Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong 3 năm qua, Lâm Đồng đã đào tạo hỗ trợ học nghề cho hơn 11.790 người, bình quân đào tạo 2.900 người/năm.
Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai tổ chức, sắp xếp, sáp nhập 3 trung tâm cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề. Đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 39 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, việc triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp tại địa phương có nhiều khó khăn, như tình trạng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm, tình trạng lôi kéo học viên từ các trung tâm, trường cao đẳng với các trường đại học...
Một số đại biểu nêu ý kiến về vấn đề quy hoạch trường đào tạo nghề nên đầu tư để nâng cao chất lượng học viên hơn là đầu tư thêm trường đào tạo nghề. Một số trường chưa quan tâm đến cơ sở thực hành như đào tạo lái xe, y tế. Ngoài ra, cần có chính sách đào tạo nghề cho giáo viên các trường đào tạo nghề.
Các đại biểu cũng trao đổi một số vấn đề bất cập tại địa phương như: Công tác tổ chức, quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa đồng bộ. Công tác tuyển sinh khó khăn nên hoạt động của cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu tự chủ trong tình hình mới.
Ngân sách địa phương còn hạn chế, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp hạn hẹp nên chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho lực lượng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp...
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xem xét kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan tăng cường nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm của địa phương; đầu tư phát triển Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt đạt trường chất lượng cao đến năm 2020. Cùng với đó là hỗ trợ nguồn lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, đảm bảo tiêu chuẩn quy định và phát triển đội ngũ nhà giáo về các tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ...
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với nhóm nghề phi nông nghiệp. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan có cơ chế, biện pháp chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định hiện hành về hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển cân đối, phù hợp nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lực lượng lao động của xã hội…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đã đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng; nhấn mạnh việc “làm thế nào để thay đổi nhận thức từ các bậc phụ huynh, học sinh về ngành học, đi học đại học mà vẫn thất nghiệp”.
Theo ông Triệu Thế Hùng, các trường nên hướng vào đào tạo trọng điểm, thế mạnh của tỉnh, khu vực. Đặc biệt, nhà trường cần tạo mối quan hệ giữa đào tạo và thị trường, doanh nghiệp; có chính sách đào tạo, đào tạo lại đối với trường nghề, có dự báo về ngành nghề để địa phương có chiến lược đào tạo nhân lực tương lai.
Trước đó, tại các Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt và Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Đoàn giám sát đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn triển khai, thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp; đánh giá triển khai, thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp…