cập-Kỳ 1

50 năm trước, chiến tranh đã thay đổi Trung Đông. Từ ngày 5/6 đến 10/6/1967, trong cuộc Chiến tranh 6 ngày, hay cuộc Chiến tranh 1967, Israel đã đánh bại ba đối thủ Arab, giành được phần lãnh thổ rộng gấp 3 lần lãnh thổ tạm chiếm ban đầu của họ và từ một quốc gia non trẻ đang chiến đấu để tồn tại trở thành một cường quốc khu vực.

MẦM MỐNG HẠT NHÂN

Cuộc Chiến tranh Sáu Ngày có lẽ là sự kiện được nghiên cứu nhiều nhất trong lịch sử Trung Đông hiện đại. Rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trong 50 năm kể từ đó, nhưng một khía cạnh quan trọng của cuộc chiến thì vẫn chưa từng được nhắc đến: Đó là quy mô hạt nhân của cuộc chiến. Cả hai bên đều giữ im lặng về vấn đề này. Chỉ đến ngày 5/6/2017 vừa qua, đúng dịp kỷ niệm 50 năm mở màn cuộc chiến tranh 1967, Israel mới lần đầu tiên hé lộ về sự tồn tại của một nỗ lực lắp ráp và kích nổ đầu đạn hạt nhân đầu tiên của nước này.

Trước tình thế bị vây hãm tứ bề, Israel lên kế hoạch kích hoạt vũ khí nguyên tử như một đòn cảnh cáo các lực lượng Arab.

Tháng 5/1967, đối mặt với mối đe doạ chưa từng có từ Ai Cập và các nước láng giềng Arab, Israel đã lần đầu tiên lắp ráp 2-3 thiết bị nổ hạt nhân thô sơ. Và một số thành viên trong nội các và quân đội Israel thậm chí đã vạch kế hoạch kích nổ bom hạt nhân trên sa mạc Ai Cập như một đòn phô trương sức mạnh của Nhà nước Do Thái.

Tất nhiên, Israel chưa bao giờ thực hiện kế hoạch có tên Chiến dịch Shimshon đó. Đây chỉ được coi là phương án cuối cùng. Nếu nó xảy ra, Israel sẽ tàn phá Không lực Ai Cập trên mặt đất trong vòng 3 giờ đồng hồ. Shimshon không bao giờ được nhắc đến nữa, cho đến tận ngày nay.

Vào giữa năm 1966, Israel đang tiến rất nhanh tới ngưỡng cửa sở hữu vũ khí hạt nhân. Dự án hạt nhân của quốc gia này – đặt cơ sở tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Negev ở Dimona, miền nam Israel và Cơ quan Phát triển vũ khí (RAFAEL) ở miền bắc - dưới sự lãnh đạo của giáo sư vật lý, hoá học Dostrovsky. Dự án này cuối cùng đã đạt được công nghệ cho phép tiến hành một cuộc thử hạt nhân toàn diện, như lựa chọn của giới lãnh đạo Israel, trong khi công chúng thì không hay biết gì về nó.

Một vụ thử như vậy sẽ đưa Israel trở thành quốc gia hạt nhân thứ sáu trên thế giới. Nhưng do vấn đề luật pháp quốc tế, hoàn toàn không thích hợp để Israel tiến hành một vụ thử như vậy. Còn về mặt chính trị, Thủ tướng Israel Levi Eshkol cũng chưa yên tâm, thậm chí lo sợ về dự án. Ông biết rằng các Tổng thống Mỹ John Kennedy và Lyndon Johnson đều phản đối Israel theo đuổi vũ khí hạt nhân. Ông cũng lo ngại Ai Cập sẽ phản ứng ra sao nếu biết Israel đang tìm cách sở hữu bom hạt nhân.

Israel thả dù tiếp tế cho quân sĩ trên bán đảo Sinai sau khi chiến tranh nổ ra.

Hơn một lần, Tổng chỉ huy quân đội Yitzhak Rabin đã nhắc đến “sự thiếu tính pháp lý quốc tế” của dự án ở Dimona, điều có thể đẩy Ai Cập đến hành động quân sự. “Nếu Ai Cập đánh bom Dimona, và chúng ta muốn dấy chiến tranh, chúng ta có thể đối mặt với một tối hậu thư của cả thế giới” - ông Rabin cảnh báo vào tháng 3/1965.

Giữa những năm 1960, mối quan ngại về phản ứng của Ai Cập với dự án Dimona đã được ghi trong sách chiến lược của IDF (Quân đội Israel). Cuối năm 1966, Rabin từng nhắc các đồng sự của mình: “Có một dự án then chốt ở miền nam, nơi có thể trở thành mục tiêu lý tưởng cho một cuộc tấn công khoanh vùng, cuộc tấn công mà Ai Cập có thể được cả thế giới ủng hộ”.

Nhưng bất chấp mối nghi ngại đó, Thủ tướng Eshkol vẫn cho phép đẩy mạnh dự án. Chỉ có điều khoảng thời gian này, ông đã bác bỏ một cuộc thử hạt nhân trong lòng đất. “Các bạn có cho rằng thế giới sẽ chào đón chúng ta với thành tựu này không?”, Eshkol ngờ vực hỏi các phụ tá của mình, những người ủng hộ ý tưởng tiến hành vụ thử.

Vào ngày 14/12/1966, một vụ tai nạn chết người xảy ra tại Dimona càng làm tăng mối lo ngại của Thủ tướng Eshkol. Một nhân viên thiệt mạng trong vụ việc và một khu vực rộng lớn bị ô nhiễm. Ba tháng sau, trong một cuộc trao đổi bí mật với Washington, đại sứ Mỹ tại Israel Walworth Barbour báo cáo rằng ông chưa bao giờ thấy Eshkol bất ổn như vậy về tương lai của dự án hạt nhân, đồng thời đề xuất rằng đây là thời điểm thúc đẩy ngoại giao về vấn đề hạt nhân. Trong cuộc trao đổi đó, Barbour cũng bác bỏ những báo cáo tình báo của Mỹ cho rằng chỉ còn vài tuần nữa là Israel sở hữu bom hạt nhân.

Nhưng bức tranh hạt nhân ở Trung Đông đã thay đổi chỉ sau một đêm!

Ngày 14/5/1967, không một lời cảnh báo, quân đội Ai Cập bắt đầu tiến vào bán đảo Sinai, nằm sát biên giới phía nam Israel. (Thời điểm đó nơi đây chỉ có lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ được triển khai nhằm đảm bảo phi quân sự, ngăn chặn du kích Palestine xâm nhập phá hoại Israel.)

 Xe tăng Israel sẵn sàng ra trận trong cuộc Chiến tranh Sáu Ngày năm 1967. Ảnh: AP

Ngày 17/5, trong khi Tham mưu trưởng quân đội Yitzhak Rabin đang trình bày trước Ủy ban quốc phòng và đối ngoại Knesset (Hạ viện Israel) rằng một cuộc tấn công vào Dimona có thể là mục tiêu đằng sau việc Cairo động binh, thì 2 chiếc MiG 21 của Ai Cập đã bay qua Dimona, xuyên thủng không phận Israel từ hướng đông và vượt qua các phi đội phản lực Israel. Đêm đó, Thủ tướng Eshkol và cấp dưới Rabin quyết định nâng cấp báo động sẵn sàng với không quân Israel, huy động hệ thống phòng không và kêu gọi bổ sung một lữ đoàn thiết giáp.

Chuyến bay do thám thứ hai của Ai Cập qua Dimona diễn ra vào buổi trưa ngày 26/5, trong khi ông Eshkol đang chủ trì một cuộc họp với các quan chức quân sự cao cấp. Rabin thông báo với cuộc họp rằng, các máy bay Israel đã xua được đội MiG Ai Cập - ở độ cao trên 50.000 feet – trở về Sinai nhưng không bắn hạ được chiếc nào. Trong cuộc tham vấn riêng với Thủ tướng và Tư lệnh không quân, Tướng Ezer Weizmann, ông Rabin thông báo với Eshkol về một “sự phối hợp lạ và đáng lo ngại giữa các tiêm kích và máy bay ném bom” của Ai Cập. Ông lưu ý rằng đây có thể là một chỉ dấu về một cuộc tấn công đường không phối hợp nhằm vào Dimona. Tướng Weizmann còn đưa ra cảnh báo nghiêm trọng hơn cho rằng, Ai Cập sẽ tấn công Dimona với ít nhất 40 máy bay, thậm chí có thể diễn ra ngay đêm hôm đó.

3 tiếng sau, Thủ tướng Eshkol có cuộc họp khác với Ủy ban Quốc phòng và đối ngoại Knesset. Cuối buổi họp, ông cho rằng Israel không thể hành động trước khi tiến hành mọi nỗ lực ngoại giao có thể.

Xem Kỳ cuối: Kế hoạch thả "con nhện" xuống Sinai

Chiến tranh Sáu Ngày, hay còn gọi là Chiến tranh Arab-Israel, là cuộc chiến giữa Israel và các nước láng giềng Arab gồm: Ai Cập, Jordan, và Syria. Các quốc gia khác như Iraq, Saudi Arabia, Kuwait, và Algérie đóng góp quân và vũ khí.


Kết thúc cuộc chiến, Israel giành thắng lợi và mở rộng lãnh thổ gấp ba lần vùng tạm chiếm trước đó với việc chiếm được Dải Gaza, bán đảo Sinai, vùng Bờ Tây sông Jordan (bao gồm cả Đông Jerusalem) và cao nguyên Golan.


Thu Hằng/Báo Tin Tức
 Số phận quả bom hạt nhân suýt tàn phá Ai Cập-Kỳ cuối
Số phận quả bom hạt nhân suýt tàn phá Ai Cập-Kỳ cuối

Quả bom hạt nhân sẽ được kích nổ trên bán đảo Sinai, cách nơi đóng quân của Ai Cập 20 km, nhưng không đủ gần để tàn sát họ. Vụ nổ hạt nhân chỉ mang ý nghĩa làm thay đối cán cân quyền lực trong cuộc chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN