Nghệ thuật xiếc - Thầy đi tìm trò

Cơn khát diễn viên vẫn thường trực đối với ngành xiếc nên các trường xiếc vẫn đang phải tiếp tục hành trình "thầy đi tìm trò"...


TS Hoàng Minh Khánh (ảnh), Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ VN (TCNTX&TKVN) đã có cuộc trao đổi với báo Tin Tức.

 

´Đợt tuyển sinh vừa qua, trường đã tuyển được 40 học sinh. Tuy nhiên, theo dự kiến thì trường sẽ tiếp tục tổ chức tuyển sinh vào tháng 9 nhằm nâng cao chất lượng“ đầu vào"?


Năm nay, chúng tôi tiến hành tuyển sinh ngay từ đầu tháng 3. Cán bộ, giáo viên của trường đã có mặt và tuyển sinh trực tiếp tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên. Việc tuyển sinh sớm đã cho một kết quả khả quan về số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển: Tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển là 2.762 em. Số thí sinh tham gia dự tuyển là 942 em. 422 em có độ tuổi từ 11 - 18 tuổi đã trúng tuyển.


Tuy nhiên, sau 3 vòng tuyển (sơ tuyển, trung tuyển và phúc tuyển), số thí sinh đạt chỉ khoảng 40 em. Sở dĩ như vậy vì việc tuyển chọn của ngành xiếc rất khắt khe. Vòng 1 (sơ tuyển) chúng tôi tập trung tuyển về diện mạo và hình thể bên ngoài, cũng như kiểm tra cấu trúc của cơ bắp, tỷ lệ độ dài giữa chân và lưng… xem hệ thống cơ bắp, dây chằng, xương… của các thí sinh có đáp ứng được cho việc tập luyện gian khổ của xiếc hay không. Vòng 2 (trung tuyển), chúng tôi lựa chọn lấy 50 em sau khi đã kiểm tra kỹ các tố chất như phản xạ thần kinh, ứng xử tình huống nhanh, độ dẻo trên cơ thể... Vòng 3 (phúc tuyển), chúng tôi tập trung kiểm tra về khả năng thẩm thấu âm nhạc, độ nhạy trong ứng xử, khả năng diễn xuất…


 

Tiết mục “Ngày hội Tây Nguyên” giành Huy chương vàng duy nhất tại Liên hoan xiếc quốc tế lần 4 tại Việt Nam.

Tháng 9 tới trường lại tiếp tục tổ chức tuyển bổ sung, đối tượng lần này là các học sinh có độ tuổi từ 17 - 18 tuổi và là những học sinh không thi đỗ đầu vào ở các trường đại học, cao đẳng nhưng có năng khiếu nghệ thuật. Số học sinh lớn tuổi hơn này được tuyển để làm diễn viên trụ, bởi với thể loại xiếc trụ đòi hỏi các em phải có một cơ thể phát triển hoàn thiện mới tập luyện được.

 

´Có ý kiến cho rằng việc đào tạo xiếc chưa thực sự bắt nhịp với nhu cầu của các đơn vị nghệ thuật hiện nay, và đó là lý do mà có diễn viên sau khi được đào tạo lại làm trái ngành, trái nghề?


Ngay từ năm 1986, việc phân bổ diễn viên sau tốt nghiệp không còn thuộc chức năng của nhà trường nữa, học sinh ra trường phải tự tìm việc làm. Chúng tôi cũng rất băn khoăn về hiện tượng này, khi có những đơn vị xiếc chuyên nghiệp không đủ chỉ tiêu biên chế để nhận diễn viên trẻ về, khiến diễn viên mới tốt nghiệp ra trường phải chấp nhận ký hợp đồng biểu diễn với kỳ hạn ngắn và với số tiền rất thấp. Sự khó khăn về cơ chế và cả chế độ chính sách tiền lương đã khiến nhiều em không trụ lại được với nghề. Trong thời gian tới Ban giám hiệu trường đã yêu cầu phòng đào tạo lập sổ theo dõi số học sinh sau khi tốt nghiệp, xem các em về đâu, để có một cái nhìn tổng quát hơn.


Còn nếu nói đào tạo xiếc không bắt nhịp với nhu cầu của các đơn vị là cách nhìn sai. Ngay từ năm học đầu tiên của các em, ở mỗi kỳ thi học kỳ, trường đã luôn có giấy mời các đơn vị nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp tới tham dự xem các em học sinh thi để cùng trao đổi và đặt ra các nhu cầu đối với công tác đào tạo. Tuy nhiên, việc làm này không được hưởng ứng, hầu hết lãnh đạo các đơn vị chỉ xuất hiện vào kỳ thi tốt nghiệp ra trường của học sinh. Nếu có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị nghệ thuật và cơ sở đào tạo, tôi tin là chất lượng đào tạo xiếc sẽ được nâng cao. Chúng tôi rất mong những ý kiến đề xuất về nhu cầu của đơn vị nghệ thuật biểu diễn để có thể đào tạo theo đơn đặt hàng.

 

´Hiện nay một số nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã được phê duyệt dự án đào tạo diễn viên trực tiếp tại đơn vị. Theo ông, ngành xiếc có thể thực hiện theo phương thức đào tạo này không?


Theo tôi riêng với loại hình nghệ thuật xiếc thì hoàn toàn không phù hợp với phương thức này. Bởi thứ nhất: Độ tuổi tuyển sinh của học sinh vào xiếc từ 11 tuổi, các em vào xiếc không chỉ học nghề, mà phải còn được học hết chương trình văn hóa phổ thông bậc trung học. Thứ hai môi trường sống tập thể và sinh hoạt của diễn viên các đơn vị nghệ thuật hoàn toàn không phù hợp đối với các em còn quá nhỏ tuổi như vậy. Hiện nay, ngoài giờ học thì trường luôn có 3 cán bộ, giáo viên chuyên quản lý các em ngoài giờ, thậm chí còn ăn ngủ với các em. Thứ ba, đó là môi trường giáo dục và đào tạo hoàn toàn khác với môi trường biểu diễn. Sự khác biệt đó thể hiện rất rõ ở các yếu tố cơ bản: đội ngũ giáo viên chuyên trách và có kinh nghiệm giảng dạy; Hệ thống giáo trình, giáo án giảng dạy và huấn luyện; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện an toàn cho học sinh trong quá trình đào tạo, huấn luyện, bởi chỉ cần một chút sơ sẩy, sẽ dẫn tới chấn thương và ảnh hưởng tới tính mạng của các em… Rồi cuối cùng là các đoàn xiếc không thể có một không gian đào tạo và một môi trường đào tạo. Nơi đó, các em có điều kiện tập trung toàn bộ tâm trí vào học tập. Vì thế, nếu muốn để các đoàn nghệ thuật xiếc thực hiện công tác đào tạo thì Nhà nước sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn để đầu tư thêm một cơ sở giáo dục đào tạo cho họ, hoặc chí ít là đầu tư đầy đủ các điều kiện như của một cơ sở giáo dục đào tạo.

 

Xin cảm ơn ông!


Trọng Hoàng (thực hiện)

Nghệ thuật xiếc - Thầy đi tìm trò
Nghệ thuật xiếc - Thầy đi tìm trò

Cơn khát diễn viên vẫn thường trực đối với ngành xiếc nên các trường xiếc vẫn đang phải tiếp tục hành trình "thầy đi tìm trò"...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN