Trận chiến ‘xúc xích' kỳ lạ giữa Phần Lan - Liên Xô

Những người lính Liên Xô đói bụng trong cuộc hành quân đã không thể cưỡng lại mùi xúc xích thơm lừng từ doanh trại Phần Lan. Họ bị bao vây và sau đó là giao tranh dữ dội.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Phần Lan di chuyển thuần thục bằng ván trượt tuyết trong cuộc chiến tranh với Liên Xô. Ảnh: Getty Images

Vào ngày 30/11/1939, nửa triệu binh sĩ Liên Xô trang bị xe tăng, bom, súng máy tràn lên phía Bắc. Cuộc xung đột mang tên Cuộc chiến Mùa Đông chính thức bắt đầu, nhưng kẻ thù của Liên Xô không phải là Đệ tam Quốc xã, mà là nước láng giềng tương đối nhỏ ở biển Baltic, Phần Lan.

Cuộc chiến này có khởi nguồn khá xa xưa. Từ năm 1150, các vị vua Thụy Điển theo Thiên Chúa giáo đã bắt đầu chinh phạt lãnh thổ Phần Lan với lý do chống những người bản địa "vô thần”. Tới năm 1634 Thụy Điển chiếm toàn bộ Phần Lan. Sau Đại chiến Bắc Âu, vùng đất Tây Karelia được Thụy Điển nhượng lại cho Nga trong Hiệp ước Nystad năm 1721, Tây Karelia chính thức thuộc chủ quyền của Nga kể từ đó.

Tháng 2/1808, quân đội đế quốc Nga tấn công Thụy Điển. Chiến tranh kéo dài tới tháng 9/1809 khi Hiệp ước Fredrikshamn được ký kết. Thụy Điển thua nhiều trận, đã phải cắt nhượng Đại công quốc Phần Lan cho Nga, nơi đây trở thành vùng lãnh thổ do Sa hoàng cai quản. Phần Lan cam kết trung thành với đế quốc Nga để đổi lấy sự đảm bảo về luật pháp và quyền tự do cũng như tôn giáo. Và để ban thưởng cho lời thề trung thành của quý tộc Phần Lan, Sa hoàng Nga quyết định trả vùng Tây Karelia trở lại lãnh thổ Đại công quốc này.

Sau Cách mạng Tháng Mười (1917), đế quốc Nga và chế độ Sa hoàng sụp đổ. Ngày 6/12/1917, Phần Lan chính thức tuyên bố độc lập, trở thành một nước cộng hòa. Theo đà thắng lợi về quân sự cũng như tranh thủ việc nước Nga Xô viết còn non trẻ, quân Phần Lan khi đó đã tấn công vùng Đông Karelia thuộc Nga vào năm 1920 nhằm sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ theo kế hoạch "Đại Phần Lan". Nước Nga Xô viết đang phải lo đối phó với Bạch Vệ và quân đội của 14 nước phương Tây can thiệp quân sự nên không có đủ lực lượng để chống lại cuộc tấn công của Phần Lan.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Phần Lan tham chiến trong "Chiến tranh Mùa Đông".

Năm 1920, hai nước ký kết Hiệp ước Tartu, theo đó quân đội Phần Lan đồng ý rút khỏi vùng Repola và Porajärvi (thuộc Đông Karelia) đổi lấy việc Liên Xô phải cắt lãnh thổ tại cảng Petsamo cho Phần Lan.

Năm 19-1939, Đức Quốc xã xâm chiếm Séc và Ba Lan, nguy cơ chiến tranh giữa Đức và Liên Xô đã cận kề. Trong bối cảnh đó, mối liên hệ mật thiết giữa chính phủ Phần Lan với Đế quốc Đức trong cuộc chiến 20 năm trước khiến lãnh đạo Liên Xô lo ngại Phần Lan sẽ trở thành đồng minh của Đức để tấn công họ. Để đảm bảo an ninh vùng biên giới phía Bắc (đặc biệt là thành phố Leningrad) và tìm đường thông ra biển, Liên Xô đề nghị Phần Lan cho thuê cảng Hango trên đường vào vịnh Phần Lan để làm căn cứ hải quân và không quân nhưng bị khước từ.

Đàm phán đổ vỡ ngày 13/11/1939, Chính phủ Phần Lan bắt đầu ra lệnh tổng động viên. Ngày 28/11, Liên Xô đơn phương hủy bỏ hiệp ước bất khả xâm phạm ký với Phần Lan năm 1932 (có giá trị trong 10 năm) và đưa quân tràn vào Phần Lan.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Phần Lan mang súng máy, mặc quân phục trắng trên nền tuyết, trong cuộc Chiến tranh Mùa đông. Ảnh: Getty Images

Bị áp đảo về số lượng và bất ngờ, Phần Lan dường như không tránh khỏi bị khuất phục trước sức mạnh của Liên Xô. Nhưng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, một “đồng minh” khó ngờ tới có vẻ như đã hỗ trợ đắc lực cho Phần Lan trước một kẻ thù quá mạnh. Đó là những chiếc xúc xích!

