Qua nhiều năm tham gia công tác tư vấn hướng nghiệp, thầy Đặng Chí Dũng chia sẻ: Hàng năm cứ đến mùa đăng ký xét tuyển, các thí sinh thường có nhiều phân vân trong việc lựa chọn ngành nghề. Bên cạnh mức độ “hot” của mỗi ngành học, sự đam mê cũng như sở thích của học sinh đối với từng ngành, các em thí sinh luôn phân vân khi lựa chọn ngành học cho mình.
Thầy Đặng Chí Dũng chỉ ra 5 gợi ý dành cho thí sinh khi lựa chọn ngành nghề đăng ký xét tuyển: Điểm tuyển sinh đầu vào các năm không cao quá mà vừa với các em có sức học khá trở lên; Chỉ tiêu tuyển sinh vừa đủ để trong quá trình đào tạo các em sẽ được các thầy cô quan tâm, hướng dẫn tận tình và kỹ càng hơn; Các doanh nghiệp tìm đến tuyển dụng ngay cả khi các em chưa tốt nghiệp ra trường do đó không lo đi xin việc do cung đang không đủ cầu; Học phí vừa phải, dao động từ 17 - 25 triệu đồng/năm, tốt nghiệp ra trường chỉ vài tháng là có thu nhập đủ bù cho chi phí cả năm học; Dễ dàng có cơ hội học tiếp lên các bậc học cao hơn ở trong và ngoài nước với sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy cô.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, hiện nay có khá nhiều lựa chọn ngành nghề cho thí sinh, nhưng việc hiểu được bản thân sẽ được đào tạo trong môi trường học tập thế nào; Kỹ năng có được sau 4 - 5 năm học; Mức học phí phù hợp; Cơ hội việc làm và mức lương... lại là vấn đề chưa rạch ròi đối với nhiều thí sinh.
Tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngoài các nhóm ngành đào tạo đang “hot” hiện nay thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hoá; Kỹ thuật Điện tử viễn thông, Cơ điện tử… còn có nhiều ngành đào tạo đặc thù khác như: Kỹ thuật điện; Kỹ thuật Vật liệu; Kỹ thuật sinh học; Kỹ thuật thực phẩm... với nhiều ưu điểm có thể đáp ứng được mong muốn của các thí sinh như gợi ý của thầy Đặng Chí Dũng.
Trong tư vấn tuyển sinh cũng như nhiều giảng viên khuyên thí sinh hiểu rõ được các vấn đề như: Chương trình đào tạo trong đó có các tiểu mục như kỹ năng, khả năng ngoại ngữ, thời gian học; Học bổng; Cơ hội việc làm… mới nên đặt bút chọn ngành học.