Xe tăng - phương tiện tác chiến lợi hại

Với ưu thế là có khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, đột kích mãnh liệt, xe tăng (còn được gọi là tăng hay chiến xa) đã trở thành phương tiện lợi hại có thể bất ngờ làm thay đổi cục diện chiến trường. Ngày 15/9/1916, lần đầu tiên người Anh đã đưa xe tăng ra sử dụng trong một trận chiến ở miền Bắc nước Pháp.

 

Chiến xa do Leonard de Vinci thiết kế vào năm 1487.


Hình ảnh chiếc xe tăng đã xuất hiện trong các bức tranh của danh họa Leonard de Vinci vào cuối thế kỷ XV. Nhưng phải đến khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, hình ảnh này mới trở thành hiện thực.

           

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, các bên tham chiến thường sử dụng chiến thuật chiến hào “dễ phòng thủ, khó tấn công”. Để tấn công đối phương có hào lũy bảo vệ, binh lính phải vượt qua chiến tuyến dưới làn hỏa lực của đối phương, chịu nhiều tổn thất và thương vong. Vì vậy, nhiều nước bắt đầu nghiên cứu một loại phương tiện hỏa lực có khả năng hỗ trợ bộ binh.

           

Năm 1915, đại tá quân đội Pháp Jean Baptiste Eugene Estienne sản xuất thành công hai chiếc xe bọc thép đầu tiên, theo nguyên tắc là lắp các nòng đại bác 75 ly của Pháp trên các ô tô xích của Mỹ.Cũng trong thời gian này, quân đội Anh cũng bắt đầu nghiên cứu và chế tạo một loại xe bọc thép. Để giữ bí mật, người Anh đã nói với các công nhân rằng, đây là loại xe dùng để chở nước trên chiến trường và đánh dấu các lô hàng này bằng chữ “tank” - có nghĩa là “chiếc thùng”.

 

Đến năm 1915, người Anh đã đưa ra những mẫu đầu tiên là: Mark 1, Mark 2, Mark 3 và Mark 4. Các mẫu xe này được sản xuất theo 2 phương án: Xe đực và xe cái. Xe đực có gắn pháo bên sườn, còn xe cái thì chỉ có lỗ “châu mai” để lính bộ binh đứng từ trong bắn ra. Sử dụng động cơ ôtô, khung xích hình quả trám, các mẫu xe tăng này có khả năng vượt qua các vật cản như các chiến hào và hệ thống dây thép gai của đối phương.

 

Mẫu xe tăng Mark 1 của Anh.


Ngày 15/9/1916, trong trận sông Somme giữa liên quân Anh-Pháp và phát xít Đức, lần đầu tiên người Anh đã đưa 49 chiếc xe loại này ra sử dụng. Tuy nhiên, do trục trặc kỹ thuật, cuối cùng chỉ có 18 chiếc tham gia tấn công, nhưng cũng đã gây ra bất ngờ và hoảng loạn trong hàng ngũ quân Đức.


Nhờ sự hỗ trợ của xe tăng, chỉ sau 1 ngày, quân Anh chiếm được thêm khoảng 5km về phía phòng tuyến quân Đức, đồng thời gây nhiều thương vong cho quân Đức. Số lượng binh lính Anh bị thương vong thấp hơn mức trung bình 20 lần. Nhận thấy được điểm mạnh của việc sử dụng xe tăng trong chiến đấu, sau trận chiến này, các nước bắt đầu đi sâu nghiên cứu và sản xuất các dòng xe tăng khác nhau.

 

Những năm Chiến tranh thế giới thứ hai là giai đoạn xe tăng phát triển vượt bậc, cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật sử dụng. Vào thời kỳ này, xe tăng thường được trang bị động cơ diesel, lắp radio liên lạc, tháp pháo được lắp đặt hệ thống treo mới giúp xe có thể vừa chuyển động, vừa ngắm bắn, tạo cho xe có khả năng cơ động cao, có khả năng phòng thủ và tấn công, hỏa lực mạnh,... Do đó, xe tăng đã trở thành phương tiện tác chiến chính của chiến trường trên bộ, đồng thời đóng vai trò trung tâm trong chiến thuật tấn công đột kích,  góp phần rất lớn vào sự thành bại của các bên tham chiến.

 

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, xe tăng vẫn liên tục được sản xuất theo xu hướng tăng cỡ nòng hỏa lực và độ dày của vỏ thép. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng sử dụng những vật liệu siêu nhẹ, siêu bền để chế tạo hệ thống vỏ giáp xung quanh cho xe tăng; Lắp đặt “hệ thống bảo vệ tích cực”, gồm các ống phóng lựu và rađa, qua đó làm tăng khả năng tự bảo vệ của xe lên nhiều lần.

           

Trong chiến tranh hiện đại ngày nay, xe tăng vẫn được coi là một trong những phương tiện tác chiến hiệu quả. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục hiện đại hóa các mẫu tăng đã sản xuất trước đó, nhiều nước đã phát triển các mẫu xe tăng chủ lực mới, trong đó dòng xe tăng chiến đấu chủ lực AMX-56 Leclerc của Pháp là loại rất hiện đại. Leclerc được trang bị 1 pháo nòng trơn 120 mm, hệ thống nạp đạn tự động, hệ thống tác chiến điện tử, giáp Chobham có khả năng chống được cả đạn xuyên giáp…

           

Xe K2 Black Panther.


Quân đội Hàn Quốc hiện đang sở hữu một loại xe tăng hiện đại - xe K2 Black Panther. Loại xe này có thể tăng tốc từ 0 đến 32 km mỗi giờ chỉ trong vòng 7 giây. Ngoài ra, nó có thể đạt vận tốc tối đa 70 km trong phạm vi hoạt động 450 km.

           

Ngoài các dòng xe trên có thể kể đến dòng FV4034 Challenger II của Anh, C1 Ariete của Italia, M1A2 Abrams của Mỹ, T90 của Nga,…Tất cả các dòng tăng này đều được trang bị hết sức hiện đại, có khả năng bảo vệ và sức chiến đấu cao. Kể từ khi ra đời đến nay đã gần 1 thế kỷ nhưng với tính ưu việt nổi trội, xe tăng vẫn giữ vững vai trò là một trong những phương tiện chính trong tác chiến hiện đại.

 


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

 

 

Xe tăng tranh tài tại Giải đua Biathlon
Xe tăng tranh tài tại Giải đua Biathlon

Tại Giải đua xe tăng quốc tế Biathlon 2014 ở Moscow (Nga), các xe tăng tham dự sẽ phải đua một quãng đường 20km trên địa hình hiểm trở, vượt chướng ngại vật và bắn trúng các mục tiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN