Trần Đại Nghĩa - 'ông Phật làm súng'

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebbeau. Trong thời gian ở Pháp, với sự hấp dẫn diệu kỳ và sức hút cảm hóa đặc biệt của mình, Bác Hồ đã thu hút được đông đảo kiều bào ta nói chung và trí thức Việt kiều nói riêng xin được về nước phục vụ kháng chiến. Trong số đó có người trí thức trẻ sau này được mệnh danh là “ông Phật làm súng” - Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động, Bộ trưởng Trần Đại Nghĩa. Ông sinh ngày 13/9/1913.

 

Giáo sư Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ra tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Năm lên 6 tuổi, Phạm Quang Lễ chứng kiến sự ra đi của người cha thân yêu. Lời trăn trối của cha “con phải chăm lo học hành, sau này mang kiến thức của mình ra để giúp ích cho đời” đã theo ông suốt cả cuộc đời. Ngôi trường trung học đệ nhị Pêtơrốtxki nổi tiếng ở Sài Gòn những năm 30 của thế kỷ trước là nơi cậu học sinh Phạm Quang Lễ theo học từ năm 1930 đến năm 1933. Ông luôn được thầy cô và bạn bè chú ý bởi sự thông minh và trí nhớ khác người.

 

Năm 1935 là một bước ngoặt đối với người thanh niên Phạm Quang Lễ. Ông được cấp học bổng xuất dương du học. Khi được học bổng sang Pháp học, Phạm Quang Lễ quyết tâm chạy đua với thời gian, lấy được 6 bằng đại học và chứng chỉ của các trường đại học danh tiếng của Pháp. Khác với những người khác, lần du học của Phạm Quang Lễ có mục đích rõ ràng. Ông học về khoa học chế tạo vũ khí nhằm phụng sự Tổ quốc giành độc lập. Song, đây là lĩnh vực bí mật và cấm tuyệt đối người dân thuộc địa. Vì vậy, trong suốt 11 năm ở Pháp, Phạm Quang Lễ chỉ có thể tự mò mẫm và bí mật học hỏi, sưu tầm tài liệu về các loại vũ khí.

 

Cuộc gặp gỡ giữa ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris đã trở thành cuộc gặp gỡ định mệnh làm thay đổi cuộc sống của Phạm Quang Lễ.

 

Rời thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp, Phạm Quang Lễ trở về Tổ quốc mang theo tâm nguyện phụng sự đất nước. Năm 1946, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gay go, ác liệt, ông được Bác Hồ giao làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo ra vũ khí để bộ đội ta đánh giặc. Bác nói: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...”.

 

Bác Hồ làm việc với Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ảnh Tư liệu


Trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn về nhiều mặt, nhưng Giáo sư Trần Đại Nghĩa cùng các đồng chí của mình đã chế tạo thành công súng và đạn bazooka, súng đại bác không giật (SKZ) là những loại vũ khí có trình độ hiện đại của thế giới. Đây là một kỳ tích phi thường của quân và dân ta. Những loại vũ khí này đã tham gia hầu hết các trận đánh, duy trì cục diện chiến tranh nhân dân, tạo nên những kỳ tích mang màu sắc chiến tranh nhân dân Việt Nam. Khen ngợi những chiến công của bazooka ở chùa Trầm, thấy kỹ sư Trần Đại Nghĩa là người hiền lành, ít nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi ông là “Ông Phật làm súng”.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, huyền thoại về ông một lần nữa được viết tiếp khi ông trở thành người hỗ trợ về tinh thần cho những phát minh về quân giới cho đến ngày đất nước giành độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Giáo sư, ta đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí trang bị bằng vật liệu có sẵn, với công nghệ đơn giản như: Ngòi thủy lôi áp suất ABS, các loại mìn, thủ pháo dù cho đặc công đánh hiểm, sau này phát triển thành thủ pháo dù cho đặc công đánh sâu trong lòng địch, đặc biệt là cải tiến ĐKB-H12 theo công nghệ của ta từ viện trợ của Liên Xô trước đây.

 

Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng và giao nhiều trọng trách quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam... Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học của Liên Xô (trước đây). 

 

Ông đã được Đảng, Nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945-1954. 

 

Nhớ tới Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, người ta nhớ đến một hoài bão lớn, một tình yêu lớn và một niềm tin vô hạn đối với Đảng, đối với Bác Hồ và nhân dân. Cả cuộc đời ông đã sống trọn cho khát vọng cống hiến tâm sức của mình cho đất nước, cho nhân dân

 

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN
Chủ tịch nước kiểm tra công trình Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Chủ tịch nước kiểm tra công trình Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và kiểm tra tiến độ công trình xây dựng Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà khoa học lớn từng giữ nhiều trọng trách quan trọng của Cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN