Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trí thức yêu nước lớn, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của đất nước. Con người và sự nghiệp của Huỳnh Tấn Phát luôn luôn gắn bó với vận mệnh đất nước.
Từ thời còn trai trẻ, ông đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời.
Huỳnh Tấn Phát đã cống hiến trọn đời cho cuộc đấu tranh giành tự do, bảo vệ độc lập và xây dựng Tổ quốc giàu đẹp.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. |
Huỳnh Tấn Phát sinh năm 1913 trong một gia đình viên chức nghèo tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre; mất ngày 30/9/1989 tại Bệnh viện Thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1933, ông thi đậu vào khóa VIII, khoa kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Sau 5 năm học tập, ông đỗ thủ khoa và trở về Sài Gòn, làm việc trong Văn phòng kiến trúc sư Chauchaon, người Pháp.
Tuy mới ra trường, nhưng với năng khiếu bẩm sinh và năng lực sáng tạo dồi dào, ông được giao ngay thiết kế một công trình quy mô khá lớn, đó là Câu lạc bộ thủy quân ở Sài Gòn (sau này chính quyền Sài Gòn dùng làm Phủ Thủ tướng, nay là số 7 đường Lê Duẩn).
Câu lạc bộ thủy quân tuy là công trình đầu tay của kiến trúc sư
Huỳnh Tấn Phát, song giải pháp tổ chức không gian chặt chẽ, mạch lạc, sinh động, tạo được nhiều góc nhìn đẹp. Hình dáng tòa nhà mô phỏng con tàu như đang lướt sóng ra khơi, rất phù hợp với nội dung và tính chất của câu lạc bộ thủy quân.
Qua công trình đó, tài nghệ của kiến trúc sư
Huỳnh Tấn Phát được khẳng định, giới nghề người Pháp kính nể và khách hàng tín nhiệm.
Năm 1940,
Huỳnh Tấn Phát mở Văn phòng kiến trúc ở số nhà -70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) và là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc tư ở Sài Gòn. Bị chèn ép đủ đường, song đức và tài của ông được nhiều người mến mộ và tin cẩn, cho nên vẫn có khá nhiều công việc, nhất là biệt thự, nhà mặt phố, không chỉ ở Sài Gòn - Gia Định, mà còn có nhiều công trình ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt…
Ông có biệt tài tổ chức không gian và khéo léo khai thác những tinh hoa của di sản kiến trúc truyền thống trong các thiết kế của mình.
Huỳnh Tấn Phát đã trực tiếp sơ phác tìm ý tưởng cho công trình Nhà hát Hòa Bình (quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Thành Thế về công trình này. Ảnh: thehthaovanhoa.vn |
Năm 1941, kiến trúc sư
Huỳnh Tấn Phát đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương.
Với năng lực và tài năng dồi dào, chỉ sau ít năm mở văn phòng, điều kiện để làm giàu một cách chính đang mở rộng trước mắt ông.
Song, ông đã gác sang một bên để đi theo tiếng gọi của vận mệnh đất nước, dấn thân vào cuộc sống gian lao và hiểm nguy vì nghĩa lớn. Tháng 3/1945, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn.
Mỗi khi có điều kiện ông lại mang tay nghề kiến trúc phục vụ cách mạng. Kỳ đài cao 15 m dựng trong đêm 24/8/1945 tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi đã góp sức cùng với nhân dân trong ngày cướp chính quyền 25/8/1945 ở Sài Gòn.
Sau Hội nghị Giơnevơ, năm 1954,
Huỳnh Tấn Phát được Đảng phân công hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Để tạo thế công khai hợp pháp, ông làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, từ đấy ông lại có dịp sáng tác nhiều.
Đồ án thiết kế của ông tham dự cuộc thi thiết kế nhà văn hóa dự kiến xây dựng ở Khám Lớn Sài Gòn đã đoạt giải cao nhất. Thư viện Sài Gòn (đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện) là một trong những công trình đẹp nhất Sài Gòn, được giới nghề và công chúng đánh giá cao về giải pháp tổ chức không gian và hình khối, chi tiết kiến trúc.
Những năm chống giặc Mỹ xâm lược, với cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bận rộn suốt ngày đêm, song ông vẫn không rời cây bút vẽ. Ông coi việc thiết kế nhà cửa là niềm đam mê, ông đã thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình tại vùng căn cứ cách mạng.