Trong một cuộc chiến ngắn ngủi có tên “trận chiến xúc xích”, Phần Lan đã đánh trả quyết liệt. Và chính sự đảo ngược nhất thời thế thắng của Liên Xô ở trận chiến này sau đó đã khiến Hitler tin rằng Đức Quốc xã có thể xâm chiếm nước Nga vĩ đại trong Thế chiến thứ hai.

Vào ngày 30/11/1939, các lực lượng Liên Xô ném bom Thủ đô Helsinki và ngay sau đó đưa quân tấn công Phần Lan. Một chiến thắng dường như không thể tránh khỏi. Với thực tế là lực lượng Liên Xô đông gấp ba lần Phần Lan, có vẻ như cuộc chiến sẽ chỉ kéo dài vài tuần.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát ở Helsinki sau đợt dội bom của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Mùa Đông. Ảnh: Fox Photos/Getty Images

Tuy vậy, các lực lượng Liên Xô tràn qua biên giới vào tháng 11/1939 lại không thực sự trong tư thế sẵn sàng chiến đấu tốt nhất trên xứ sở băng giá Phần Lan. Nhiều binh sĩ Hồng quân đến từ các vùng ấm hơn của Nga, lại không được đào tạo nhiều trong điều kiện chiến đấu mùa Đông phương Bắc. Các binh sĩ Liên Xô cũng không được cung cấp thực phẩm đầy đủ, trong khi quân kháng chiến Phần Lan được ăn uống tốt hơn, với thể trạng hoàn hảo khi ở trong môi trường băng giá quen thuộc của họ.

Bất chấp những thách thức đó, Hồng quân Liên Xô vẫn được lệnh tiến về phía trước. Đêm 10/12/1939, một tiểu đoàn Hồng quân đã tổ chức tấn công bất ngờ vào quân đội Phần Lan gần ngôi làng phía Đông Illomantsi. Đáng lẽ ra đây phải là một cú hích cho phía Liên Xô, nhưng khi đó các binh sĩ Hồng quân đang đói mềm. Trong khi đi ngang qua lều trại nấu ăn của quân Phần Lan, họ ngửi thấy mùi thơm không thể cưỡng lại của món xúc xích hầm - món ăn nhiều chất béo nhằm duy trì sức chiến đấu cho binh sĩ Phần Lan trong điều kiện băng tuyết.

Những người lính Xô viết đang đói meo đã tạm dừng cuộc tấn công để xông vào lều trại, nhét đầy bụng món xúc xích Phần Lan. Đến lúc đó, lực lượng Phần Lan nhận được tin báo, đã bao vây quanh người Nga và dàn dựng một cuộc chào đón bất ngờ.

Chú thích ảnh
Lính Phần Lan xem nhà bếp chuẩn bị bữa ăn của họ trong cuộc chiến với Nga. Ảnh: Getty Images

Theo nhà sử học người Mỹ William Trotter, cuộc tấn công là một trong số ít lần giao tranh bằng lưỡi lê được ghi nhận trong cuộc Chiến tranh Mùa Đông. “Họ đánh nhau giáp lá cà, đẫm máu và không thương xót”, Trotter viết. Lính mai phục đã bám theo tiểu đoàn Nga, và kết cục là chỉ một vài người sống sót.

“Cuộc chiến xúc xích” chỉ là một trận chiến ngắn và qui mô nhỏ, nhưng nó đã cho thấy những sơ hở trong tổ chức của Hồng quân. Tất nhiên, xúc xích không đủ để ngăn chặn sức mạnh của người Nga: Sau 105 ngày chiến tranh, Phần Lan đã bị áp đảo tuyệt đối bởi hỏa lực Liên Xô. Họ đầu hàng và nhượng lại một phần lãnh thổ cho bên chiến thắng.

"Trận chiến xúc xích" tuy ngắn ngủi và nhất thời, nhưng có một kẻ đã rất chú ý đến nó, đó là Adolf Hitler. Trước những báo cáo về sự yếu kém của Hồng quân, Hitler bắt đầu nghĩ rằng Liên Xô có thể là mục tiêu xâm lược.

Trớ trêu thay, Hitler và đội quân của hắn đã không rút được bài học từ cuộc Chiến tranh Mùa đông, rằng một cuộc xâm lược vào vùng đất băng tuyết sẽ gần như là bất khả thi nếu quân đội không được đào tạo, cung cấp vũ khí và thực phẩm đầy đủ. Kết quả là sau khi đưa quân dấn sâu vào các vùng đất lạnh lẽo, mênh mông của nước Nga, quân Đức ngày càng suy kiệt và đã bị Hồng quân đánh thua liểng xiểng trên đường rút chân ra.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo History)
Làn sóng thứ hai mang tính huỷ diệt của đại dịch cúm Tây Ban Nha
Làn sóng thứ hai mang tính huỷ diệt của đại dịch cúm Tây Ban Nha

Làn sóng đầu tiên của dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 thực ra không đặc biệt nguy hiểm. Số ca tử vong tăng vọt chỉ ập đến khi dịch bệnh quay trở lại với làn sóng thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN