Xếp bút nghiên lên đàng tranh đấu

Vào một ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp ghé thăm và thắp nén nhang tưởng nhớ đến tác giả của lời bài ca nổi tiếng “Lên đàng” - nhà lão thành cách mạng Huỳnh Văn Tiểng, tại ngôi nhà nhỏ của gia đình tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Dẫu ông đã “lên đàng” cất bước đi xa, nhưng 70 năm trôi qua, những ca từ của bài hát nổi tiếng ấy vẫn hùng tráng, đầy sức chiến đấu, ngấm vào từng thế hệ trẻ.

Thời hoa đỏ

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, người bạn đời của ông, vừa đặt những tấm ảnh chụp kỷ niệm của ông với Bác Hồ, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay ngắn xung quanh gian thờ và bắt đầu câu chuyện về những ngày tháng 8 cách đây tròn 70 năm. Đó là câu chuyện hào hùng của những thanh niên yêu nước, trong đó có người bạn đời của bà tham gia trong nhóm “Hoàng Mai Lưu” (ghép tên đầu của ba sinh viên yêu nước Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước). Nhóm đã tham gia phong trào cách mạng bằng các bài hát, vở kịch nêu cao lòng yêu nước chống thực dân Pháp. Cả ba thanh niên này cùng bè bạn đạp xe từ Hà Nội về Sài Gòn để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, người bạn đời của nhà cách mạng lão thành Huỳnh Văn Tiểng.


“Khi chúng tôi ở độ tuổi thanh thiếu niên, được nghe những bài hát “Tiếng gọi sinh viên”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng”… do các anh sáng tác như bừng lên ngọn lửa yêu nước, sẵn sàng đứng dậy chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Biết anh Tiểng từ khi tôi còn nhỏ qua từng câu chuyện, tác phẩm… nhưng mãi đến năm 1975, khi ấy đã 30 tuổi tôi mới được gặp anh tại Hà Nội và nên duyên vợ chồng. Kể từ đó cuộc đời của tôi được gắn liền với anh, một người con của miền Nam Thành Đồng”, bà Uyên bắt đầu bằng chất giọng ấm áp của người Hà Nội.

Lật giở từng trang hồi ký về những năm tháng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà bà đã hỗ trợ ông biên soạn vào những năm cuối đời, bà hồi tưởng: “Anh kể cho tôi nghe rất nhiều lần về thời điểm tháng 3/1945, khi nổ ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp, các anh gấp rút chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Chỉ trong vòng một tháng, hàng trăm ngàn thanh niên Sài Gòn tham gia vào Đoàn Thanh niên Tiền Phong với khí thế ngút trời như đáp ứng lòng mong mỏi cứu nước của thanh niên trí thức đã chờ đợi từ lâu, nay có dịp bừng lên như mạch nước dâng trào. Ngay lúc đó, các anh chọn bài hát chính thức cho Đoàn chính là bài “Lên đàng” với những ca từ hào sảng, mạnh mẽ thúc giục hàng trăm ngàn trái tim hướng về Mặt trận Việt Minh”.

Ông Huỳnh Văn Tiểng trong một lần gặp Bác Hồ.


Hướng ánh nhìn về tấm ảnh người chồng quá cố - ảnh chụp người chiến sĩ cách mạng kiên trung Huỳnh Văn Tiểng nở nụ cười tươi sáng cùng với các anh em chiến sĩ trên nóc hầm cứ điểm A1, Điện Biên Phủ vào ngày đánh dấu sự “cáo chung” của thực dân Pháp, bà kể tiếp: “Sau khi phong trào Đoàn Thanh niên Tiền phong được thành lập với 25 nhân sĩ trí thức có uy tín làm Hội đồng quản trị, trong đó Chủ tịch là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, anh Tiểng là Phó chủ tịch phụ trách thanh niên, nhiều tháng sau đó các anh tích cực chuẩn bị vũ khí, lực lượng… để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách còn lại là ngày nào, giờ nào phát lệnh, đặc biệt là sau ngày 19/8/1945 Mặt trận Việt Minh Nam Bộ đã ra mắt công khai và cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội diễn ra thắng lợi. Anh Tiểng nói với tôi rằng, lúc ấy Xứ ủy Nam Bộ rất cẩn trọng trong việc ra quyết định vì để tránh tiêu hao lực lượng cách mạng và tránh lặp lại thất bại của Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, nếu không qyết định chính xác thì sẽ mang tội rất lớn với Đảng, dân tộc”.

