Trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành nét đẹp của nền văn hóa Việt. Đạo lý tôn thờ, hậu đãi người có công với đất nước, đã được kế thừa và phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh và là nền tảng sức mạnh để đất nước ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến tất cả mọi người, đặc biệt là các cụ già, phụ nữ, thanh thiếu niên nhi đồng, các chiến sỹ, thương binh và bệnh binh. Người đã ra Chỉ thị lấy ngày 27/7 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”, vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo giúp đỡ thương binh. Trong ảnh chụp năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các thương binh hỏng mắt. Nguồn: TTXVN |
Ưu đãi người có công - chính sách ưu tiên xuyên suốt quá trình cách mạng của Đảng và Nhà nước
Ngay từ những ngày đầu non trẻ của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và nêu lên những quan điểm cơ bản về ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng, hình thành chính sách ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ.
Văn bản pháp luật đầu tiên về ưu đãi NCC với cách mạng là Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ngày 16/2/1947, sau đó được bổ sung bằng Sắc lệnh số 242/SL ngày 12/10/1948, quy định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng “tử sỹ”, thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình liệt sỹ.
Ngay sau ngày miền Bắc được giải phóng (năm 1954), Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật quy định chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, với dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật... với cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, NCC giúp đỡ cách mạng.
Khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, Đảng và Nhà nước ta vẫn xác định công tác thương binh, liệt sỹ là một trong những vấn đề lớn của đất nước ta.
Cụ thể hoá quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành, bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật ưu đãi đối với NCC, khắc phục một số bất hợp lý, giải quyết một khối lượng lớn công việc do hậu quả của chiến tranh để lại, hình thành một hệ thống văn bản pháp quy có hiệu lực thực hiện thống nhất trong cả nước, phục vụ cho yêu cầu của giai đoạn mới.
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật ưu đãi người có công, bắt đầu từ Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định yêu cầu nhiệm vụ của công tác thương binh, liệt sỹ sau chiến tranh.
Sau đó là nhiều Nghị định, Quyết định, Thông tư nhằm sửa đổi, bổ sung chế độ ưu đãi đối với NCC; xác nhận chính xác đối tượng người có công để họ được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Nhà nước.
Cùng với sự đổi mới của đất nước khi thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công tác ưu đãi NCC với cách mạng được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII trong thời kỳ đổi mới của đất nước đã xác định rõ: Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, và quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và NCC với cách mạng... vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của nhân dân...
Vấn đề ưu đãi người và gia đình có công với cách mạng đã trở thành nguyên tắc Hiến định và được ghi nhận trang trọng ở Chương V, Điều 67 của Hiến pháp năm 1992: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”.
Nguyên tắc này đã được thể chế trong Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 10/9/1994, và được quy định cụ thể tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ.
Đây là một bước tiến dài trong việc pháp điển hoá pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, là sự kế thừa, chọn lọc và phát triển những bài học của nửa thế kỷ qua với một hệ thống trên 1.400 văn bản quy định về chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng.
Với việc ban hành Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng, nhiều vấn đề còn tồn tại trong chính sách ưu đãi trước đây được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, như việc áp dụng thống nhất mức trợ cấp giữa thương binh hưởng lương và thương binh hưởng sinh hoạt phí khi bị thương; giữa thương binh đang công tác hay nghỉ hưu với thương binh về địa phương có cùng tỷ lệ thương tật; thực hiện công bằng trong chính sách giữa người có công thoát ly và không thoát ly, căn bản tách chế độ ưu đãi tồn tại từ mấy chục năm trong chính sách bảo hiểm xã hội chuyển sang chính sách ưu đãi xã hội (như thâm niên kháng chiến, phụ cấp đối với cán bộ Lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động...).
Các nội dung ưu đãi NCC với cách mạng được luật pháp hoá, trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống (trợ cấp, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi về giáo dục-đào tạo, về việc làm, ruộng đất, tín dụng, thuế...).
Hàng loạt chính sách ưu đãi về kinh tế, xã hội đã được thực hiện. Các ưu đãi của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, miễn giảm thuế trong sản xuất kinh doanh, ưu tiên giao đất sản xuất, cải thiện về nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khoẻ... các chương trình lồng ghép như xoá đói giảm nghèo, việc làm... đã thiết thực hỗ trợ NCC với cách mạng ổn định đời sống, nỗ lực vươn lên trong cơ chế mới.