Có bạo hành mới lo lắp cameraNgay sau khi xảy ra vụ việc các giáo viên ở cơ sở mầm non Mầm Xanh bạo hành trẻ em, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh phải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành ngay việc lắp camera tại các cơ sở mầm non. Trước mắt là vận động sau đó là bắt buộc, song song đó ngành giáo dục xem vướng ở khâu nào thì báo cáo lên cấp trên để giải quyết.
Tuy nhiên, việc “chữa cháy” bằng cách lắp camera được xem là cách làm không thật hiệu quả. Nhiều phụ huynh học sinh chia sẻ, nếu lắp camera mà tránh được hoàn toàn việc trẻ bị bạo hành thì chắc là họ sẽ sẵn sàng lắp. Nhưng đồng tiền của cha mẹ bỏ ra để lắp camera theo dõi chỉ giám sát được phần ngọn nhưng phần gốc rễ là chất lượng giáo dục, đạo đức nhà giáo không camera nào theo dõi được. Bạo hành về lời nói hoặc nhiều biện pháp trừng phạt ở các góc khuất không camera nào soi tới được có khi còn gây ám ảnh hơn cho các con nhỏ.
Nỗ lực không để lặp lại tình trạng bạo hành như trường Mầm Xanh. |
Chính lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định những vụ việc bạo hành xảy ra thời gian qua, ngành GD-ĐT tạo có một phần trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát về chuyên môn. Để tăng cường công tác quản lý, ngành rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể trong giám sát thường xuyên đối với các nhóm lớp tư thục, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ.
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, cho biết: Vụ việc xảy ra tại cơ sở mầm non Mầm Xanh có một phần trách nhiệm của Sở GD-ĐT. Ngay khi phát hiện vụ việc, Sở đã phối hợp với UBND Quận 12 rút giấy phép hoạt động cơ sở mầm non Mầm Xanh, đưa các cháu nhỏ đến cơ sở y tế thăm khám và giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý về sau, đồng thời chuyển các cháu đến những cơ sở giáo dục mầm non trong khu vực.
TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các cơ quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở mầm non ngoài công lập. Sở GD-ĐT thành phố sẽ phối hợp với UBND 24 quận, huyện và các Phòng GD-ĐT trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra tổng thể các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn và thực hiện thường xuyên trong thời gian tới.
Đây là các động thái kịp thời của địa phương này sau khi vụ việc xảy ra. Nhưng để có thể cung cấp môi trường giáo dục an toàn cho trẻ mầm non là một bài toán mà cần nhiều bên tham gia phối hợp.
Cần vào cuộc của nhiều bên
Số lượng trẻ đến tuổi mẫu giáo ngày càng gia tăng, kéo theo yêu cầu gia tăng tương ứng về mặt cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giảng dạy. Từ đó nảy sinh nhiều trường mầm non tư thục, nhóm trẻ, nhà trẻ ngoài công lập phát triển một cách mạnh mẽ, ồ ạt, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tình trạng này dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát về cơ sở vật chất và nhận lực cũng như chất lượng trong các cơ sở nuôi dạy trẻ. Do đó mới để xảy ra hàng loạt vụ hành hạ trẻ như trong thời gian qua.
Luật Trẻ em mới đã có hiệu lực từ 1/6/2017 với nhiều quy định cụ thể về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. |
Tuy nhiên, phòng chống bạo hành trẻ mầm non không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, mà còn là nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị đào tạo giáo viên mầm non, chứ một mình ngành mầm non không thể làm tốt nhiệm vụ này, buộc họ phải huy động công tác xã hội hóa giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, quan điểm của Bộ GD-ĐT là phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội. Trách nhiệm việc cấp phép hoạt động cho các nhóm lớp mầm non do trực tiếp ở các phường, xã. Cấp phòng giáo dục tại cơ sở chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn. Bộ đã yêu cầu Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh xử lý và báo cáo nhanh vụ việc. Bộ cũng đề nghị các đơn vị phối hợp xử lý vụ việc và hiện tại cơ quan chức năng đang điều tra.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, thực hiện nghiêm việc cấp phép thành lập nhóm, lớp độc lập tư thục. Tổ chức thanh tra cả thường xuyên lẫn đột xuất hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trên địa bàn.
Để giải quyết được bài toán gửi trẻ cho công nhân và người nhập cư, đại diện Vụ tài chính (Bộ GD-ĐT) cho rằng, cần có sự vào cuộc của nhiều bên. Với thực trạng hiện nay ở Việt Nam, nếu đề xuất việc miễn phí gửi trẻ cho công nhân và dân nhập cư nghèo thì có lẽ không thực hiện ngay được. Phải có sự chung tay của nhiều phía, xây dựng các cơ sở mầm non cung cấp đủ chỗ cho con công nhân và người nhập cư nghèo, có sự trợ cấp nhất định nào đó về chi phí gửi trẻ, thì các phụ huynh này có thể gửi con để yên tâm lao động mà không khắc khoải lo lắng về nguy cơ con bị bạo hành.
Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đề nghị thủ trưởng các đơn vị thực hiện việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Theo đó, các đơn vị chỉ đạo, chủ động triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng và lồng ghép các chương trình giáo dục giới tính, tăng cường giáo dục kiến thức, biện pháp, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em bằng nhiều hình thức, nội dung và phương pháp phù hợp với lứa tuổi và bậc học.
Thành phố cũng chủ động rà soát, kiểm tra, củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò Phòng tư vấn trường học để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phối hợp giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, cho hay hiện quy định cấp phép cho các nhóm lớp mầm non tư thục còn khá đơn giản nên trong thời tới Sở sẽ xem xét, siết chặt hơn việc mở các nhóm, lớp này. Đồng thời, trong tháng 12 này, Sở sẽ trình UBND Thành phố về kế hoạch gắn camera tại các trường mầm non tư thục.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp cũng muốn xây dựng nhà trẻ bằng kinh phí tự lo để đảm bảo cho công nhân yên tâm lao động. Anh Nguyễn Cao Kiên, Giám đốc điều hành Công ty SENATECH, Khu công nghiệp Bắc Ninh chia sẻ, chúng ta nên có một hệ thống thủ tục riêng cho các doanh nghiệp muốn xây nhà trẻ, ký túc xá công nhân, hệ thống văn bản ngắn gọn xúc tích để khi cần chỉ cần nhì vào đó để biết được các bước, phải đi gặp cơ quan chức năng nào để xúc tiến việc xây dựng được thuận lợi.
Theo quy định, chủ nhóm lớp độc lập tư thục phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định. Giáo viên phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên. Nếu chủ nhóm lớp muốn làm giáo viên trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ cũng phải đảm bảo yêu cầu về bằng cấp như đối với giáo viên. Văn bản của Bộ không quy định chức danh bảo mẫu trong cơ sở GDMN.
Theo kiểm tra giám sát của Bộ, nhìn chung, chủ các nhóm lớp đều đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số chủ nhóm lớp không tuân thủ nghiêm các quy định, không duy trì được những điều kiện khi được cấp phép: số lượng trẻ trên nhóm lớp tăng, nhưng không bổ sung đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, mà sử dụng những người không có chuyên môn GDMN trực tiếp chăm sóc trẻ. |