Trong cuốn hồi ký của nhà lão thành cách mạng Huỳnh Văn Tiểng có đoạn ghi lại: Để dò xét và “nắn gân” địch, Xứ ủy Nam Bộ đã lệnh cho ông và các anh em trong lực lượng Đoàn thanh niên Tiền Phong bằng cách chạy hàng chục xe ô tô mang loa thiếc chạy khắp Sài Gòn hô hào ủng hộ Mặt trận Việt Minh nắm chính quyền. Cắm một lá cờ đỏ sao vàng lớn 2x3m trước hiệu ăn Ánh Long, một địa điểm liên lạc của Việt Minh nằm trên đường Colonel Grimaud (nay là đường Lê Lai), đặc biệt là cắm lá cờ búa liềm của Đảng Cộng sản trên nóc phòng khám bệnh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, số 202, đường Chasse Loup Lautbat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Kết quả trước mắt là địch không dám hành động gì, báo cáo về Xứ ủy và chờ đợi quyết định.

Ông Huỳnh Văn Tiểng gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Sau đó, Xứ ủy đã quyết định làm cuộc khởi nghĩa thí điểm ở Tân An với phương châm sử dụng bạo lực chính trị là chủ yếu tránh gây đổ máu. Đêm 22 rạng sáng ngày 23/8/1945 cuộc tổng khởi nghĩa thí điểm ở Tân An đã nổ ra thắng lợi và đúng 19 giờ ngày 24/8/1945 phiên họp đặc biệt của Ủy ban tổng khởi nghĩa Nam Bộ và Sài Gòn đã diễn ra và phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Đến 22 giờ đêm cùng ngày, tất cả các cơ sở tiến hành cướp chính quyền báo về đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp, không nổ một tiếng súng, không đổ máu.

Đau đáu một nỗi niềm

Đã 70 mươi năm trôi qua, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám vẫn mãi mãi ghi dấu những trái tim yêu nước, hiến dâng cả tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những bài tráng ca năm nào của nhóm “Hoàng Mai Lưu” vẫn ngân vang mãi qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Nhắc đến người sinh viên nồng nàn yêu nước Huỳnh Văn Tiểng, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Lên Dân chia sẻ: “Nhớ lại những năm 1941 - 1945, thời gian tôi được tuyển vào trường trung học Pétrus Ký, lúc ấy tôi đã được nhìn thấy anh Tiểng là một trong những sinh viên gương mẫu cầm đuốc soi đường cho chúng tôi vững bước đi tới tương lai tươi sáng. Những sinh viên ấy họp lại thành nhóm “Hoàng Mai Lưu” đã viết ra nhiều bài hát bừng bừng khí thế và cho đến tận bây giờ, gần nửa thế kỷ sau khi đất nước giành độc lập, những ca khúc tuyệt vời ấy vẫn được hát nhiều lần trong các trường học, những nơi công cộng. Chính tôi, đã vào tuổi xế chiều, mà vẫn thuộc nằm lòng bài hát “Lên đàng” năm nào”.

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên cho biết, trước lúc đi xa, ông vẫn còn trăn trở là muốn tìm lại người lính cụ Hồ mà ông được gặp mặt tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 9/2000. “Bởi người lính đó nhận ra anh là tác giả ca từ của bài hát “Lên đàng”. Người lính ấy kể cho anh Tiểng nghe lời ca “Lên đàng” luôn cất vang trên các chặng đường hành quân ra chiến trường B, chống giặc Mỹ. Chúng tôi chỉ kịp chụp lại tấm ảnh kỷ niệm mà thôi. Vào những ngày cuối đời, anh thường xem lại tấm ảnh và nhắc tôi cố tìm ra địa chỉ người chiến sĩ đó, đơn giản là chỉ để nói một lời cảm ơn đã nghe tiếng gọi “Xếp bút nghiên lên đàng tranh đấu”.

Anh Đức
Giáo sư Nguyễn Xiển - nhà khoa học cả đời theo cách mạng
Giáo sư Nguyễn Xiển - nhà khoa học cả đời theo cách mạng

Từng du học tại Pháp, khi về nước, Giáo sư Nguyễn Xiển (1907 - 1997) không ra làm quan cho triều đình Huế, một lòng đi theo cách mạng. Ông đã được Chủ tịch Hồ chí Minh giao nhiệm vụ là Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ kiêm Giám đốc Nha khí tượng thủy văn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN