Công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian qua bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này ngày càng hoàn thiện. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp, tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm cao... Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều bất cập trong việc phân luồng tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Việc gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp còn hạn chế. Công tác chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn những khó khăn và chưa được triển khai nhiều... Điều này đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho thị trường lao động.
Gặp khó trong phân luồng
Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, hai năm 2017-2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được hơn 2,2 triệu người/năm, trong đó, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp được 540.000 người/năm; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là hơn 1,6 triệu người/năm.
Sáu tháng đầu năm 2019, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được hơn 1,08 triệu người, trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 112.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 969.000 người.
Kết quả này cho thấy công tác tuyển sinh trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp vẫn còn khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề đòi hỏi năng khiếu. Cơ cấu trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên, ngắn hạn (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 25% trên tổng số tuyển sinh.
Đối với việc phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, kết quả khảo sát về mong muốn của học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở cho thấy, tỷ lệ học sinh muốn vào học Trung học phổ thông chiếm khoảng hơn 80%. Tỷ lệ học sinh muốn vào học trung cấp thấp (khoảng 8%) và có sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố..
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đòi hỏi phải thay đổi cơ cấu nhân lực phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế. Đối với Việt Nam hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cao là hết sức cần thiết và mục tiêu đề ra đến năm 2020 tỷ lệ học sinh sau Trung học cơ sở đi học nghề phải đạt ít nhất 30% mới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động nước ta.
Nhưng thực tế, số học sinh sau Trung học cơ sở có nhu cầu đi học Trung học phổ thông để sau đó thi vào đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ cao. Nếu cứ làm theo cách cũ, công tác phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở năm 2020 và lâu hơn khó có thể đạt được mục tiêu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2025 là 40% theo Quyết định số 522/QĐ - TTg về phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" của Thủ tướng Chính phủ.
Vụ trưởng Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Xuân Hùng phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc phân luồng khó khăn thời gian qua, đó là công tác hướng nghiệp trong các trường Trung học cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nhất là giáo dục hướng nghiệp qua môn học và tư vấn hướng nghiệp.
Việc học nghề phổ thông chỉ nhằm vào mục đích cộng điểm thi tốt nghiệp là chính. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ tâm lý xã hội, đặt nặng vấn đề bằng cấp. Nhiều phụ huynh chỉ muốn con em tiếp tục học Trung học phổ thông và lên đại học, cao đẳng chứ không muốn vào học giáo dục nghề nghiệp, trung cấp.
Tháo gỡ nút thắt
Một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt phân luồng được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đưa ra, đó là áp dụng mô hình 9+, mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo.
Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới, điển hình là mô hình đào tạo kép tại Đức và Kosen tại Nhật Bản (mô hình đào tạo cho người học tốt nghiệp tương đương Trung học cơ sở ở Việt Nam rất thành công, đem lại giá trị về nguồn nhân lực tại đất nước này).
Theo đó, học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm, tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại, được pháp luật cho phép độ tuổi từ 16 đến 18.
Lựa chọn khác dành cho các em tham gia chương trình đào tạo 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 để theo 8 bậc của Khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, các em lấy bằng Trung cấp, sau đó có thể học liên thông lên Cao đẳng, Đại học, không phải học lại những nội dung đã được học...
Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại là một trong những cơ sở được Bộ Công Thương và Tổ chức Jica Nhật Bản lựa chọn áp dụng mô hình Kosen từ năm 2016. Đến nay, trường đang áp dụng đào tạo mô hình Kosen dưới hai phiên bản: Đầu vào tốt nghiệp Trung học cơ sở: học 5 năm (9+3+2) và Đầu vào tốt nghiệp Trung học phổ thông: học 3 năm (12+3).
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ năm 2016, trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại bắt đầu triển khai áp dụng thí điểm mô hình Kosen cho đối tượng đầu vào tốt nghiệp Trung học phổ thông và tốt nghiệp Trung học cơ sở với 55 sinh viên đầu vào tốt nghiệp Trung học phổ thông, 29 học sinh đầu vào tốt nghiệp Trung học cơ sở.
Trong số 29 học sinh đầu vào tốt nghiệp Trung học cơ sở theo học lớp Kosen năm 2016 có 25 em tiếp tục học liên thông chương trình cao đẳng theo mô hình Kosen. Về cơ bản, học sinh - sinh viên học theo mô hình Kosen đào tạo toàn diện thái độ, kiến thức, kỹ năng ngành nghề, kỹ năng mềm. Ngoài ra, sinh viên được tạo môi trường giúp phát huy tối đa khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc áp dụng mô hình này tại trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Tùng chia sẻ: Mô hình Kosen nguyên bản được thực hiện trong một khóa học 5 năm với đầu vào là học sinh tốt nghiệp cấp 2.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, Luật Giáo dục chưa cho phép đào tạo liên tục từ cấp 2 lên bậc Cao đẳng, Đại học. Điều này gây khó khăn trong việc tạo một chương trình đào tạo xuyên suốt, đồng nhất, hài hòa giữa đào tạo văn hóa và đào tạo nghề. Đối tượng học sinh lớp 9 vào các trường nghề phần lớn có học lực yếu dẫn tới chất lượng sinh viên đầu vào chưa cao nên việc giáo dục, đào tạo, rèn luyện cho sinh viên gặp khó khăn.
Công tác truyền thông về mô hình đào tạo Kosen hiện nay chủ yếu do một số ít các trường trực thuộc Bộ Công Thương chủ động thực hiện, nên chưa có quy mô rộng, xã hội biết tới chưa nhiều nên sức lan tỏa chưa cao. Để áp dụng triệt để mô hình đào tạo Kosen cần nhiều nguồn lực về kinh phí, con người, cơ sở vật chất nên nhiều trường cao đẳng gặp những khó khăn nhất định...
Nâng tầm thương hiệu cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Để điều tiết phân luồng học sinh tham gia giáo dục, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Văn Kha, nguyên Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội, phát triển con người; xây dựng các quy định cụ thể hóa khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được ban hành theo Quyết định 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu điều tiết phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở thông qua chính sách tuyển sinh Cao đẳng, Đại học; tăng cường các chính sách quốc gia đối với người lao động có trình độ giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp triển khai các hoạt động tư vấn học đường cho học sinh Trung học cơ sở nhằm định hướng nghề nghiệp cho các em.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp các cấp trình độ, gắn đào tạo với việc làm, nâng tầm thương hiệu các trường, để thu hút học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, theo Giáo sư, Tiến sỹ Phan Văn Kha, các yêu cầu, quy định để phân luồng phải được thiết kế bảo đảm hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và các luồng nói riêng thực sự "mở" với mọi đối tượng người học khi có nhu cầu. Các quy định phải được xây dựng và được văn bản hóa, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các quy định cụ thể hóa việc phân luồng và liên thông trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, kết nối giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện phân luồng và liên thông trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.
Các trường Trung học cơ sở cần tăng cường công tác hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu được đặc điểm, tâm sinh lý, khả năng, sở thích của bản thân; nắm được khái quát thông tin về thị trường lao động và việc làm; nắm được khái quát hệ thống thông tin về mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau Trung học cơ sở để học sinh định hướng chọn luồng, chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo để tiếp tục theo học.
Đặc biệt, để thu hút được học sinh tốt nghiệp Trung cấp cơ sở vào học, bản thân các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao sức hấp dẫn đối với phụ huynh, học sinh trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Trong đó, các trường cần chú ý đến các điều kiện bảo đảm chất lượng, đổi mới tổ chức đào tạo; tăng cường sự phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, bảo đảm học sinh - sinh viên sau khi ra trường có việc làm và làm đúng ngành nghề đào tạo - Giáo sư, Tiến sỹ Phan Văn Kha khuyến nghị.
Bài 2: Song hành cùng doanh nghiệp